Y học

Bệnh viện Thống Nhất: Tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ tuổi

An Quý 14/03/2024 - 13:36

Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) triển khai tầm soát miễn phí cho 10.000 người trẻ trong cộng đồng về nguy cơ bệnh thận, phải chạy thận thậm chí cần ghép thận.

Hoạt động này nhằm kỷ niệm ngày Thận học Thế giới - 14/3. Chương trình tầm soát miễn phí bệnh thận dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 1 năm, chủ yếu dành cho người trẻ tuổi ở các khu dân cư, công nhân các khu công nghiệp, đặc biệt là những người chưa có bảo hiểm y tế, không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

do-huyet-ap.jpg
Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) triển khai tầm soát miễn phí cho 10.000 người trẻ trong cộng đồng về các nguy cơ mắc bệnh thận, phải chạy thận thậm chí cần ghép thận. Ảnh tư liệu

Trong chương trình tầm soát các đối tượng nguy cơ, theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, mỗi người chỉ cần 20 phút, nhân viên y tế tiến hành đo huyết áp, vì tăng huyết áp và bệnh thận có liên quan mật thiết với nhau; sau đó thực hiện tổng phân tích nước tiểu.

Theo PGS.TS.BS Bách, tại Việt Nam, người trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh thận cao thường do: chế độ dinh dưỡng không hợp lý (nhiều đạm động vật, ít uống nước, sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc…); hoặc sử dụng bừa bãi các loại thuốc đặc biệt là thuốc kháng viêm, lạm dụng thực phẩm chức năng hay các sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc; hút thuốc lá.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ trong y học, không phải chờ bệnh đến giai đoạn cuối mới bắt đầu điều trị, phải phòng ngừa và phát hiện bệnh từ sớm, giảm gánh nặng lớn nhất; nhất là tình trạng suy thận giai đoạn cuối ở những bệnh nhân mắc bệnh thận.

do-kim-que.jpg
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ trong y học, không phải chờ bệnh đến giai đoạn cuối mới bắt đầu điều trị, phải phòng ngừa và phát hiện bệnh từ sớm, nhất là bệnh thận thường có diễn tiến âm thầm.

“Suy thận mạn là căn bệnh thường gặp, chẳng may diễn tiến giai đoạn cuối trước đây không thể chữa, không gì thay thế quả thận để lọc chất độc khỏi cơ thể, chỉ chờ ngày ra đi. Với sự phát triển y học, có những phương pháp giúp đỡ người suy thận giai đoạn cuối như lọc thận nhân tạo, có thể thay thế quả thận giúp bệnh nhân lọc bỏ chất độc.

Một trong những phương pháp thay thế thận lâu đời là lọc máu rồi lọc màng bụng, Những phương pháp này luôn lệ thuộc bệnh viện, lọc màng bụng có thể tại nhà nhưng cũng kiểm tra định kỳ. Việc này cũng chỉ kéo dài trong một thời giạn nhất định.

Khi y học tiến bộ hơn, chúng ta có thể tiến hành những ca ghép thận - phương pháp thay thế thận tốt nhất để có thể cứu người bị suy thận giai đoạn cuối kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống,” PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thận ghép vẫn còn khan hiếm, có nguồn cũng phải tương thích giữa người cho - người nhận; người nhận thận phải có đủ sức khỏe để nhận thận và phải điều trị chống thải ghép để quả thận tồn tại trong cơ thể và hoạt động đúng chức năng thải độc cơ thể.

Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh hiến tạng từ người cho chết não nhưng nguồn này còn tương đối ít. Nguồn còn lại từ người cho sống, có thể cùng huyết thống cha mẹ anh chị em họ hàng gần hiến tạng cho nhau. Bên cạnh đó có những người không cùng huyết thống nhưng có tấm lòng hiến.

pgs-nguyen-bach.jpg
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất triển khai nhiều chương trình khác liên quan để tầm soát, phát hiện những bệnh nhân suy thận giai đoạn sớm để giảm gánh nặng về suy thận cho bản người bệnh, gia đình.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế cho biết, ghi nhận tại các trung tâm ghép tạng ở TP.HCM, gần 7.000 trường hợp ghép tạng, trong đó ghép thận chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số ghép thận chủ yếu là người cho sống, chưa đi đúng trào lưu thế giới. Người sống phải sẵn sàng hy sinh quả thận cho người thân, ưu tiên chọn người cho cùng huyết thống như cha mẹ, anh chị em, con cái. Tạng cho sẽ có cơ hội phù hợp hơn, kết quả lâu dài tốt.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế nhấn mạnh, với gánh nặng như vậy, Hội Thận Thế giới chọn ra ngày Thận học Thế giới để không chỉ các y bác sĩ mà những người ngoài ngành y, các nhà hảo tâm hướng tới hỗ trợ những người không may mắc bệnh suy thận, không may bị suy thận giai đoạn cuối; với những lời nhắn nhủ phải phòng ngừa, chẳng may bị bệnh cần phát hiện giai đoạn sớm để điều trị phù hợp, tránh cho bệnh diễn tiến giai đoạn muộn. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ những người bị suy thận giai đoạn muộn, khó khăn về tinh thần, tài chính, sức khỏe.

benh-nhan-tre-tuoi-mac-benh-than.jpg
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách, ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất - một bệnh viện chuyên ngành Lão khoa, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh thận mạn là 20%; còn ở nhiều cơ sở y tế có chuyên khoa Thận, tỷ lệ này có thể lên đến 60 -70%

Bên cạnh các chương trình điều trị, ghép thận, Bệnh viện Thống Nhất còn triển khai nhiều chương trình khác liên quan để tầm soát, phát hiện những bệnh nhân suy thận giai đoạn sớm để giảm gánh nặng về suy thận cho bản người bệnh, gia đình, cơ sở y tế và cho cả cộng đồng. Chuyên khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất được cấp chứng chỉ ISO, hiện trung tâm lọc máu tiêu chuẩn chất lượng cao, nhiều bệnh nhân tin tưởng đến điều trị lọc máu để đạt kết quả tốt.

PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, chia sẻ, hiện nay, việc thực hiện trong công tác thăm khám, chẩn đoán, chuyên khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện được các xét nghiệm liên quan đến các bệnh lý thận với chất lượng cao để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân. Nhiều trường hợp nếu điều trị tốt, không dẫn đến suy thận; nhiều ca tìm được nguyên nhân, điều trị tốt giúp bệnh dừng lại, không tiến triển giai đoạn cuối.

Sau khi xem xét hồ sơ và khảo sát thực tế hoạt động ghép thận tại Bệnh Viện Thống Nhất (TP.HCM), ngày 14/02/2024, Bệnh viện Thống Nhất cùng Bệnh viện Chợ Rẫy đã được Hội Thận học Quốc tế (ISN) và Hiệp hội Ghép tạng Thế giới (TTS) chấp thuận nâng cấp chương trình đào tạo, chuyển giao ghép thận lên mức độ A - cao nhất trong chương trình ghép thận.

Chương trình này là sự hợp tác chung giữa ISN và TTS dành cho các thành viên thuốc hai tổ chức này, nhằm giúp thành lập các trung tâm ghép thận mới và phát triển các chương trình ghép thận hiện có ở các nước đang phát triển lĩnh vực ghép tạng.

Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các trung tâm ghép tạng có kinh nghiệm ở các nước phát triển (trung tâm hỗ trợ) và các trung tâm ghép mới triển khai ở các nước có nguồn nhân lực thấp. Thời gian hợp tác, tài trợ cho các trung tâm mới tối đa là 06 năm với điều kiện hoạt động ghép tạng có tiến bộ.

Theo đó, Trung tâm ghép tạng có kinh nghiệm (Bệnh viện Westmead, Úc) sẽ hỗ trợ trung tâm mới (Bệnh viện Thống Nhất).

“Bệnh viện Thống Nhất đã lên kế hoạch và triển khai chương trình ghép thận - hỗ trợ bệnh nhân suy thận trong 5 năm với sự hỗ trợ từ nhiều nơi, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca ghép đầu tiên được thực hiện vào năm 2022, cho đến ngày 14/3/2024 này, bệnh viện đã tiến hành ghép ca thứ 11. Đây là ca ghép đặc biệt vì người vợ đã cho chồng quả thận. Chúng tôi chuẩn bị ghép ca thứ 12, cũng là từ người vợ cho chồng quả thận,” PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Thống Nhất: Tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO