Sống xanh

Thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm từ Trung Quốc và hướng đi cho Việt Nam

Linh Vũ 21/05/2025 - 15:28

Với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng thị trường tín chỉ carbon và không thể bỏ qua bài học từ các mô hình tiên tiến, trong đó nổi bật là Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động cấp bách và hiệu quả từ mọi quốc gia. Trong bối cảnh đó, thị trường tín chỉ carbon được xem như một công cụ kinh tế trọng yếu giúp giảm phát thải và hướng tới phát triển bền vững.

Theo Báo cáo Đánh giá lần thứ Sáu của IPCC, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,1°C trong giai đoạn 2011-2020, trong khi tháng 1/2025 lập kỷ lục mới với mức tăng lên tới 1,75°C. Những con số này cảnh báo sự khẩn cấp trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Các quốc gia đã đồng thuận tại COP21 và COP26, trong đó Việt Nam cam kết giảm phát thải về mức “0 ròng” vào 2050, đặt ra yêu cầu phải có công cụ kinh tế – môi trường hiệu quả.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Thị trường tín chỉ carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto năm 1997, là cơ chế "giới hạn và giao dịch" cho phép các chủ thể phát thải trao đổi quyền phát thải trong giới hạn cho phép. Đây là công cụ định giá carbon dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", thúc đẩy giảm phát thải một cách tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Cơ chế này đã được nhiều quốc gia phát triển áp dụng thành công, trong đó Trung Quốc là ví dụ điển hình với hệ thống ETS quốc gia lớn nhất thế giới, giúp giảm thiểu tác động khí nhà kính đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc đã tiến hành thí điểm thị trường tín chỉ carbon tại bảy vùng kinh tế trọng điểm, từ đó dần mở rộng ra toàn quốc năm 2021. Mô hình này đặc biệt chú trọng phân quyền quản lý giữa các cơ quan trung ương và địa phương, triển khai hệ thống MRV minh bạch, và áp dụng cơ chế xử phạt nghiêm khắc nhằm đảm bảo tính tuân thủ cao.

Một điểm sáng trong kinh nghiệm Trung Quốc là việc mở rộng phạm vi áp dụng dần dần, giúp doanh nghiệp thích nghi, đồng thời áp dụng các công cụ kiểm soát giá như giá sàn – giá trần để duy trì sự ổn định thị trường. Hơn thế, việc quy định rõ ràng trách nhiệm và áp dụng cả xử lý hình sự đối với hành vi gian lận phát thải tạo nền tảng vững chắc cho thị trường phát triển bền vững.

Thực trạng pháp lý thị trường carbon tại Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam mới bước đầu xây dựng khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các nghị định liên quan.

Dù đã có quyết định thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ 2029, nhiều quy định vẫn còn chung chung và thiếu tính thực tiễn. Các khoảng trống về phân biệt giữa hạn ngạch và tín chỉ các-bon, quy trình giao dịch, xác minh phát thải, cũng như cơ chế xử lý vi phạm chưa hoàn thiện khiến thị trường khó vận hành hiệu quả.

Hạ tầng kỹ thuật như hệ thống MRV, sàn giao dịch tín chỉ cũng chưa đồng bộ, minh bạch. Việc thiếu công cụ điều tiết giá và quản lý nguồn cung – cầu có thể dẫn tới biến động mạnh khi thị trường bắt đầu hoạt động.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Để tận dụng tối đa lợi ích từ thị trường carbon, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhằm hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế vận hành. Cụ thể, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh sang phát thải gián tiếp, thiết lập quỹ quốc gia quản lý nguồn thu thị trường, và hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật cho tín chỉ carbon.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế điều tiết giá, áp dụng chính sách xử phạt nghiêm khắc và đào tạo chuyên môn cho nhân lực thẩm định sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững và hiệu quả.

Thị trường tín chỉ carbon không chỉ là một công cụ tài chính mà còn là biểu tượng cho sự chuyển đổi kinh tế xanh, giảm phát thải và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Để thành công, bên cạnh quyết tâm chính trị, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm từ Trung Quốc và hướng đi cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO