Y học

Đột quỵ người trẻ tăng hơn 30%

Hương Cát 16/04/2024 - 13:55

Đó là con số thống kê tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) trong một tháng gần đây. Đặc biệt có những ngày của tháng 3 vừa qua, hơn phân nửa người bệnh nhập viện tại khoa Nội Thần kinh vì đột quỵ đều dưới 45 tuổi.

Với quy trình cấp cứu đạt chứng nhận kim cương tại Bệnh viện Quân y 175, người bệnh được cứu sống và bảo tồn chức năng nhiều nhất có thể, tuy nhiên các di chứng sau đột quỵ vẫn là một gánh nặng đối với người bệnh và gia đình.

Dị tật tim bẩm sinh: Nguy cơ tiềm ẩn gây đột quỵ ở người trẻ

Đột quỵ hay dân gian còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng tắc hoặc vỡ mạch máu nuôi não, gây ra thiếu máu não và dẫn đến các di chứng khó hồi phục, biểu hiện bằng yếu liệt, nói đớ, méo miệng...

Đột quỵ người trẻ là vấn đề được quan tâm không chỉ bởi người bệnh và gia đình, mà còn bởi các y bác sĩ bởi những ảnh hưởng lớn đến đời sống, làm giảm khả năng lao động và chất lượng sống của người bệnh về sau này.

Đột quỵ người trẻ thường được định nghĩa là đột quỵ xảy ra ở nhóm người từ dưới 45 tuổi trở xuống. Ngoài ra, một số tác giả còn đề xuất lấy mốc từ dưới 50 tuổi, thậm chí cao hơn là 55 tuổi, nhằm nâng cao nhận thức trong việc tầm soát các yếu tố tiềm ẩn gây đột quỵ ở nhóm người bệnh này.

1.jpg
Đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

ThS.BS. Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết: “Đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên đột quỵ người trẻ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Căn nguyên tiềm ẩn gây đột quỵ là yếu tố then chốt cần dược xác định trong quá trình điều trị. Đối với người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Quân y 175, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi đầu tiên: “Vì sao người bệnh bị đột quỵ?” Bởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời căn nguyên gây đột quỵ sẽ không thể chặn đứng được tổn thương não tiến triển và nguy cơ tái phát.”

Bệnh nhân Trần Thị N. (sinh năm 1987) may mắn đến bệnh viện kịp ‘giờ vàng’ từ lúc khởi phát đột quỵ. Trước đó, chị N. sau khi tan làm về nhà, bắt đầu có các triệu chứng choáng váng, chóng mặt, đi đứng không vững.

Do trước nay cũng từng có lần bị rối loạn chức năng tiền đình với những biểu hiện tương tự, chị vẫn tiếp tục làm việc nhà mà không hề mảy may nghi ngờ về những dấu hiệu bất thường nguy hiểm này. Đến khi chồng phát hiện chị có cách nói chuyện khác thường, đã đưa chị đến ngay khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175.

Lúc này, quy trình CODE STROKE cấp cứu bệnh nhân đột quỵ được kích hoạt. Bác sĩ Nghĩa kể lại: “Lúc đó đội ngũ của chúng tôi đã rất khẩn trương triển khai quy trình tiêu sợi huyết, là điều trị trong giờ vàng cho người bệnh nhồi máu não, giúp cứu vãn những tế bào não đang trong giai đoạn nguy kịch.”

Chị N. được chẩn đoán nhồi máu hành não, thùy chẩm trái, thuỷ đính phải. Ngay lúc này, các bác sĩ đã nghi ngờ một căn nguyên tiềm ẩn gây đột quỵ ở chị N. Bằng phương pháp test bọt khí qua siêu âm doppler xuyên sọ, các bác sĩ phát hiện bất thường, nghi ngờ sự tồn tại luồng thông phải – trái trong tim, có khả năng là thủ phạm gây đột quỵ. Trường hợp của chị N. được hội chẩn với các bác sĩ Tim mạch can thiệp, hoàn tất quy trình với phương pháp siêu âm tim qua thực quản, xác định tồn tại lỗ bầu dục kích thước lớn trong tim.

Theo BS.CKI. Phạm Thị Thu Ngân, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, ở người khỏe mạnh, lỗ bầu dục sẽ tự đóng kín sau khi được sinh ra, tuy nhiên khoảng 25 - 30% dân số sẽ có lỗ bầu dục tồn tại cho tới lúc trưởng thành. Lỗ bầu dục làm biến đổi dòng chảy bình thường của máu trong tim qua các ngăn sinh nguy cơ hình thành cục huyết khối. Các huyết khối lúc này sẽ theo các động mạch đến não đến làm tắc các nhánh cấp máu cho não, gây nhồi máu não.

Tồn tại lỗ bầu dục là một nguyên nhân phổ biến của đột quỵ người trẻ nhưng trước đây ít được để ý. Đồng thời, các triệu chứng đột quỵ ở người trẻ có thể diễn tiến rất kín đáo khiến họ không đến bệnh viện chuyên sâu để tầm soát kịp thời.

Trở lại với trường hợp của chị N., với nguyên nhân nhồi máu não được xác định do huyết khối hình thành từ dị tật tồn tại lỗ bầu dục kích thước 17x19mm, chị N. được các bác sĩ Can thiệp tim mạch tiến hành can thiệp nội mạch qua một lỗ nhỏ ở đùi để bít lỗ bầu dục, giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây nhồi máu não của chị. Sau 2 tuần tập phục hồi chức năng, âm ngữ trị liệu, kích thích từ trường xuyên sọ. chị N. hồi phục hoàn toàn và đã quay lại làm việc như trước đây.

Hút thuốc lá và di truyền làm tăng nguy cơ đột quỵ

Anh Hoàng Tấn M. 32 tuổi, có hút thuốc lá khoảng 2 điếu một ngày, đến với khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Quân y 175, vì nhồi máu não vành tia phải. Tuy nhiên, có một đặc điểm khiến các bác sĩ rất quan tâm, đó là anh M. có 2 người chị bị nhồi máu cơ tim ở tuổi trước 40 và mẹ bị nhồi máu não ở tuổi 43, điều này gợi ý có một yếu tố di truyền gây bệnh ở trường hợp anh M. Các xét nghiệm chuyên sâu đã được thực hiện, và phát hiện tỷ lệ protein C của anh M. chỉ có 30% so với người bình thường.

2.jpg
ThS.BS. Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đang tư vấn cho người bệnh.

BS Phan Xuân Uy Hùng, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết thiếu hụt protein C có thể gây hình thành các cục huyết khối trong lòng mạch, dẫn đến nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Ngay sau đó, mẹ và chị gái của anh cũng đồng ý xét nghiệm và phát hiện tỷ lệ protein C chỉ đạt từ 23-30%. Nhờ vào các thăm khám kĩ lưỡng, gia đình anh M. được các bác sĩ Khoa Nội Thần kinh điều trị và quản lý kịp thời, giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.

BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cảnh báo, vượt qua bệnh tim mạch, người tử vong do đột quỵ ở Việt Nam hiện đã đứng hàng đầu. Đột quỵ người trẻ là một nhóm bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Việc tầm soát, phát hiện nguyên nhân đột quỵ tại các cơ sở y tế chuyên sâu là vấn đề then chốt trong việc quản lý và kiểm soát tránh đột quỵ dù là ở bất kỳ lứa tuổi nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột quỵ người trẻ tăng hơn 30%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO