Tín chỉ carbon cần được nhìn nhận như một loại tài sản đặc thù
Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, việc hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường tín carbon trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thị trường carbon là nơi trao đổi quyền phát thải khí nhà kính, tức là nơi mua bán tín chỉ hoặc hạn ngạch carbon, bao gồm: thị trường carbon bắt buộc - được quy định bởi Chính phủ và thị trường carbon tự nguyện - được hoạt động dựa trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi mua bán tín chỉ lượng phát thải. Để có thể giao dịch và vận hành, điều quan trọng là cần có hành lang pháp lý rõ ràng; từ đó góp phần mở ra cơ hội kinh tế, đồng thời giảm khí phát thải nhà kính.

Hiện nay, hệ thống pháp luật tại Việt Nam còn sơ khai ở thị trường tín chỉ carbon. Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: "Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương".
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý khẳng định tín chỉ carbon là loại tài sản nào. Để có giá trị cho người nắm giữ, tín chỉ carbon phải được công nhận và bảo vệ như một loại tài sản. Có nghĩa là tín chỉ carbon phải cung cấp cho chủ sở hữu các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015, khái niệm tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vật ở đây được hiểu là vật hữu hình, được nhận biết bằng giác quan khi tiếp xúc. Theo các quy định từ Điều 110 đến Điều 114 Bộ Luật Dân sự 2015, tín chỉ carbon không thể là vật. Tiếp theo, tín chỉ carbon cũng không thể là tiền.
Xét đến định nghĩa về giấy tờ có giá theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2012/TTNHNN ngày 16/2/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đó phải là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác thì tín chỉ carbon không thể xem là giấy tờ có giá.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, tín chỉ carbon có thể được xem là một giấy tờ có giá do việc các chủ thể ấn định giá trị lên chứng nhận tài sản - tín chỉ carbon, trị giá được thành tiền và có thể tham gia vào một số giao dịch dân sự, tương tự như trái phiếu. Định nghĩa này phù hợp với khái niệm về giấy tờ có giá theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”. Do đó, tín chỉ carbon có thể thuộc loại giấy tờ có giá khác.
Theo Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Do tín chỉ carbon có thể xem là đại diện cho quyền được phát thải khí nhà kính, được thể hiện bằng giấy chứng nhận lượng khí thải nhà kính được giảm đi hoặc loại bỏ, tín chỉ carbon cũng có thể được xem là quyền tài sản khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
Việc hiểu tín chỉ carbon là loại tài sản nào là đang không đồng nhất. Việc chưa có quy định pháp luật rõ ràng về việc công nhận tín chỉ carbon là một loại tài sản, phân loại tài sản này cũng như quy định về các quyền tài sản liên quan tới tín chỉ carbon sẽ đem đến những rủi ro pháp lý cho người nắm giữ cũng như hoạt động mua bán trao đổi trên thị trường carbon.
Các nước trên thế giới quy định như thế nào?
Theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế Trung Quốc, tín chỉ carbon được xem là tài sản vô hình có giá trị kinh tế, thuộc nhóm "tài sản vô hình – quyền sở hữu khác – hạn ngạch". Điều này cho phép các tín chỉ carbon có thể mua bán, chuyển nhượng và sử dụng làm tài sản thế chấp trong các giao dịch tài chính. Một số ngân hàng và tổ chức tài chính của nước này cũng đã chấp nhận tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Ở Hoa Kỳ, xét trên phạm vi cấp liên bang, tín chỉ carbon được coi là tài sản vô hình có thể giao dịch. Cụ thể, theo Đạo luật Giao dịch Hàng hóa (Commodity Exchange Act), tín chỉ carbon tự nguyện (Voluntary Carbon Credits - VCCs) được xem là hàng hóa và do đó thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa (CFTC).