Triển khai Chương trình phát triển khoa học công nghệ tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch về triển khai “Chương trình phát triển khoa học công nghệ tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030” năm 2025.
Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 -2030 tại Quyết định số 3686/QĐ-UBND và Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại TP. Hồ Chí Minh tại Kế hoạch số 1231/KH-UBND.
Cụ thể, Thành phố sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại khu Công nghệ cao, trong đó đẩy mạnh thành lập quỹ đào tạo nguồn nhân lực vi mạch và quỹ đầu tư mạo hiểm tại Khu Công nghệ cao.
Cùng đó, làm chủ công nghệ từ khâu thiết kế đến chế tạo cảm biến môi trường quan trọng bằng công nghệ MEMS. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để hình thành Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE) vi mạch bán dẫn, cảm biến, MEMS thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao…
Thành phố cũng xây dựng Đề án nâng cấp Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao thành Trung tâm Đào tạo đạt chuẩn quốc tế, trong đó đầu tư hạ tầng cơ sở đào tạo bao gồm nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, phòng máy tính trang bị công nghệ tiên tiến, phục vụ đào tạo chuyên sâu; Xây dựng Đề án nâng cấp Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Khu Công nghệ cao với cơ sở hạ tầng hoàn thiện để trở thành trung tâm kết nối, ươm tạo và thúc đẩy phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo trí tuệ Việt Nam.
Triển khai nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao thành Trung tâm Nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE), trong đó tập trung đầu tư bổ sung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao; chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở đóng gói, kiểm định trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, Thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng Khu Công nghệ cao TP.HCM (Bổ sung chức năng Khu Công viên Khoa học và Công nghệ); tham gia các sự kiện đổi mới sáng tạo toàn cầu; ký kết hợp tác nghiên cứu - đào tạo - ươm tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; Tổ chức cuộc thi thường niên về thiết kế vi mạch bán dẫn tại TP.HCM …
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm 08 nhóm chính: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, đề xuất thể chế, thí điểm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao; Nhóm nhiệm vụ về nghiên cứu phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn và vi cơ điện tử MEMS; Nhóm nhiệm vụ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; Nhóm nhiệm vụ về ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng khoa học công nghệ, mô hình tổ chức hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao; Nhóm nhiệm vụ về phát triển không gian, liên kết vùng; Nhóm nhiệm vụ về thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; Nhóm nhiệm vụ về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2025 là 6.707.800.000 đồng. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước.
Quá trình tổ chức thực hiện, UBND Thành phố giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao chủ trì chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ được giao. Định kỳ trước ngày 30/11 hàng năm thực hiện báo cáo kết quả triển khai gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025 tại TP.HCM.
Theo đó, Thành lập Ban chỉ đạo Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025 tại TP.HCM, gồm 22 thành viên do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu là Phó Trưởng ban Thường trực.
Tổ giúp việc Ban chỉ đạo bao gồm 22 thành viên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo làm Tổ trưởng.
Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025 tại TP.HCM có nhiệm vụ phổ biến, quán triệt mục đích tổ chức cuộc thi đến toàn thể cán bộ, viên chức, giáo viên, nhân viên và học sinh trên địa bàn Thành phố và chỉ đạo tổ chức cuộc thi đảm bảo trung thực, khách quan, thiết thực, hiệu quả; đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của học sinh, tạo mọi điều kiện cho học sinh tham gia cuộc thi. Tổ chức Cuộc thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh.
Kinh phí tổ chức Cuộc thi do ngân sách Thành phố đảm bảo chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2025 được bố trí tại Sở Giáo dục và Đào tạo và nguồn kinh phí huy động xã hội hóa hợp pháp khác (nếu có).
UBND Thành phố giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình thực tế, thành lập Ban tổ chức và các Tiểu ban để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP.HCM.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hỗ trợ cho công tác tổ chức, hỗ trợ Ban chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ các hoạt động an ninh, an toàn tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian diễn ra Cuộc thi.