GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Cần hiểu đúng về 'Trường học hạnh phúc'

Công Chương (thực hiện)| 14/05/2023 07:06

Các cụm từ “Trường học hạnh phúc”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”... đã dần trở nên quen thuộc trong mắt mỗi người dân khi hằng ngày đưa đón con em đi học. Tuy nhiên, một trường học đạt chuẩn hạnh phúc thì cần có những điều kiện gì là điều đáng bàn. Xung quanh vấn đề này, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có những trao đổi với Tạp chí Khoa học phổ thông.

Khái niệm trường học hạnh phúc

- Hiện nay cụm từ“Trường học hạnh phúc” đã được đề cập khá nhiều, cá nhân ông thấy thế nào về khái niệm này?

- GS.TS Huỳnh Văn Sơn:Thuật ngữ “Trường học hạnh phúc” đã dần trở nên quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục trên toàn thế giới. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, làm thế nào để tạo dựng ngôi trường hạnh phúc được ngành Giáo dục của chúng ta hết sức chú trọng. Hiểu theo cách chung nhất, trường học hạnh phúc là môi trường chú trọng giảng dạy không chỉ giới hạn ở những điều học sinh cần và thiếu mà còn phải hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm hăng say học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần khỏe mạnh. Từ lược khảo các quan điểm về hạnh phúc, cảm nhận hạnh phúc và trường học hạnh phúc từ các nghiên cứu trên thế giới, chúng tôi tiến hành xây dựng định nghĩa về trường học hạnh phúc phù hợp với hệ thống giáo dục Việt Nam.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn trong một lần đứng lớp.

Theo đó, trường học hạnh phúc là một không gian học đường thiết thực, thân thiện, an toàn; tạo điều kiện để học sinh được yêu thương, tôn trọng, được bảo vệ và được tạo điều kiện để thực hiện các quyền của mình, có nhận thức tích cực về các mối quan hệ trường học, được trải nghiệm những cảm xúc tích cực và thực hiện được những hành vi tích cực giúp mỗi cá nhân người học lẫn người dạy trong môi trường đó ý thức hơn về ý nghĩa và mục tiêu cuộc sống của mình; từ đó tăng cường sự hiểu biết, niềm tin vào bản thân, vào bạn bè và các mối quan hệ xã hội ở trường học, hướng đến một cộng đồng hạnh phúc ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội.

- Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Trong đó, việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục. Ông nghĩ gì về chủ trương này?

Đây là một định hướng đúng đắn, bền vững và lâu dài của ngành giáo dục nước ta khi tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra một ngôi trường mà ở đó học sinh cảm nhận được hạnh phúc, được yêu thương, được tôn trọng và có cảm giác thuộc về. Ngoài ra, chủ trương này còn thể hiện quan điểm nhân văn, vị tha và tử tế của ngành giáo dục nước ta khi vừa tiếp tục kế thừa, phát triển các giá trị hiện hữu, vừa đổi mới và sáng tạo các giá trị mới bắt kịp thời đại 4.0. Lẽ nhiên, cần phải khẳng định bao nhiêu năm nay, ngành giáo dục đã và đang hết lòng cân bằng giữa dạy học và giáo dục, thương yêu học sinh và hướng đến sự thoải mái, phát triển của người học nhưng trong bối cảnh mới với những sự thay đổi thì quan tâm đến hạnh phúc của học sinh trong đó có sức khỏe tâm thần, cảm nhận hạnh phúc, sự phát triển cân bằng là những lựa chọn tiêu điểm được nhấn mạnh hơn…

GS.TS Huỳnh Văn Sơn trong một dịp tư vấn cùng đồng nghiệp.

Hiểu đúng về trường học hạnh phúc

- Ở một khía cạnh nào đó thì Hạnh phúc là một trạng thái/một sản phẩm của tinh thần, tùy thuộc khá nhiều vào tâm sinh lý của mỗi cá nhân, vậy để có một ngôi trường hạnh phúc thì phải làm sao đây, trong khi con người còn quá nhiều thứ để băn khoăn?

- Hạnh phúc là một trải nghiệm mang tính chủ quan và nó rất khác nhau ở mỗi con người chúng ta khi cảm nhận nó. Để có một ngôi trường hạnh phúc thì điều cơ bản nhất chính là tạo ra được một môi trường có sự yêu thương, an toàn và tôn trọng cho học sinh. Ngôi trường đó là nơi các em học sinh có thể tự tin chia sẻ, được lắng nghe, được kết nối, được yêu thương, được đảm bảo an toàn… nhất là có đời sống tinh thần, sức khỏe tâm thần khỏe mạnh và thoải mái…

Con người chúng ta và học sinh có nhiều thứ để băn khoăn, điều đó là tấy yếu; cả thầy cô giáo chúng ta cũng có rất nhiều trăn trở trong cuộc sống, nhưng nếu chúng ta có cơ hội chia sẻ, giải bày, hoặc đơn giản chỉ là có ai đó để lắng nghe, trò chuyện, ghi nhận và yêu thương thì chúng ta sẽ cảm thấy mạnh mẽ, tự tin hơn trong việc đương đầu với khó khăn, thách thức trong cuộc sống này có lẽ cảm nhận hạnh phúc hơn là chắc chắn. Chúng ta không chối bỏ các băn khoăn, lo lắng thường nhật nhưng hãy giảm đi những nguy cơ, hãy bớt đi các lo lắng không quá cần thiết, đó là điều tại sao không?

- Hiện nay, tại các trường phổ thông hay có khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nếu đạt được như vậy thì chắc chắn đây phải là một ngôi trường hạnh phúc?

- Có nhiều tiêu chí để đánh giá một ngôi trường hạnh phúc, trong đó, tiêu chí mà mỗi học sinh, giáo viên, hoặc thậm chí là khách đến thăm trường cảm thấy hạnh phúc chính là họ có được những cảm xúc tích cực khi đến trường, mà niềm vui là điều cơ bản nhất trong những cảm xúc tích cực đó. Và cần hiểu rằng, “ngày vui” ở đây chính là dấu hiệu đầu tiên của 1 trường học hạnh phúc tuy nhiên không hẳn đồng hóa giản đơn như thế. Trường học hạnh phúc còn chú ý nhiều hơn đến thầy cô, các bên khác với mục tiêu tạo ra sự điều chỉnh tâm lý, cân bằng tinh thần và hướng đến hạnh phúc của học sinh cũng là hạnh phúc của chính mình…

Để có trường học hạnh phúc

- Cá nhân ông đã thấy được ngôi trường nào tại VN đạt mức trường học hạnh phúc chưa?

- Như đã phân tích, nếu đánh giá ở khía cạnh cá nhân thì thật sự rất khó để xác định được có hay không có trường học nào đạt mức hạnh phúc ở Việt Nam. Chúng ta đừng nên cố định lượng hạnh phúc hay đo đếm hạnh phúc và trường học bằng 1 bộ tiêu chí đánh giá trường học hạnh phúc. Hãy nhìn vào sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ và đổi thay từng chút, từng chút một để trường học có nhiểu khởi sắc, thêm niềm vui, thêm nụ cười thay vì tuyệt đối hóa để nói là đạt hay đạt mức cao… Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi và nhóm nghiên cứu của tôi đang tập trung tìm hiểu và nghiên cứu một bộ công cụ xác định các biểu hiện của trường học hạnh phúc bằng những nỗ lực nhất định nhưng không vì thế chúng tôi vội xem xét trường học hạnh phúc bằng 1 cái nhìn cơ học hay “thô” kiểu thành tích mà vẫn phải dựa trên cảm nhận đích thực, sự trải nghiệm đúng nghĩa.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại một sự kiện.

- Theo ông, để đạt được các tiêu chí cho một ngôi trường hạnh phúc thì cần những gì? Lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh... đóng vai trò như thế nào?

- Một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính định hướng là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Về tiêu chí tôn trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Về tiêu chí yêu thương: Yêu thương là cốt lõi của giáo dục và cảm hóa học sinh, sức mạnh của giáo dục nằm ở yêu thương và công cụ cũng là tấm lòng yêu thương của thầy cô dành cho học sinh. Yêu thương bắt nguồn từ thái độ lắng nghe, thấu cảm và phản hồi tích cực.

Để xây dựng được trường học hạnh phúc, mỗi thành viên trong nhà trường đều giữ vai trò chủ chốt. Trong bối cảnh mới hiện nay, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, vừa là người quản lí, vừa là người lãnh đạo, cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình, cũng cần thay đổi với tư duy tích cực để phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; trí thông minh nhân tạo - AI, chat GPT phát triển mạnh mẽ dần thay thế con người trong một số lĩnh vực lao động và sản xuất. Kỷ nguyên sáng tạo mở ra ngày càng bao la, buộc con người phải vượt ra khỏi khuôn khổ và sự áp lực của nền giáo dục giáo điều, truyền thống để phát huy tiềm năng của cả người dạy và người học. Chính sự thay đổi này đòi hỏi nhà quản lý giáo dục cần xây dựng chiến lược, mục tiêu giáo dục cung cấp cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.

Về phía đội ngũ giáo viên, một trong những trách nhiệm của giáo viên trong việc xây dựng trường học hạnh phúc là phải có hiểu biết sư phạm hiện đại, nắm bắt tâm lý của học sinh trong thời đại 4.0. giáo viên tích cực tự học để cập nhật và thay đổi được tư duy, thái độ, hành động của mình trong sự tương tác giữa người dạy và người học. Trong bối cảnh mới hiện nay, người giáo viên cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình, cần thay đổi để có tâm thế vững vàng, giữ vững vị thế người Thầy, để phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Với học sinh, những trách nhiệm từ phía học sinh trong việc xây dựng trường học hạnh phúc đều tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực. Học sinh là trung tâm của quá trình dạy học và giáo dục. Mang lại hạnh phúc cho học sinh là mục tiêu lớn nhất trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Làm thế nào để học sinh nhận biết, thực hiện tốt trách nhiệm của mình là trách nhiệm của cán bộ quản lí cơ sở giáo dục và của giáo viên trong nhà trường.

Quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm của các bên có liên quan xoay quanh trục tiêu điểm làm cho học sinh hạnh phúc. Điều này chỉ có nếu chúng ta quyết tâm đổi thay và thay đổi từng chút một hướng đến yêu thương, chăm sóc, giáo dục bằng sự tôn trọng, hết lòng…

- Cám ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Cần hiểu đúng về 'Trường học hạnh phúc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO