Giữ chân ấm giúp phòng ngừa bệnh gì?
Một trong những đúc kết về sức khỏe của người xưa là hãy giữ cho chân ấm và đầu mát.
Theo quan niệm Đông y, đầu tượng trưng cho trời (Thiên), chân tượng trưng cho đất (Địa), bụng tượng trưng cho người (Nhân); âm dương trong cơ thể phải giao hòa, cơ thể mới khỏe, tức là “đầu mát, chân ấm, bụng mới tiêu hóa tốt”.
Khỏe khi có cuộc sống hài hòa âm dương
Theo Đông y, người khỏe là người có cuộc sống hài hòa cân bằng âm dương, người không khỏe hay là người có bệnh là người mất cân bằng âm dương, cho nên mục đích cuối cùng của người thầy thuốc Đông y là lập lại cân bằng đó.

Theo quan niệm Đông y, Thiên (trời) là dương, Địa (đất) là âm, nếu âm dương hài hòa, âm phải thăng lên, dương phải giáng xuống giao nhau tạo nên con người (Nhân).
Đầu tượng trưng cho trời (Thiên), Chân tượng trưng cho đất (Địa), Bụng tượng trưng cho người (Nhân), âm dương trong cơ thể phải giao hòa, cơ thể mới khỏe, tức là “đầu mát, chân ấm, bụng mới tiêu hóa tốt”.
Nhưng theo thời gian, nhất là tuổi ngày càng cao, âm dương từ từ tách rời nhau đi vào cái thể của âm dương, cái ban đầu, cái nguyên sơ của cuộc sống. Dương không còn giáng xuống do công việc, do tuổi tác nên bắt đầu thăng lên với biểu hiện cái đầu nóng trong công việc, học tập, trong cuộc sống. Âm không còn thăng nữa mà giáng xuống nên bàn chân lạnh.
Để cân bằng âm dương trong cơ thể khi lớn tuổi, hoặc do áp lực công việc, cái đầu phải luôn luôn mát và bàn chân phải ấm.
Y học cổ truyền luôn xem trọng việc giữ ấm đôi chân
Đôi chân có hàng trăm huyệt vị, trong đó một số huyệt quan trọng nhất bao gồm: Dũng Tuyền, Thái Khê, Túc Tam Lý, Hành Gian, Thái Xung.

Chân là bộ phận xa tim nhất, dễ bị lạnh do máu lưu thông chậm hơn ở vùng này. Đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, dễ bị ảnh hưởng bởi khí lạnh và tà khí (theo y học cổ truyền). Nhiều kinh mạch chính của cơ thể (như kinh Thận, kinh Can, kinh Vị, kinh Tỳ) đều đi qua đôi chân. Đôi chân được xem là "cửa ngõ" quan trọng để điều hòa khí huyết và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Nếu chân bị lạnh, khí huyết bị ứ trệ, dẫn đến sức đề kháng suy giảm. Theo Đông y, khi chân bị lạnh, "hàn khí" có thể xâm nhập vào cơ thể, gây ra các bệnh lý như đau lưng, cảm lạnh, đau bụng kinh, viêm khớp. Y học hiện đại cũng chứng minh rằng chân lạnh có thể làm giảm tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến tim, não và hệ miễn dịch
Chân bị lạnh sẽ làm suy giảm chức năng của Tỳ, dẫn đến mất cân bằng khí trong cơ thể, gây đau bụng và tiêu chảy, thường gọi là “hàn thấp” ở Tỳ vị. Buổi sáng, cơ thể ở trạng thái âm hàn cao nhất do nhiệt độ môi trường thấp và cơ thể vừa trải qua giấc ngủ dài không vận động. Chúng ta đi tất (vớ) để giữ ấm chân có thể giúp giảm hẳn tình trạng đau bụng buổi sáng.
Để giữ ấm đôi chân, cách đơn giản nhất là đi vớ. Tuy nhiên có một số người mặc dù đã đi vớ nhưng chân vẫn lạnh. Theo y học cổ truyền, lạnh chân có thể do dương khí hư suy (thiếu năng lượng ấm từ Thận) khiến cơ thể không đủ sức "làm ấm" chân, dù đã mặc ấm. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp khác để giúp chân ấm như ngâm chân nước ấm trước khi ngủ; xoa bóp chân và bấm huyệt.
Một số trường hợp không nên ngâm chân nước ấm là những bệnh nhân bị đái tháo đường, suy tĩnh mạch mạn tính hoặc giãn tĩnh mạch; người bị viêm nhiễm, chấn thương ở chân; người có huyết áp thấp hoặc chóng mặt thường xuyên; người đang sốt cao hoặc nhiễm trùng toàn thân.
Bên cạnh đó phụ nữ mang thai trong các giai đoạn đặc biệt, như trong 3 tháng đầu hoặc những người có nguy cơ sảy thai cao, ngâm chân nước quá nóng có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng chậu và tử cung, gây kích thích không mong muốn.
Lưu ý khi chọn các loại sản phẩm làm ấm chân
Gối thảo dược ít rủi ro hơn ngâm chân nước ấm hoặc ngâm chân thảo dược, đặc biệt phù hợp với những người không thể tiếp xúc trực tiếp với nước. Nếu lựa chọn các loại dầu nóng, miếng dán giữ nhiệt, túi chườm ấm, chúng ta cần lưu ý
Túi chườm
Kiểm tra nhiệt độ ở mức 40-50°C để tránh bỏng. Chúng ta nên sử dụng vải lót khi dùng túi chườm chân. Thời gian sử dụng không nên kéo dài quá 20 - 30 phút mỗi lần.
Miếng dán giữ nhiệt
Trẻ em, người lớn tuổi hoặc người có da mỏng nên tránh dùng trực tiếp hoặc dán lâu. Tránh dán lên vùng bị vết thương hở, mẩn đỏ hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, không nên sử dụng. Nếu cảm thấy quá nóng, hãy tháo miếng dán ngay lập tức để tránh bỏng.
Dầu nóng
Chỉ cần một lượng vừa đủ để xoa đều vùng da, tránh bôi quá nhiều khiến da nóng rát hoặc kích ứng; xoa bóp nhẹ nhàng; sử dụng trên da sạch.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể giữ ấm chân bằng cách xoa bóp chân. Bao gồm
Xoa lòng bàn chân
Hai lòng bàn chân xoa mạnh, chà sát với nhau 10-20 lần, thở tự nhiên.
Xoa phía trong bàn chân
Phía trong bàn chân bên này để lên phía trong của bàn chân bên kia, chà sát từ trên xuống và từ sau ra trước, 10-20 lần, đổi chân, thở tự nhiên.
Phía ngoài bàn chân
Mu bàn chân bên này chà lên mu bàn chân bên kia, chà tới chà lui 10-20 lần, đổi chân, thở tự nhiên.
Nếu được xoa ngày 2 lần, mỗi lần 50 - 60 cái. Chúng ta cần xoa chân đều đặn hằng ngày để giữ cho đầu mát và bàn chân ấm tiến tới làm chủ bản thân, làm chủ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngâm chân thảo dược, nên dùng nước ở nhiệt độ bao nhiêu? Có cần bỏ thêm những thảo dược gì?
Chúng ta nên sử dụng nước ấm khoảng 37 - 40°C và ngâm chân trong khoảng 15 - 20 phút.
Ngâm chân với nước muối ấm: cho 1 dúm muối hột vào nước ấm, khuấy đều, ngâm từ 15 - 20 phút đến khi nước nguội.
Ngâm chân làm ấm chân và giúp ngủ ngon với bài thuốc: Muối hột: 6g, đại hồi: 7g, quế chi: 7g, thiên niên kiện: 10g, ngải cứu:15g, trinh nữ:15g, lá vông:15g.
Nếu bàn chân lạnh kèm đau nhức khớp dùng bài thuốc: Muối hột: 5g, cốt toái bổ: 7g, dây đau xương: 7g, lá lốt: 15g, đại hồi: 5g, quế chi: 7g, thiên niên kiện: 7g, phụ tử: 2g, ngải cứu:10g.