7 người được hồi sinh từ tạng hiến của người đàn ông chết não
Khi biết tin người thân bị chết não và không qua khỏi, gia đình đã nén đau thương đồng ý hiến mô tạng để cứu người, mang lại sự sống và ánh sáng cho 7 bệnh nhân khác.
Ngày 21/3, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức lấy, vận chuyển 7 đơn vị tạng từ một người đàn ông không qua khỏi sau tai nạn lao động dẫn đến chết não và ghép thành công cho những người nhận.

Nén đau thương, quyết định hiến tạng cứu người
PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, vừa qua bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cùng một số đơn vị hỗ trợ đã tổ chức thực hiện việc lấy, vận chuyển 7 đơn vị mô và bộ phận cơ thể gồm 1 tim, 2 phần gan, 2 thận, 2 giác mạc từ người hiến chết não chuyển đến các bệnh viện và ghép cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 17/3, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận nam bệnh nhân T.H.N. (44 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cấp cứu do tai nạn lao động. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương rất nặng, chấn thương đầu mặt, chấn thương cột sống cổ, chấn thương ngực, gãy xương sườn, tổn thương phổi… ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã hồi sinh tim phổi thành công cho bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân được chuyển theo dõi tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.
“Bệnh viện đã tập trung sử dụng hết tất cả phương tiện kể cả nhân lực, vật lực để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng, suy tuần hoàn do tổn thương não nặng nên bệnh nhân được đánh giá tiềm năng chết não" - PGS.TS Đỗ Kim Quế cho hay.
Lúc này, bệnh viện đã tiến hành kích hoạt Chi hội Vận động hiến ghép mô tạng của Bệnh viện tiến hành gặp gỡ, trao đổi với vợ, mẹ và các người em của bệnh nhân. Sau khi được giải thích kỹ thì gia đình đã nén lại nỗi đau đưa ra một quyết định vô cùng cao đẹp - đồng ý hiến tặng các mô và bộ phận cơ thể khi anh N chết não để cứu thêm nhiều bệnh nhân khác.
Chia sẻ tại buổi họp báo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất đã không ngừng nỗ lực trao đổi trong việc thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân và gia đình anh N. Nhận thức được giá trị của sự sống, gia đình và người thân của anh N. đã làm một nghĩa cử rung động rất nhiều trái tim để chúng ta có 7 mô tạng ghép cho 7 cơ thể đang chờ sự sống. Với tinh thần một ngọn nến mất đi thắp sáng lên nhiều ngọn nến thì chúng ta đã có một hoạt động là hiến ghép mô tạng để cứu sống rất nhiều cơ thể khác.

7 người được hồi sinh từ 1 người chết não
Sau khi có kết luận của hội đồng chuyên gia đánh giá bệnh nhân chết não, 8h30 sáng 19/03, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã công bố bệnh nhân chết não và chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia. Các chuyên gia đã thống nhất và quyết định 14h cùng ngày sẽ tiến hành phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể từ người hiến chết não đã thành công, 07 đơn vị mô và bộ phận cơ thể đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận. Theo đó, 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đai học Y Dược TP.HCM, 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ngay sau khi nhận được tim và gan, bệnh viện lập tức tiến hành cuộc mổ hiến ghép tạng. Hai cuộc mổ diễn tiến khá thuận lợi, về mặt kỹ thuật không có gì trở ngại. Ca ghép tim được thực hiện cho bệnh nhi 11 tuổi, suy tim nặng khoảng độ 3-4. Trong năm qua bệnh nhi đã nhập viện 8 lần, mỗi lần từ 2-4 tuần. Sau khi mổ ghép tim, hiện bệnh nhi đã ổn định về mặt lâm sàng, tiếp tục theo dõi và điều trị.
Đối với ca ghép gan, BS Trần Công Duy Long, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết ca ghép gan tại bệnh viện là bệnh nhi 10 tuổi, bị suy gan nặng, đã có chỉ định ghép gan cách đây 5 năm. Sau ghép gan, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, sức khỏe tương đối ổn định, đang được theo dõi chăm sóc sau ghép.
Đến thời điểm này, các ca ghép tạng đã được thực hiện thành công, các bệnh nhân đã hồi phục tốt, diễn tiến thuận lợi. Các bệnh nhân sau khi ghép tạng sẽ được đội ngũ y, bác sĩ của các bệnh viện tiếp tục chăm sóc và theo dõi tình trạng sau ghép.
Việc vận chuyển các ca ghép tạng tới nhiều địa phương đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của một số đơn vị như Công an quận Tân Bình, Sân bay Tân Sơn Nhất,… góp phần vào thành công của các ca ghép tạng.

Sự sống nối dài từ nghĩa cử hiến tạng cứu người
Để tri ân nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và gia đình, sau khi thực hiện lấy tạng, Ban lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất đã phân công các bộ phận tổ chức hậu sự chu đáo cho người hiến tạng, đưa về an táng tại quê nhà.
Chị Phạm Thị Hồng Hà – Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội, Bệnh viện Thống Nhất - người đã đồng hành cùng gia đình bệnh nhân N. trong những phút cuối đời bày tỏ: “Chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ và chăm sóc để gia đình, người thân cảm thấy không bị bỏ rơi, không có bị cô đơn một mình, cảm thấy ấm lòng trong điều kiện là đêm rất là khuya, trời thì lạnh. Trên suốt quãng đường đưa anh N. về nhà, vợ anh đã nói rằng: 'Tôi thực sự rất đau đớn, nhưng nếu có thể làm thêm điều gì tốt đẹp cho anh ấy, tôi vẫn chấp nhận. Khi còn sống, anh ấy sống thiện, luôn hướng Phật nên tôi coi đây là tâm nguyện cuối cùng của anh"”.
“Khi về tới nhà, mẹ của anh N. đã nghẹn ngào ôm chúng tôi và bật khóc. Đồng thời, bà cũng gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất vì đã tận tình chăm sóc, điều trị cho anh N. đến giây phút cuối cùng cũng như luôn đồng hành và hỗ trợ chu đáo cho vợ con anh N. trong lúc quyết định hiến tạng con trai” - chị Hà kể lại.”

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, năm 2024 là năm đột phá khi có 41 ca hiến tạng từ người cho chết não. Riêng trong Quý I/2025 đã có 19 ca hiến tạng từ người cho chết não, trong đó, có 4 ca tại miền Nam. Tất cả các mô, tạng hiến tặng đều được sử dụng tối đa và đúng theo quy định, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân trên cả nước.
Nguồn tạng mà anh N. hiến đã cứu giúp được 7 người bệnh khác, thành công này thắp sáng niềm hy vọng cho hàng ngàn người bệnh đang chờ đợi phép màu y học.

Tại buổi họp báo, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhận định: Ngoài vấn đề cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của gia đình và người thân nạn nhân thì việc đào tạo đội ngũ vận động hiến ghép mô tạng và đào tạo đội ngũ hồi sức các cơ quan cho những người có tiềm năng hiến ghép mô tạng cũng đóng vai trò rất lớn.
“Chúng ta biết rằng, ở những giai đoạn cuối thì việc tổn thương các cơ quan cũng như việc hồi sức rất khó khăn và chúng ta đã làm được điều này, các chức năng đều hoạt động là điều rất đáng biểu dương và cần phát huy hơn nữa” - PGS.TS.BS Lê Đình Thanh bày tỏ.
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học nhân loại từ thế kỷ 20. Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 đến nay, cả nước có hơn 9.000 ca ghép tạng được thực hiện. Tại Bệnh viện Thống nhất, kể từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện từ tháng 5/2022 đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 21 ca ghép thận. Những kết quả này đánh dấu bước tiến của bệnh viện trong hành trình 33 năm ghép tạng và 15 năm lấy tạng từ người cho chết não tại Việt Nam.