Các chuyên gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025
Ngày 28/3, tại TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025".

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các phương hướng, giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025 theo định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo TS Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Luật Thi hành án dân sự hiện hành tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, TS Lê Trường Sơn nhận định vẫn còn những hạn chế, bất cập nên việc góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận từ các chuyên gia trong và ngoài trường, trong đó 6 bài được trình bày tại hai phiên làm việc chính.
Tại hội thảo, bà Đặng Thị Thương Hoài - Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - đã trình bày về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thi hành án dân sự. Các đề xuất bao gồm: số hóa hồ sơ tổ chức thi hành án, triển khai phần mềm thụ lý và tổ chức thi hành án, xây dựng hệ thống thông báo về thi hành án,… nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc, trong đó có vụ án Vạn Thịnh Phát.
Theo bà Đặng Thị Thương Hoài, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan.
ThS. NCS Nguyễn Đức Phước - Chánh án Tòa án nhân dân Quận Bình Tân, TP.HCM - đánh giá thông qua hoạt động phối hợp việc thi hành án dân sự, kết quả của công tác xét xử được củng cố, hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án được bảo đảm.
Trong thời gian qua, tòa án đã phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thi hành án dân sự, tòa án nhân dân các cấp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn "lấn cấn" giữa hai phương án là hoạt động thi hành án thuộc Bộ Tư pháp hay Tòa án nhân dân quản lý. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về mối liên hệ giữa Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án, quyết định do tòa án ban hành.
Bàn về quyền ra quyết định thi hành án, ThS Lê Duy Bảo Chinh - Viện kiểm sát nhân dân Quận Gò Vấp, TP.HCM - cho rằng dự thảo lần 3 Luật Thi hành án dân sự đã có sự điều chỉnh phù hợp trong việc nhìn nhận vai trò của Tòa án trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động thi hành án dân sự nói riêng, khi đặt trong bối cảnh cải cách hành chính của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn còn một số khó khăn, trên cơ sở phân tích, viện dẫn, so sánh, tác giả nhận thấy quy định tại khoản 3 Điều 15 Dự thảo 3 hiện đang bỏ ngỏ một khoảng trống pháp lý cần phải bổ sung.