Y học

TP.HCM sắp đổi tên 17 bệnh viện cấp quận, huyện theo mô hình chính quyền 2 cấp

17/07/2025 - 06:59

Sở Y tế TP.HCM vừa trình Sở Nội vụ đề xuất đổi tên các bệnh viện tuyến quận, huyện trực thuộc. Việc đổi tên không làm gián đoạn các hoạt động khám chữa bệnh, không gây xáo trộn trong tổ chức và không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

q7.jpeg
Bệnh viện quận 7 đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Thị Thập

Sau khi các đơn vị hành chính cấp quận, huyện chính thức chấm dứt hoạt động, các bệnh viện mang tên hành chính cũ sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với địa danh, vị trí địa lý, hoặc yếu tố văn hóa - lịch sử tiêu biểu.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh tên gọi các bệnh viện là cần thiết và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy mới. Dù thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự của các bệnh viện vẫn được giữ nguyên theo quy định trước đó của UBND TP.HCM.

Cụ thể danh sách 17 bệnh viện quận, huyện tại TP.HCM được Sở Y tế TP.HCM đề xuất đổi tên như sau:

Bệnh viện quận 1 thành Bệnh viện Tân Định, Bệnh viện quận 4 thành Bệnh viện Khánh Hội, Bệnh viện quận 6 thành Bệnh viện Bình Phú, Bệnh viện quận 7 thành Bệnh viện Nguyễn Thị Thập, Bệnh viện quận 8 thành Bệnh viện Chánh Hưng, Bệnh viện quận 11 thành Bệnh viện Lãnh Binh Thăng, Bệnh viện quận 12 thành Bệnh viện Trung Mỹ Tây.

Còn lại Bệnh viện quận Bình Tân thành Bệnh viện Bình Tân, Bệnh viện quận Bình Thạnh thành Bệnh viện Bình Thạnh, Bệnh viện quận Tân Bình thành Bệnh viện Tân Bình, Bệnh viện quận Tân Phú thành Bệnh viện Tân Phú, Bệnh viện quận Gò Vấp thành Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện quận Phú Nhuận thành Bệnh viện Phú Nhuận, Bệnh viện thành phố Thủ Đức thành Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện huyện Bình Chánh thành Bệnh viện Bình Chánh, Bệnh viện huyện Củ Chi thành Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện huyện Nhà Bè thành Bệnh viện Nhà Bè.

Đối với 7 bệnh viện thuộc địa bàn cũ của tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện Sở Y tế TP.HCM vẫn đang trong quá trình rà soát và chưa thống nhất phương án đổi tên. Đồng thời, Sở cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với mô hình chính quyền mới.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định: Việc đổi tên không làm gián đoạn các hoạt động khám chữa bệnh, không gây xáo trộn trong tổ chức và không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Các cơ sở y tế tiếp tục đảm bảo chất lượng dịch vụ và phục vụ nhân dân trong khu vực như trước đây.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, sau sáp nhập, quy mô dân số Thành phố tăng từ hơn 9,9 triệu người lên 13,7 triệu người, số bệnh viện tăng từ 134 lên 164. Tuy nhiên Thành phố đang đối diện với thách thức là tỉ lệ giường bệnh/vạn dân sau hợp nhất sẽ giảm xuống từ 42 còn 35 giường/vạn dân, nên đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn.

Thời gian tới, ngành y tế Thành phố tổ chức lại hệ thống trung tâm y tế, trạm y tế nhằm nâng cao năng lực trạm y tế sau hợp nhất, chuẩn hóa chất lượng đầu ra và mở rộng độ bao phủ dịch vụ y tế ban đầu; xây dựng cơ chế thu hút người dân đến trạm y tế.

TP.HCM có 168 trạm y tế và 296 điểm trạm, theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ có 125 trạm y tế đạt chuẩn trên 500m2, các trạm này sẽ như một "bệnh viện mini", có đầy đủ khoa phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sắp đổi tên 17 bệnh viện cấp quận, huyện theo mô hình chính quyền 2 cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO