Dòng chảy

Mong chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” thường xuyên đến với HCMUTE

Võ Liên - Trúc Nhã 16/07/2025 14:15

Ngày 16/7, Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp cùng Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” với chủ đề “Chăm sóc cơ xương khớp và phòng tránh bệnh đột quỵ”.

Chương trình đã thu hút đông các giảng viên và sinh viên của HCMUTE tham dự đến từ sáng sớm kéo dài đến tận trưa. Các thầy cô mong chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” thường xuyên đến với HCMUTE để được các chuyên gia chia sẻ thông tin y khoa bổ ích để phòng ngừa bệnh tật cũng như xử lý đúng các tình huống khi gặp người đột quỵ hay chấn thương.

z6810551782661_d2c98978d7554544d893be67202d05fa.jpg
Các đại biểu tham dự chương trình.

Chủ động trang bị kiến thức

Phát biểu tại chương trình, ThS.Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách, điều hành Tạp chí Khoa học phổ thông - cho biết các vấn đề về cơ xương khớp và bệnh đột quỵ ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn ảnh hưởng đến công việc, người thân…. Do đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và chủ động trong việc phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe là vô cùng cần thiết.

z6810551652039_c37614bf57316c272b8c4d99584fe239.jpg
ThS, Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông - phát biểu tại chương trình.

“Chúng tôi tin rằng, chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" hôm nay sẽ được tiếp cận những kiến thức y khoa chính xác từ các chuyên gia với sự truyền tải dễ hiểu và gần gũi. Để Quý thầy cô và các em sinh viên sẽ chủ động theo dõi sức khỏe, có thêm kiến thức để dự phòng bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi ngày”, nhà báo Bùi Hương chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - bày tỏ sự vui mừng khi tiếp tục phối hợp cùng Tạp chí Khoa học phổ thông trong chuỗi hoạt động giàu ý nghĩa. Với chủ đề thiết thực: “Chăm sóc cơ xương khớp và phòng tránh bệnh đột quỵ”, đây là những vấn đề sức khỏe đang ngày càng trở nên phổ biến và đáng lưu tâm, không chỉ với người cao tuổi mà còn cả với lực lượng lao động trẻ, sinh viên – những người thường xuyên đối mặt với căng thẳng, ít vận động hoặc làm việc trong môi trường không đúng tư thế.

“Chúng tôi đánh giá cao sự đồng hành chuyên môn quý báu từ các y bác sĩ của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO và Bệnh viện Nhân dân 115. Những đơn vị y tế uy tín đã góp phần mang kiến thức y học ứng dụng đến gần hơn với cộng đồng”, ông Nguyễn Thanh Giang chia sẻ.

z6810551726061_510486a5d2e99655bbfb97ee5dfa55ed.jpg
Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - đánh giá cao chương trình “Vui khoẻ mỗi ngày” của Tạp chí.

Cũng theo ông Giang, sức khỏe thể chất và tinh thần là nền tảng cho một môi trường học tập, làm việc hiệu quả, nhân văn và bền vững. Vì thế, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” không chỉ giúp trang bị kiến thức khoa học thường thức, mà còn góp phần lan tỏa thói quen sống lành mạnh, chủ động phòng bệnh thay vì chỉ chữa bệnh.

Giữ hệ xương khớp khỏe mạnh từ những thay đổi nhỏ

Mở đầu phần báo cáo, BS.CKII Nguyễn Đức Lâm - Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã có phần trình bày với chủ đề “Chăm sóc cơ xương khớp”.

Bác sĩ Lâm cho biết, các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp có 2 nhóm: Nhóm các bệnh lý liên quan đến chấn thương bao gồm: đau, sưng nề, bầm tím, mất hoặc giảm cơ năng, chắc chắn gãy xương: biến dạng bất thường, lạo xạo xương. Đối với nhóm các bệnh lý không hoặc ít liên quan đến chấn thương có thể kể đến như: bệnh lý về gân, thần kinh; viêm khớp, gout; thoái hóa thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, bệnh loãng xương. Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây bệnh bao gồm chấn thương do chơi thể thao, vận động, ngã; tuổi tác, tư thế sinh hoạt và làm việc,…

z6810552072145_8b394b1b66d0ebc3a5474e48ac495ebe.jpg
BS.CKI Nguyễn Đức Lâm – Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận giải đáp thắc mắc cho giảng viên, sinh viên.

Để chủ động phòng ngừa các bệnh lý về cơ xương khớp hiệu quả, bác sĩ Lâm khuyến cáo cần loại bỏ những thói quen không tốt như không nên giữ một tư thế quá lâu, cúi gằm khi dùng điện thoại, ít vận động, bê vác vật nặng sai tư thế,… Theo bác sĩ Lâm, đây là nguyên nhân hàng đầu gây thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp.

Việc duy trì cân nặng ổn định kết hợp với chế độ ăn dinh dưỡng, cân bằng, luyện tập những bài phù hợp, đúng độ tuổi cũng đóng vai trò quan trọng. Theo đó, khi chơi thể thao cần khởi động, giãn cơ thật kỹ và tập luyện đúng kỹ thuật kết hợp cùng dụng cụ bảo vệ và dụng cụ thể thao thao phù hợp. Đặc biệt, nếu gặp các vấn đề về xương khớp cần đến chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Đột quỵ có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm

Tại chương trình, ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 đã trình bày chuyên đề "Phòng tránh bệnh đột quỵ".

Theo ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung, đột quỵ không còn phải là tai biến mà là sự tích tụ dần nguy cơ, bệnh lý nền, có diễn biến âm thầm,... dẫn đến cơ đột quỵ. Ngày nay, bệnh đột quỵ có thể phòng ngừa, nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân.

z6810551976150_512cd3cfc5cde33210a0bef7092d3fc7.jpg
ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115

Bác sĩ Trung cho biết, có hai dạng đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não, màng não. Trong đó, nhồi máu não là tình trạng đột ngột tắc nghẽn động mạch tưới máu não, đa số do cục huyết khối hoặc mảng xơ vữa,... Đối với xuất huyết não, màng não là tình trạng mạch máu não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não, đa số do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ như méo miệng, đột ngột yếu liệt tay chân, bệnh nhân có ngôn ngữ bất thường. “Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất”, bác sĩ Trung nói.

z6810552110246_5c81b30b1df8cf59e3e4f0e8d98f10e6.jpg
Các bác sĩ giải đáp thắc mắc cho giảng viên, sinh viên tham dự chương trình

ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung đã chỉ ra 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới như: tăng huyết áp tâm thu, chế độ ăn uống kém, chỉ số khối cơ thể cao, đường huyết lúc đói cao, ô nhiễm không khí, hút thuốc, Cholesterol LDL cao, suy thận, nghiện rượu, ít vận động thể lực.

Để phòng ngừa đột quỵ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, trong đó ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi; hạn chế ăn thức ăn nhanh, không lạm dụng bia rượu, hạn chế chất phụ gia, bảo quản trong thức ăn. Bên cạnh đó, ngưng hút thuốc lá và tránh môi trường khói thuốc, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng vừa phải,...

Thú vị chuyên mục hỏi đáp

Tại chương trình, các giảng viên và sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các bác sĩ, tập trung vào các vấn đề về sức khỏe như phòng ngừa đột quỵ và cơ xương khớp.

z6810552278121_854b245dab5bc513027f18d1fbeb4eb8.jpg
Cô Nguyễn Thị Bích Liễu, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đặt câu hỏi với các chuyên gia tại chương trình.

Cô Nguyễn Thị Bích Liễu - giảng viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đặt câu hỏi: Môn thể thao pickleball đang ngày càng phát triển và thu hút nhiều giảng viên trong trường tham gia. Tuy là môn vận động nhẹ nhàng, nhưng pickleball vẫn có thể gây chấn thương nếu không chơi đúng cách. Bác sĩ có thể chia sẻ những lời khuyên giúp người chơi tham gia an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ chấn thương?

Giải đáp thắc mắc trên, BS.CKII Nguyễn Đức Lâm cho biết, không chỉ riêng đối với pickleball mà khi tham gia bất kỳ bộ môn nào người chơi cũng cần trang bị kiến thức cơ bản, tuân thủ kỹ thuật và luyện tập đúng cách. Theo bác sĩ Lâm, việc khởi động kỹ trước khi vận động là yếu tố then chốt giúp làm nóng cơ thể, giảm nguy cơ tổn thương dây chằng và các cấu trúc khớp. Một điều đặc biệt cần lưu ý là hãy lắng nghe cơ thể mình, điều chỉnh cường độ vận động phù hợp để đảm việc chơi thể thao an toàn và hiệu quả.

z6810552149004_854801b96bec34aee947aea61d0f9447.jpg
Em Nguyễn Thị Ngọc - Sinh viên năm 2, ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đặt câu hỏi phỏng vấn.

Em Nguyễn Thị Ngọc - Sinh viên năm 2, ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - băn khoăn thức khuya có tăng nguy cơ bị đột quỵ hay không?

Giải đáp thắc mắc, ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như rối loạn lo âu, stress và chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài trong nhiều tháng, kèm theo lo âu mạn tính, sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp không ổn định do thói quen sinh hoạt không điều độ cũng là yếu tố trung gian góp phần làm tăng nguy cơ này.

“Vì vậy, việc thức khuya kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ trong tương lai, ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung chia sẻ.

z6810552240232_ee9264728275d65acc389f422d508944.jpg
TS Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (thứ tư từ phải sang); ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM(bìa phải); bà Phạm Thị Hưng – Trưởng Ban nữ công Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (bìa trái) - tặng hoa cảm ơn bác sĩ và đơn vị đồng hành cùng chương trình.
z6810552186202_d21b626a7d46a10e246336e0a1ddf9cd.jpg
Ban tổ chức chụp hình cùng các bác sĩ, giảng viên, sinh viên tại chương trình.

Ấn tượng với chương trình

Sau khi tham gia chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, bà Phạm Thị Hưng – Trưởng Ban nữ công Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – cho biết: “Đây là chương trình thiết thực, không chỉ giúp giảng viên mà cả sinh viên hiểu rõ hơn về cách phòng tránh bệnh lý xương khớp và đột quỵ – những vấn đề sức khỏe không còn giới hạn ở tuổi trung niên. Hiện nay, ngay cả người trẻ cũng gặp tình trạng đau nhức xương khớp, rối loạn vận động do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Việc tổ chức chương trình kịp thời như thế này là rất cần thiết”.

Theo bà Hưng, sức khỏe cơ - xương - khớp và nguy cơ đột quỵ đang dần trở thành mối quan tâm chung của nhiều lứa tuổi, nhất là trong môi trường học đường vốn dễ gặp tình trạng ngồi lâu, ít vận động, căng thẳng kéo dài. Việc trang bị kiến thức phòng ngừa từ sớm sẽ giúp mỗi cá nhân chủ động bảo vệ sức khỏe, duy trì thể trạng tốt để học tập và làm việc hiệu quả.

z6810551745747_05778991b3ba5287812b3cb9b2609793.jpg
Giảng viên với ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông

Chăm chú lắng nghe từng nội dung của chương trình, Nguyễn Thị Mai Ánh Tâm - sinh viên năm 2, Khoa Thời trang Du lịch, ngành Công nghệ may, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - chia sẻ: “Chương trình rất bổ ích, giúp mình hiểu rõ hơn về các bệnh lý xương khớp và đột quỵ, những vấn đề không còn xa lạ với giới trẻ hiện nay. Qua phần chia sẻ từ các bác sĩ, mình học được nhiều kinh nghiệm để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cả gia đình”.

Tâm cho biết thêm, sau chương trình, em sẽ bắt đầu điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt. “Mình ưu tiên lựa chọn các món ăn thanh đạm, nhiều rau xanh và hạn chế đồ chiên rán. Sau giờ học, mình tranh thủ đi bộ khoảng 15 - 20 phút mỗi ngày. Ngoài ra, mình cũng chú ý hơn đến tư thế ngồi học và cách tập luyện sao cho đúng cách để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến xương khớp”, Tâm nói.

Thay mặt ban tổ chức, ThS. Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách, điều hành Tạp chí Khoa học phổ thông trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Nhân dân 115; ThS.BS.CKI Nguyễn Quốc Trung - Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115; BS.CKI Nguyễn Đức Lâm – Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã đồng hành cùng chương trình "Vui khỏe mỗi ngày".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” thường xuyên đến với HCMUTE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO