Học bằng kép
Em muốn theo học ngành ngôn ngữ Nhật và sang năm thứ 2 em muốn học ngành kinh tế hoặc luật của có được không? Nếu được thì sinh viên phải thỏa mãn điều kiện gì?
Sau năm thứ nhất, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ có thể theo học chương trình đào tạo thứ hai của Trường ĐH Ngoại ngữ và tại một số đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN và nhận được cùng lúc hai bằng đại học chính quy. Ngoài cơ hội học chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc hoặc ngành Ngôn ngữ Nhật trong trường, sinh viên còn có cơ hội học bằng kép tại trường Đại học Kinh tế (ngành Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ngành Báo chí, Du lịch học, Khoa học quản lý, Quốc tế học), Khoa Luật (ngành Luật học).
Từ năm nào bắt đầu học chuyên ngành? Và em được biết nếu điểm tích lũy đạt 2/4 sau năm thứ nhất thì được học bằng kép phải không? Ngoài yêu cầu về điểm tổng kết có cần điều kiện gì mới?
Trả lời:
Từ năm thứ 2 bắt đầu học học phần chuyên ngành.
Sau năm thứ nhất đại học, sinh viên có điểm tích lũy đạt từ 2.0 (thang điểm 4.0) được đăng ký học các chương trình đào tạo thứ 2 (bằng kép). Ngoài yêu cầu về điểm tổng kết, không có điều kiện gì khác để học chương trình đào tạo thứ 2 (bằng kép).
Học bằng kép thì tốt nghiệp có bị chậm hơn những bạn học 1 bằng không?
Trả lời:
Theo đào tạo tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp cả 2 bằng trong thời gian đào tạo tối đa là 6 năm. Thí sinh có thể kết thúc sớm nếu tích lũy đủ số tín chỉ. Trong đó, chương trình đào tạo thứ nhất phải tốt nghiệp trước chương trình đào tạo thứ hai.
Em có thể vừa học tại Trường ĐH Kinh tế, vừa học tại Trường ĐH Ngoại ngữ?
Trả lời:
Nếu em là sinh viên Trường ĐH Kinh tế, thì sau năm học thứ nhất, nếu em đạt điểm trung bình chung 2,0/4,0 trở lên (khoảng 5,0/10 điểm) thì em được phép đăg ký học ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Ngoài ra, em cũng có cơ hội học ngành Luật học của khoa Luật, ĐHQGHN. Đối với sinh viên ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển, các em còn có cơ hội học ngành Kinh tế quốc tế hoặc Tài chính - Ngân hàng của trường.
Dùng lại kết quả thi đánh giá năng lực năm 2016
Khi nào thì sẽ có mẫu đơn ĐKXT với học sinh dùng kết quả thi ĐGNL năm ngoái?
Trả lời:
Theo Quy định của ĐHQGHN:
- Thí sinh có kết quả thi ĐGNL còn hạn sử dụng đạt từ 70,00/140,00 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐHQGHN. Sau khi nhận hồ sơ, các trường sẽ xét tuyển và công bố kết quả trước ngày 22/7/2017.
- Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng vào trường/khoa trực thuộc và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký;
- Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi ĐGNL (theo thang điểm 140) cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực quy định
- Xét tuyển theo nguyên tắc từ cao đến thấp đến hết chỉ tiêu phân bổ tương ứng của từng nguồn tuyển. Nếu có các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do đơn vị quy định trong phương án tuyển sinh hoặc thí sinh ĐKXT có nguyện vọng ưu tiên cao hơn;
- Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, hình thức xác nhận do HĐTS quy định. Quá thời hạn quy định, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và HĐTS được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung.
- Thí sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL còn hạn sử dụng tải phiếu ĐKXT theo mẫu (được đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN hoặc website của đơn vị).
- Thí sinh hoàn thiện phiếu ĐKXT và gửi trực tiếp hoặc thư chuyển phát nhanh tới HĐTS trước ngày 22/7/2017.
- HĐTS công bố kết quả xét tuyển và danh sách trúng tuyển trên website của đơn vị trước ngày 29/7/2017.
- Thí sinh kiểm tra danh sách trúng tuyển trên website của đơn vị đào tạo và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia đến đến HĐTS từ ngày 01/8/2017 đến ngày 07/8/2017 bằng thư chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại đơn vị đào tạo để xác nhận nhập học.
Khác biệt giữa chương trình chất lượng cao và hệ chuẩn
Chương trình chất lượng cao tài chính – ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN có lợi ích khác biệt gì so với chương trình đào tạo hệ chuẩn?
Trả lời:
Ngoài những lợi ích chung, chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao Tài chính – Ngân hàng có những lợi ích đặc thù sau:
- Sinh viên chất lượng cao TCNH được học liên thông ở một số môn học trong chương trình đào tạo ACCA của Hiệp hội kế toán công chứng Anh, chứng chỉ danh giá có giá trị toàn cầu và uy tín tại các tổ chức tài chính, kế toán, kiểm toán hiện nay.
- Được thực tập ngay từ năm 2, được đào tạo và trải nghiệm thực tế từ năm 3 tại các ngân hàng và tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam. Những sinh viên xuất sắc có cơ hội được lựa chọn và tuyển dụng ngay sau khi kết thúc thực tập.
- Chương trình thiết kế gói cho vay hỗ trợ học phí ưu đãi cho sinh viên từ các đối tác chiến lược của Khoa TCNH.
- Có cơ hội tham gia trao đổi học tập tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới: Đại học Rennes, Đại học Lincoln, California State University Long Beach.
- Đội ngũ giảng viên là các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ trong nước và quốc tế giàu kinh nghiệm, tâm huyết, có phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp hàn lâm và thực hành với số giờ thực tập thực tế chiếm gần 20% giờ học các môn chuyên ngành.
- Trải nghiệm môi trường học tập chuyên nghiệp, trang thiết bị học tập đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thi lại đại học
Em đã tốt nghiệp THPT năm 2014 và năm nay em muốn dự thi vào ngành Ngôn ngữ Trung – Trường ĐH Ngoại ngữ thì em phải làm như thế nào? Ở phần xét tuyển em không thấy nói đến trường hợp những bạn muốn thi lại đại học.
Trả lời:
Em sẽ đăng ký tại Trường THPT em đã tốt nghiệp hoặc tại các điểm đăng ký dự thi năm 2017. Tuy nhiên em chỉ đăng ký để xét tuyển sinh ĐH nên em thuộc diện thí sinh tự do. Do đó em chỉ cần lựa chọn tổ hợp các môn thuộc khối xét tuyển để thi. Ví dụ ngành ngôn ngữ Anh có tổ hợp D01 thì em đăng ký thi Toán, Văn, Ngoại Ngữ, tổ hợp D78 thì em lựa chọn môn/bài thi là Văn, Khoa học Xã hội, Anh; tổ hợp D90 thì em lựa chọn môn/bài thi là Toán, Khoa học Tự nhiên, Anh để đăng ký thi THPT quốc gia năm 2017. Em hoàn thiện thủ tục đăng ký thi và tuyển sinh giống các bạn học sinh tốt nghiệp năm 2017 nhưng em thuộc diện đối tượng tự do (nếu em đã tốt nghiệp THPT năm 2014).
Ngành Kinh tế và Kinh tế phát triển khác nhau như thế nào?
Trả lời:
- Chương trình đào tạo ngành Kinh tế với mục tiêu đào tạo cử nhân kinh tế có những kiến thức cơ bản và hệ thống về kinh tế học, có những kiến thức chuyên sâu về kinh tế học thể chế và kinh tế chính trị học hiện đại; có phương pháp tư duy khoa học; có khả năng truyền đạt và vận dụng kiến thức được trang bị để tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế. Có thể tiếp tục học tập ở bậc cao hơn và tích lũy kiến thức từ hoạt động thực tiễn để trở thành các chuyên gia tư vấn, phản biện, hoạch định và thực thi chính sách kinh tế, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế. Sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc sau:
(1) Chuyên viên phân tích, tư vấn về kinh tế;
(2) Nghiên cứu viên và giảng viên kinh tế, nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp về kinh tế học.
- Chương trình đào ngành Kinh tế Phát triển với mục tiêu cử nhân trong lĩnh vực kinh tế phát triển theo định hướng chuyên gia và lãnh đạo; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp, nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề về kinh tế phát triển mang tính liên ngành trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phát triển, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu. Có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành các chuyên gia phân tích, nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế phát triển. Vị trí công tác, việc làm mà sinh viên có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp:
(1) Chuyên gia phân tích, tư vấn, cán bộ hoạch định chính sách và quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước;
(2) Chuyên gia, cán bộ quản lý tại các dự án, tổ chức phát triển;
(3) Nghiên cứu viên và giảng viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo và cơ sở nghiên cứu.