Đô thị

Đề xuất 4 giai đoạn chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện tại TP.HCM

Võ Liên 17/07/2025 - 13:01

Đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện dành cho tài xế công nghệ và giao hàng được xây dựng với lộ trình cụ thể gồm 4 giai đoạn, nhằm tạo cơ sở để đo lường, đánh giá tiến độ và hiệu quả trong giai đoạn triển khai.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa hoàn thiện dự thảo đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện dành cho tài xế công nghệ và giao hàng. Đề án được có lộ trình chuyển đổi rõ ràng cùng nhiều chính sách khuyến khích cho tài xế lẫn doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh.

tai-xe-xe-cong-nghe-doi-khach.jpg
Tài xế công nghệ đợi khách tại ga metro, TP.HCM.

Hiện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang nghiên cứu chuẩn bị trình UBND TP.HCM đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho 400.000 tài xế công nghệ và giao hàng trong tháng 7/2025. Dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ 1/1/2026, nếu đề án được các cấp thông qua.

Theo ThS Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát trên, đề án đưa ra bốn giai đoạn với các mục tiêu định lượng và gắn với lộ trình thời gian cụ thể, nhằm tạo cơ sở để đo lường, đánh giá tiến độ và hiệu quả trong giai đoạn triển khai.

Cụ thể, giai đoạn 1 (đến tháng 12/2026) đạt 30%, tương đương khoảng 120.000 xe; giai đoạn 2 (đến tháng 12/2026) đạt 50%, tương đương khoảng 200.000 xe; giai đoạn 3 (đến tháng 12/2027) đạt 80%, tương đương khoảng 320.000 xe; giai đoạn 4 (đến tháng 12/2029) đạt 100%, tương đương khoảng 400.000 xe.

ThS Lê Thanh Hải cho biết, về đối tượng tác động chính sách tập trung ở các nhóm xả thải nhiều nhất là xe công nghệ và xe buýt.

Theo kết quả khảo sát mẫu hơn 400 tài xế công nghệ năm 2023, một tài xế công nghệ tốn kém chi phí nhiên liệu (xăng) ước tính khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày cho quãng đường di chuyển 80 - 120km/ngày. Trong khi hiện tại, tài xế xe 2 điện của Xanh SM chỉ tốn chưa đến 20.000 đồng chi phí sạc điện mỗi ngày.

Ông Hải cho biết thêm, về vùng phát thải thấp, Viện và Sở Xây dựng đã chọn vùng Cần Giờ và Côn Đảo (TP.HCM) vì đây là địa bàn nằm tách biệt, độc lập nên dễ áp dụng chính sách nên làm trước.

Theo dự thảo đề án, về quy hoạch không gian trạm sạc và đổi pin, mục tiêu xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước 12/2028. Trong đó, mở rộng danh mục địa điểm công: bãi xe, cây xăng, chợ, UBND phường, công viên, trung tâm thương mại, bãi xe, nhà chờ xe buýt, chợ dân sinh, cây xăng chuyển đổi,…

Không chỉ có xe máy, hiện TP.HCM cũng đang triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Theo đó, Sở Xây dựng đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông với 2 giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn 1 đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh; ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện; lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.

Giai đoạn 2 của Đề án sẽ mở rộng kiểm soát khí thải đến tất cả các phương tiện giao thông, không chỉ xe buýt. TP.HCM đang xây dựng chính sách ưu đãi cho cá nhân, tổ chức khi chuyển đổi sang xe điện; đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải theo khu vực; đồng thời xây dựng tiêu chí và quy trình triển khai cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất 4 giai đoạn chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO