Khoa học

Tiến sĩ tuổi rồng 8X, đam mê công nghệ môi trường: Ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội

Công Chương (thực hiện) 01/03/2024 - 16:40

Sinh năm 1988, TS Nguyễn Duy Đạt (Giảng viên Khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) sở hữu 39 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 24 bài báo thuộc danh mục Q1 (15 bài là tác giả chính), đồng thời là tác giả chính 3 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước; 8 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế (4 bài là tác giả chính), chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu... TS Đạt cũng là chủ nhân của Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022.

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Duy Đạt xoay quanh các vấn đề làm nghiên cứu khoa học.

dat-3.jpg
TS Nguyễn Duy Đạt nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022.

Duyên với nghề giáo và công nghệ môi trường

Cơ duyên nào khiến anh chọn theo ngành sư phạm và về công tác tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM?

- TS Nguyễn Duy Đạt: Có một câu nói nổi tiếng của Mustafa Kemal Ataturk mà tôi rất yêu thích, đó là “A good teacher is like a candle – it consumes itself to light the way for others”. Tôi may mắn khi được học tập và dẫn dắt bởi rất nhiều thầy cô là những người đã truyền cảm hứng học tập cho tôi để không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra.

Nghề giáo là một nghề cao quý, bởi nghề giáo không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức cho người học, mà còn nằm ở khả năng khơi gợi nguồn cảm hứng, giúp người học phát triển được những năng lực tiềm ẩn bên trong. Nuôi dưỡng niềm đam mê với hóa học và môi trường từ nhỏ, và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM từ lâu đã là giấc mơ mà tôi luôn muốn theo đuổi. Bởi vậy, tôi đã quyết tâm theo học ngành Công nghệ Môi trường tại trường, nơi được đánh giá là một trong những Trường dẫn đầu cả nước về lĩnh vực đào tạo Kỹ thuật môi trường.

Sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ tại Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan, tôi luôn có nguyện vọng được trở về Trường để tiếp tục cống hiến, theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu và giảng dạy. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục noi gương những thầy cô giáo cũ của mình, truyền lửa tới nhiều thế hệ sinh viên để theo đuổi lĩnh vực này.

dat-1.jpg
TS Nguyễn Duy Đạt.

Con đường dẫn anh đến với lĩnh vực nghiên cứu khoa học về Công nghệ môi trường?

- Tôi sinh ra tại một làng quê nhỏ ở Bình Thuận. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, chứng kiến sự thay đổi của biển và môi trường ở quê hương mình, tôi đã sớm quyết tâm học tập và trau dồi với hy vọng có thể hiểu hơn về các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và góp phần tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề đó. Hiện nay, vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung vô cùng cấp bách, bởi vậy những nghiên cứu thiết thực về môi trường sẽ giúp cộng đồng hiểu hơn về hiện trạng và giúp các nhà hoạch định chính sách có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để giải quyết những vấn đề đó.

“TS. Nguyễn Duy Đạt là một nhà khoa học trẻ có năng lực rất tốt, đam mê và nhiệt huyết trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hàng năm TS. Đạt đã công bố từ 5-8 bài báo quốc tế uy tín WoS/Scopus, đó là thành tích rất lớn không phải ai cũng đạt được. Hiện nay, ngoài công việc giảng dạy và NCKH tôi đã đề nghị TS. Đạt đảm nhận thêm nhiệm vụ quản lý, chức vụ Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ Mội trường. Khoa và nhà trường rất mong TS. Đạt phát huy hết khả năng của mình...”

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng Khoa Công nghệ hóa học
và Thực phẩm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

“Xuất bản một bài báo khoa học cũng giống như bạn dồn tâm sức vun vén một mầm xanh”

Sở hữu 39 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó, 24 bài báo thuộc danh mục Q1 (15 bài là tác giả chính); tác giả chính 3 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước; 8 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế (4 bài là tác giả chính); chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu..., anh có thể chia sẻ về thành tích này?

- Đối với bản thân tôi, nghiên cứu trước hết nên xuất phát từ niềm đam mê và niềm trăn trở luôn muốn tìm hướng giải quyết cho những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Dẫu con đường theo đuổi nghiên cứu khoa học luôn đầy rẫy những gian truân, có nhiều khi rơi vào bế tắc, nhưng tôi luôn thầm cảm ơn bản thân đã luôn cố gắng và không bao giờ bỏ cuộc. Đạt được những thành tựu trên, đối với tôi, là một hành trình dài mà ở đó, mình đã rút ra được vô vàn những bài học quý giá. Tôi may mắn khi có cơ hội được làm việc và hợp tác cùng nhiều đồng nghiệp, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có cơ hội được học hỏi từ mọi người và cùng chung sức nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề. Dù thành tích nghiên cứu đạt được của bản thân vẫn còn khá khiêm tốn so với rất nhiều những cây đa, cây đề trong lĩnh vực nghiên cứu về môi trường tại Việt Nam và trên thế giới, nhưng tôi luôn coi đó là nguồn động viên nhỏ để từ đó mình biết cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Để cho ra đời một bài báo khoa học, đối với anh, nó có một hành trình như thế nào?

- Hành trình cho ra đời một bài báo khoa học, đối với tôi, có thể được ví như việc bạn quyết định dồn hết thời gian, tâm sức để vun trồng một cây xanh. Khi manh mún ý tưởng nghiên cứu trong đầu, bạn quyết định gieo hạt mầm xuống đất. Sau đó sẽ là một chuỗi thời gian, có thể nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vun xới, chăm sóc để cái cây đó mọc lên xanh tốt. Điều này cũng giống như bạn phải dành tâm huyết, cần mẫn, tỉ mỉ trong từng giai đoạn thực hiện nghiên cứu như thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích kết quả, cho tới viết bài báo nghiên cứu. Tuy nhiên gian truân chưa dừng lại ở đó bởi quá trình nộp bản thảo nghiên cứu tới những tạp chí quốc tế uy tín, trải qua nhiều bước phản biện và chỉnh sửa để cuối cùng ra mắt được bài báo hoàn chỉnh nhất là khoảng thời gian thậm chí còn vất vả hơn rất nhiều. Con đường nghiên cứu không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, có những khi bạn may mắn được hưởng trái ngọt, nhưng cũng có những lúc mọi công sức thực hiện thí nghiệm đổ sông đổ bể chỉ vì một lỗi sơ suất nhỏ trong quá trình tiến hành. Bởi vậy, nếu không đủ đam mê và nhiệt huyết, tôi nghĩ thực sự rất khó để một người có thể gắn bó với con đường nghiên cứu lâu bền được.

“Ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội”

Một số ý kiến cho rằng, làm nghiên cứu khoa học (NCKH) ở môi trường đại học tại Việt Nam rất khó, thậm chí là mạo hiểm… không biết với anh thì thế nào?

- Có thể mọi người cho rằng tôi khá lạc quan đối với môi trường làm nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, nhưng tôi tin rằng dù bạn theo đuổi con đường này ở môi trường nào đi chăng nữa, trong hay ngoài nước, bạn sẽ vẫn gặp phải những khó khăn riêng của mình. Trên thực tế, đúng là ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về mặt cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm và những chế độ đãi ngộ khuyến khích các nhà khoa học, trong khi rất nhiều người trong số đó vẫn hàng ngày phải bươn chải với miếng cơm manh áo. Tuy nhiên, ở một góc nhìn lạc quan hơn, tôi tin rằng “Ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội”. Hiện nay tại Việt Nam, nhiều trường đại học và các quỹ nghiên cứu trong và ngoài nước đã và đang tạo nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu có cơ hội được đầu tư cơ sở vật chất nghiên cứu, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, nhận tài trợ từ những dự án. Tôi nhận thấy đây là một tín hiệu tốt, và trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội rộng mở hơn cho các nhà nghiên cứu.

dat-2.jpg
TS Nguyễn Duy Đạt.

Là 1 trong 10 nhà khoa học đạt Giải thưởng Quả cầu vàng 2022, anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?

- Vinh dự trở thành 1 trong 10 nhà khoa học đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2022, tôi cảm thấy may mắn khi những nỗ lực và đóng góp của bản thân cho nền khoa học nước nhà, dù vẫn còn khá khiêm tốn, đã được ghi nhận. Giải thưởng đó là nguồn động lực để bản thân tôi sẽ luôn cố gắng phấn đấu, vững niềm tin với con đường nghiên cứu về môi trường và góp phần giải quyết những vấn đề hiện còn nan giải tại Việt Nam.

Kỳ vọng của anh trong năm Giáp Thìn - 2024 này là gì?

- Dù mọi người có xu hướng khá bi quan về viễn cảnh của năm Giáp Thìn 2024, một năm sẽ vẫn còn chịu nhiều dư âm từ đợt suy thoái hậu Covid-19, nhưng tôi vẫn khá lạc quan rằng năm này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những ai biết năm bắt. Từ quan sát cá nhân, đối với lĩnh vực nghiên cứu của mình nói riêng, tôi nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa những nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiện đang công tác tại các trường trong và ngoài nước. Nhiều quỹ và tổ chức đang ngày càng quan tâm tới vấn đề môi trường tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và sẵn sàng đầu tư cho những dự án nghiên cứu về môi trường. Đây là dấu hiệu tốt để thúc đẩy nghiên cứu khoa học nước nhà.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ tuổi rồng 8X, đam mê công nghệ môi trường: Ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO