Y học

TP.HCM: Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện công trước ngày 30/9

An Bình 11/07/2025 06:52

Sở Y tế TP.HCM cho biết, một nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của ngành y tế Thành phố là triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện công trước ngày 30/9.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, về công tác khám chữa bệnh ngoại trú, trong 6 tháng đầu năm 2025, trước khi sáp nhập, hợp nhất, TP.HCM ghi nhận hơn 22,4 triệu lượt khám (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, Bình Dương đạt 2,5 triệu lượt (tăng 46,6%), còn Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 1,9 triệu lượt (giảm 4,4%).

Về công tác khám chữa bệnh nội trú,TP.HCM có hơn 1 triệu lượt (tăng 9,9%), Bình Dương ghi nhận 126.000 lượt (tăng 5,9%), còn Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 153.000 lượt (tăng 4,4%).

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, từ ngày 1/7, dân số TP.HCM tăng từ 9,9 triệu lên 13,7 triệu người. Số lượng bệnh viện cũng tăng từ 134 lên 164. Tuy nhiên, tỉ lệ giường bệnh/vạn dân lại giảm từ 42 xuống còn 35, đặt ra áp lực lớn lên hệ thống y tế hiện tại.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân theo từng giai đoạn, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững.

Nâng cấp trạm y tế với các khoa phòng cần thiết

Thời gian tới, ngành y tế Thành phố tổ chức lại hệ thống trung tâm y tế, trạm y tế nhằm nâng cao năng lực trạm y tế sau hợp nhất, chuẩn hóa chất lượng đầu ra và mở rộng độ bao phủ dịch vụ y tế ban đầu; xây dựng cơ chế thu hút người dân đến trạm y tế. Tham mưu UBND TP.HCM đổi tên bệnh viện phù hợp với tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp; hợp nhất các trung tâm chuyên ngành y tế (3 trung tâm kiểm soát bệnh tật, 3 trung tâm giám định y khoa và 3 trung tâm pháp y).

Hiện, TP.HCM có 168 trạm y tế và 296 điểm trạm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẽ có 125 trạm y tế đạt chuẩn trên 500 m2, sẽ được phát triển như một "bệnh viện mini" với các khoa phòng cần thiết. Những nơi này sẽ khám chữa bệnh ban đầu, theo dõi sức khỏe liên tục, người dân chỉ phải lên tuyến chuyên sâu khi thực sự cần thiết.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của ngành y tế thành phố là triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện công trước ngày 30/9; tạo lập nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ quản lý ngành; liên thông dữ liệu sức khỏe người dân TP.HCM với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và nền tảng VNeID (theo lộ trình của Bộ Y tế) và hoàn thành kê đơn thuốc điện tử tại các bệnh viện trước ngày 1/10/2025.

Ngành y tế thành phố cũng sẽ tập trung mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh; đào tạo kỹ năng sơ cứu cho cộng đồng; ứng dụng bản đồ số, trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác điều phối cấp cứu, rút ngắn thời gian tiếp cận người bệnh; tập trung phát triển y tế chuyên khoa cho đặc khu Côn Đảo; rà soát, đẩy nhanh tiến độ các công trình y tế trên địa bàn TP.HCM mới.

Cùng với hàng loạt hoạt động đang được Sở Y tế khẩn trương triển khai khi được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn rộng lớn hơn với dân số trên 14 triệu dân, việc củng cố và giới thiệu rộng rãi các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế được xác định là một trong những vấn đề ưu tiên cần làm ngay, nhất là người dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu cũ.

Các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân đang hoạt động hiện nay là:

1. Đường dây nóng của Sở Y tế TP.HCM - 096.777.1010: Đây là kênh tiếp nhận trực tiếp các phản ánh của người dân liên quan đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, cũng như các bất cập phát sinh tại cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố. Mọi thông tin phản ánh sẽ Sở Y tế ghi nhận và tổng hợp, xác minh và chuyển đến đơn vị có thẩm quyền để xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế trên địa bàn.

2. Đường dây nóng chống “vẽ bệnh, moi tiền” của Sở Y tế TP.HCM- 0989.401.155: Đây là kênh tiếp nhận phản ánh chuyên biệt về các hành vi tiêu cực liên quan đến hành vi "vẽ bệnh", "moi tiền", tư vấn không đúng chuyên môn nhằm trục lợi người bệnh, hoặc hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Mọi phản ánh sẽ được tiếp nhận bảo mật, xác minh khách quan và xử lý nghiêm minh theo quy định. Kết quả xử lý sẽ được công khai, đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện để người dân cùng giám sát. Đường dây nóng này do cán bộ thuộc Phòng Kiểm tra – Pháp chế của Sở Y tế đảm trách.

3. Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến của Sở Y tế TP.HCM - 1900.638.563: Đây là số điện thoại đầu mối hỗ trợ người dân trong việc tra cứu, hướng dẫn và giải đáp các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế, như: cấp giấy phép hành nghề, đăng ký cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến... Tổng đài được phân thành nhiều nhánh chuyên môn, giúp kết nối nhanh chóng đến đúng các bộ phận phụ trách.

4. Cổng thông tin 1022 của TP.HCM: Đây là kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tổng hợp của người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn Thành phố. Người dân có thể gửi thông tin phản ánh liên quan đến lĩnh vực y tế thông qua trang web https://cong1022.TP.HCM.gov.vn hoặc sử dụng ứng dụng di động “1022 TP.HCM” để được tiếp nhận và xử lý theo đúng quy trình.

5. Ngoài ra, ứng dụng “Y tế trực tuyến” đang được Sở Y tế nâng cấp để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp khi không còn phòng y tế tại các quận, huyện (cũ) để phối hợp xử lý khi tiếp nhận phản ánh của người dân.

6. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu TP.HCM nâng cấp tổng đài tiếp nhận cuộc gọi số 115 nhằm đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ cấp cứu cho người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng tàu cũ.

Ngành Y tế TP.HCM khuyến khích người dân sử dụng các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế như trên để kịp thời phản ánh, góp ý các vấn đề liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh và dịch vụ y tế trên địa bàn Thành phố. Mỗi ý kiến phản ánh với những thông tin đầy đủ và chính xác sẽ giúp cơ quan quản lý kịp thời tiếp nhận, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế. Sự tham gia của người dân trong quá trình phản ánh, phản hồi thông tin sau phản ánh không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, mà còn giúp xây dựng một hệ thống y tế công khai, minh bạch, lấy sức khoẻ người dân làm trung tâm trong mọi hoạt động của Ngành Y tế.

Trong thời gian sắp tới, Sở Y tế sẽ xây dựng Dashboard tổng hợp, phân loai các phản ánh của người dân bằng cách kết nối các đầu số đường dây nóng và app y tế trực tuyến; đây sẽ là 1 công cụ hữu ích cho hoạt động của Tổ công tác đặc biệt kịp thời ghi nhận, phân tích, lập kế hoạch kiểm tra, giám sát và giải quyết nhanh, kịp thời những phản ánh chính đáng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện công trước ngày 30/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO