Y học

Thay khớp gối bán phần, điều trị tối ưu thoái hóa khớp gối người trẻ

An Quý 22/10/2024 13:18

Được xem là bệnh lý của người lớn tuổi, nhưng không ít người trẻ hiện cũng bị thoái hóa khớp gối. Thay khớp gối bán phần là một trong những phương pháp điều trị tối ưu thoái hóa khớp gối.

Thay khớp gối bán phần: Tái tạo động học khớp gối, vận động sớm

Một bệnh nhân đau khớp gối hơn 10 năm nay và đã điều trị nội khoa kéo dài ở nhiều nơi, nhưng không đỡ. Do bệnh nhân mắc thoái hóa khớp khi xấp xỉ 40 tuổi nên việc chỉ định thay khớp toàn phần lúc ấy quá sớm. Được biết, một bộ khớp toàn phần thông thường có tuổi thọ 10 - 15 năm, sau đó có thể bị hư. Đặc biệt thay khớp toàn phần dẫn đến bệnh nhân sẽ bị mất xương rất nhiều, trong khi bệnh nhân còn trẻ.

thay.jpg
Thượng tá, TS.BS Phan Đình Mừng- PGD BVQY 175, Giám đốc Viện Chấn thương Chỉnh hình trình bày về bảo tồn sụn khớp trong bệnh lý thoái hoá khớp gối

“Bệnh nhân được điều trị nội khoa kéo dài, nhưng tình trạng thoái hóa một khoang bên trong của khớp gối ngày càng nặng. Bệnh nhân đau nhiều, khó chịu trong sinh hoạt, ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống. Hiện tại, kỹ thuật thay khớp bán phần ngày càng phát triển, dụng cụ thay thế chất lượng tốt cùng với các hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (BVQY), Bộ Quốc phòng, hoàn toàn có thể điều trị tốt cho bệnh nhân bằng kỹ thuật thay khớp gối bán phần.

Bệnh nhân sẽ được đi lại sớm, hết đau, chất lượng sống cũng nâng cao hơn. Đặc biệt, chất lượng khớp gối của bệnh nhân được bảo vệ trong thời gian dài hơn; đến lúc bệnh nhân 80 tuổi, nếu bị đau các khoang của khớp gối còn lại, có thể được thay khớp toàn phần”, Thượng tá, TS.BS Phan Đình Mừng - Phó Giám đốc BVQY 175, Giám đốc Viện Chấn thương Chỉnh hình, nói.

Bệnh nhân đã được thay khớp bán phần và được truyền hình trực tiếp tại hội thảo cập nhật kiến thức mới về bảo tồn khớp gối thoái hóa. Một ngày sau khi được thay khớp bán phần, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi và đứng với khung. Cảm giác đau hầu như không còn sau hơn chục năm chịu đựng khớp gối bị đau.

Hội thảo vừa được Viện Chấn thương Chỉnh hình, BVQY 175, tổ chức. Báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu về chấn thương chỉnh hình trong nước và quốc tế (Pháp, Thụy Sĩ…) cùng sự tham gia của gần 200 y bác sĩ từ các bệnh viện trong và ngoài quân đội.

bv-quan-y-175-thoai-hoa-khop-goi.jpg
Theo thượng tá, TS.BS Phan Đình Mừng, Phó Giám đốc BVQY 175, Giám đốc Viện Chấn thương Chỉnh hình, thoái hóa khớp gối thường được xem là một bệnh lý của người lớn tuổi, nhưng tình trạng này ngày nay cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ không ít.

Các chuyên gia đã cung cấp cái nhìn toàn diện về điều trị thoái hóa khớp gối từ giai đoạn sớm như giảm tải lực lên khớp gối, thay đổi lối sống và sinh hoạt, nội soi khớp, phẫu thuật cắt xương chỉnh trục, phẫu thuật thay khớp gối các trường hợp vẹo ngoài khớp gối nặng. Bên cạnh đó, nhiều phương pháp điều trị tiên tiến và mới nhất, những chiến lược điều trị thoái hóa khớp gối tối ưu cho bệnh nhân cũng được các báo cáo viên chia sẻ trong chương trình.

GS Patrice Mertl, Trưởng khoa khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Amiens - Picardie (Pháp), đã trình bày kỹ thuật thay khớp gối một ngăn (bán phần). Đây là một trong những kỹ thuật mới trong điều trị thoái hóa khớp. Phương pháp này có nhiều ưu điểm do chỉ bỏ phần sụn khớp bị hỏng, bảo tồn các tổ chức sụn, xương lành, dây chằng chéo.

Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho các trường hợp bị thoái hóa một khoan của khớp gối, như nửa bên trong, nửa bên ngoài hoặc khoang khớp bánh chè - đầu dưới xương đùi. Kỹ thuật này giúp tái tạo động học bình thường khớp gối, vận động sớm hơn và phục hồi chức năng tốt hơn so với thay khớp gối toàn phần.

phau-thuat-thay-khop-goi-ban-phan.jpg
Một ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175 với sự hỗ trợ từ các chuyên gia chấn thương chỉnh hình của Pháp.

Không chỉ trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, GS Patrice Mertl còn phối hợp cùng các bác sĩ của BVQY 175 thực hiện kỹ thuật thay khớp gối bán phần thị phạm trên bệnh nhân thực tế từ phòng mổ của bệnh viện và được truyền hình trực tiếp tại hội thảo. Trong đó kíp mổ của BVQY 175 có sự tham gia của Thượng tá, TS.BS Phan Đình Mừng, BS.CKI. Lê Trung Hiếu…

Vì sao gia tăng thoái hóa khớp gối ở người trẻ?

Bệnh thoái hóa khớp gối thường là kết quả của tình trạng mài mòn và mất dần sụn khớp. Thoái hóa khớp gối có thể được chia thành hai loại, nguyên phát và thứ phát. Thoái hóa khớp nguyên phát là tình trạng thoái hóa khớp mà không có lý do cơ bản rõ ràng. Thoái hóa khớp thứ phát là hậu quả của sự tập trung lực bất thường trên bề khớp như trong hoặc sau chấn thương; hoặc bệnh lý sụn khớp bất thường chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm màng hoạt dịch.

Theo thượng tá, TS.BS Phan Đình Mừng, thoái hóa khớp gối thường được xem là một bệnh lý của người lớn tuổi, nhưng tình trạng này ngày nay cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ không ít.

kham-lai-cho-bn-sau-khi-thay-khop-goi-ban-phan.jpg
Một ngày sau khi được thay khớp bán phần, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám. Cảm giác đau hầu như không còn sau hơn chục năm chịu đựng khớp gối bị đau.

“Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở người trẻ dưới 45 tuổi chiếm khoảng 4 - 5%. Tỷ lệ người trẻ bị thoái hoá khớp gối ngày càng tăng, nguyên nhân hay gặp là do tình trạng béo phì ở người trẻ gia tăng, cộng thêm thói quen sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá…, đi kèm với đó là việc tập luyện thể thao cường độ cao, liên tục quá khả năng chịu tải của khớp gối cũng làm tăng nguy cơ thoái hoá sớm.

Mặc dù thoái hóa khớp gối ở người trẻ có tỷ lệ thấp hơn so với người già, nhưng căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và chức năng vận động nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Vì vậy ngay khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ như đau khi vận động, cứng khớp, sưng đỏ, người bệnh cần đi khám ngay các bác sĩ chuyên khoa. Hoặc các nhóm đối tượng như vận động viên, người thừa cân béo phì, và những người bị chấn thương khớp trước đó là nhóm nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối sớm”, Thượng tá, TS.BS Phan Văn Mừng cảnh báo.

Thoái hóa khớp thường là một căn bệnh tiến triển cuối cùng có thể dẫn đến tàn tật. Cường độ của các triệu chứng lâm sàng có thể khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, chúng thường trở nên nghiêm trọng hơn, thường xuyên hơn và nặng hơn theo thời gian.

“Điều trị thoái hóa khớp gối có thể bắt đầu bằng các phương pháp bảo tồn, thay đổi chế độ ăn và tập luyện, dùng thuốc, vật lý trị liệu, tiêm khớp, phẫu thuật chỉnh trục chi cho đến các lựa chọn điều trị phẫu thuật thay khớp khi điều trị bảo tồn không còn hiệu quả. Trong trường hợp bắt buộc phải thay khớp gối, kỹ thuật thay khớp gối bán phần sẽ đáp ứng đầy đủ các yếu tố: về kỹ thuật, chuyên môn và đội ngũ y bác sĩ sẽ sớm đưa người bệnh phục hồi chức năng của khớp gối”, TS.BS Phan Đình Mừng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay khớp gối bán phần, điều trị tối ưu thoái hóa khớp gối người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO