Sống xanh

Người trẻ ở TP.HCM sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thay thế nhựa

An Quý 18/12/2023 - 11:41

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mong muốn triển khai chương trình "Nói không với rác thải nhựa dùng một lần", tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế nhựa.

Khuyến khích người trẻ dùng sản phẩm bảo vệ môi trường

Từ khảo sát trên 514 mẫu, nhóm nghiên cứu thuộc khoa Kinh tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhận thấy 100% sinh viên đều sử dụng ly nhựa dùng một lần (SUP), trên 80% sinh viên cho rằng SUP có hại cho sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường do khó phân hủy.

“Nguyên nhân phổ biến cho việc sử dụng nhựa một lần là tiện lợi và chi phí thấp chiếm tỷ lệ rất cao 83,4% và 71,1%. Sinh viên ủng hộ việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là ly dùng nhiều lần,” ThS Sử Thị Oanh Hoa, khoa Kinh tế, cho biết.

z4950969978205_667c0bbcce6ab28c404e74017228e82a.jpg
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mong muốn triển khai chương trình "Nói không với rác thải nhựa dùng một lần"

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là khuyến khích sinh viên tăng cường sử dụng ly giữ nhiệt, dung tích 600ml với mức giá đề xuất là 100.000 đồng. Chất liệu Inox, giữ nhiệt tốt, không độc hại, có khả năng vệ sinh thường xuyên, độ bền cao.

Theo ThS Sử Thị Oanh Hoa, 74% sinh viên trên tổng mẫu khảo sát ủng hộ chương trình “Nói không với nhựa dùng một lần”. Sinh viên ủng hộ việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là ly dùng nhiều lần. Trong số các bạn đồng ý tham gia chương trình (380 bạn), sử dụng giá ly giữ nhiệt trên 100.000 đồng đạt tỷ lệ 3,3%; có đến 39,9% ủng hộ loại ly giữ nhiệt có giá dưới 100.000 đồng.

Rác thải nhựa rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên, Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển mỗi năm. Rác thải nhựa đã đang và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh thái.

Theo một nghiên cứu khác với 269 người tham gia của ThS Trần Thị Diễm Nga (Khoa Kinh tế), phần lớn đối tượng tham gia khảo sát là giới trẻ đã biết đến sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hữu cơ từ dầu dừa ép lạnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức giá trung bình khách hàng chấp nhận trả là 71.000 đồng/100ml dầu dừa ép lạnh hữu cơ. Bên cạnh việc lựa chọn một sản phẩm hữu cơ làm đẹp, giới trẻ còn chọn loại sản phẩm này là vì góp phần thúc đẩy lối sống tiêu dùng xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường cũng như an toàn với sức khỏe.

z4950970456750_7a5f568e1050552f82b1f1ea6bc47f22.jpg
Giới trẻ, sinh viên hưởng ứng phong trào sử dụng bình nước dùng nhiều lần thay thế cho ly nhựa dùng 1 lần

Những kết quả nghiên cứu trên được báo cáo trong phiên kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại hội nghị khoa học công nghệ lần 6 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Quản lý tài nguyên và môi trường hướng đến kinh tế tuần hoàn

PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và dẫn đến hiện tượng cực đoan của thời tiết như nhiệt độ trung bình tăng, hạn hán, hiện tượng El Nino…, việc tìm kiếm các giải pháp khoa học phù hợp, các nghiên cứu về lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn… cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học từ các Trường/Viện nghiên cứu cùng sự đồng hành của các công ty/doanh nghiệp ứng dụng.”

Ông Huỳnh Quyền cho biết thêm: “Tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu liên quan mật thiết với tất cả các lĩnh vực khác trong mọi hoạt động phát triển xã hội - kinh tế - văn hóa của đất nước một cách bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn ảnh hưởng đến môi trường sống, việc làm và sức khỏe của con người. Việt Nam cũng như toàn cầu đang đối diện với vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm khí hậu, khí hậu biến đổi cực đoan. Những thách thức này đã đặt ra trong việc phát triển kinh tế bền vững của mọi quốc gia trong đó có Việt Nam.”

huynh-quyen.jpg
PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Việt Nam là nước đang phát triển và hiện tại đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và đô thị hóa trong khi quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn diễn ra khá chậm.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ số để tăng cường hiệu quả cho các công nghệ xử lý và theo mô hình kinh tế tuần hoàn đáp ứng những nhu cầu, những thách thức trên là điều cần thiết để hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Đó cũng chính chủ đề của Hội thảo khoa học công nghệ lần 6 vừa được tổ chức với chủ đề “Quản lý tài nguyên và môi trường hướng đến kinh tế tuần hoàn và kỷ nguyên số.

Hội thảo khoa học công nghệ lần 6 nằm trong chuỗi hội thảo thường xuyên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM diễn ra 2 năm một lần. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm báo cáo các thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Hội thảo cũng là cơ hội giao lưu học thuật giữa các nhà khoa học trong và ngoài trường về các lĩnh vực chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trẻ ở TP.HCM sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thay thế nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO