Giáo dục

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm: 'Phát triển Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường đại học đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu'

Công Chương (thực hiện) 29/03/2024 - 12:48

Theo PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP.HCM, với 48 năm truyền thống từ Trường Cán bộ Tư pháp năm 1976 đến Trung học pháp lý, rồi Phân hiệu đại học Pháp lý, Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM và Trường Đại học Luật TP.HCM (trên cơ sở hợp nhất Khoa Luật Trường ĐH Tổng hợp và Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM), Nhà trường luôn không ngừng lớn mạnh, thể hiện được vị thế và thương hiệu của mình trong xã hội.

Ngày 30/3/2024, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức kỷ niệm 48 ngày truyền thống và đón nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 2. Dịp này, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP.HCM.

vu-van-nhiem-1.jpg
Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP.HCM.

Vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo ngành Luật

Thưa PGS.TS Vũ Văn Nhiêm. Trải qua năm 48 truyền thống, những định hướng xây dựng Nhà trường theo từng giai đoạn thời gian có sự thay đổi và khác biệt với nhau như thế nào?

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm: Có thể nói với 48 năm truyền thống từ Trường Cán bộ Tư pháp năm 1976 đến Trung học pháp lý, rồi Phân hiệu đại học Pháp lý, Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM và Trường Đại học Luật TP. HCM (trên cơ sở hợp nhất Khoa Luật Trường ĐH Tổng hợp và Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM), Nhà trường luôn không ngừng lớn mạnh và thể hiện được vị thế và thương hiệu của mình trong xã hội.

Ở những giai đoạn đầu, Trường chỉ đào tạo ngành Luật, với đội ngũ cán bộ giảng viên rất khiêm tốn và cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện nay, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh là trường đào tạo đa ngành, có đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu, có chức danh và học vị (2 GS, 17 PGS, 74 TS), với hai cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại đã đi vào hoạt động (với đầy đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy và 100 phòng học có máy lạnh), cơ sở thứ ba cũng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Nhà trường có 8 khoa chuyên ngành, 5 ngành đào tạo trình độ đại học, 05 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ và nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Hàng vạn học viên, sinh viên đã học và nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của Trường Đại học Luật TP.HCM. Nhiều người trong số họ đã và đang đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nắm giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Các thế hệ thầy và trò của Nhà Trường đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

truong-dai-hoc-luat-tp.hcm-day-manh-cong-tac-kiem-dinh-trong-nam-2023-1.jpg
Trường ĐH Luật TP.HCM đẩy mạnh công tác kiểm định trong năm 2023.

Vậy, trong thời gian tới, nhà trường có những chiến lược phát triển như thế nào?

Chúng tôi đã có chiến lược phát triển Trường Đại học Luật TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường đại học đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu, là trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; là trung tâm truyền bá khoa học pháp lý hàng đầu của cả nước; tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật và phản biện chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới; giữ vai trò đầu tàu, có vai trò dẫn dắt các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam trong công tác đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực pháp luật".

Định hướng nêu trên cùng với mô hình tự chủ đại học, Nhà trường đã đạt được những kết quả quan trọng cũng như sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển các mảng công tác sau:

+ Nhà trường đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cả về nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng, tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học tăng mạnh trong những năm gần đây thể hiện ở số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, số bài báo trên tạp ISI/SCOPUS, số bài báo trên tạp chí Quốc tế khác…

+ Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học được đào tạo theo đúng cam kết đã được Trường công bố; được ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

+ Phát triển chương trình đào tạo trên cơ sở tiệm cận với chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

+ Xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống tổ chức bộ máy và nhân sự theo mô hình của các trường đại học hiện đại của khu vực và thế giới; cải cách thủ tục hành chính nội bộ trong Nhà trường trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà trường, tạo môi trường và điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của Trường.

+ Thực hiện trách nhiệm xã hội của một trường công lập trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Trường. Thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

dh-luat-tp.hcm-bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-trao-qd-cho-hieu-truong-1.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định cho TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng nhà trường (trái).

Trong các nội dung trên thì yếu tố nào đóng vai trò then chốt quyết định đến chiến lược của Nhà trường?

Trong các nội dung trên, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, phòng làm việc hiện đại là yếu tố nền tảng; thể chế, hệ thống bộ máy quản trị, quản lý phù hợp, đơn giản, nhưng hiệu quả là yếu tố trung tâm; đội ngũ giảng viên có trình độ, có học hàm, học vị cao, đội ngũ chuyên viên, người lao động mẫn cán, chuyên nghiệp đóng vai trò then chốt. Chính vì vậy, thời gian qua, Nhà trường khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa trường học; rà soát, bổ sung hệ thống cấu trúc quản trị, hành chính, xác định rõ hệ thống các chỉ tiêu, đặc biệt là các chỉ tiêu mang tính định lượng dài hạn, trung hạn và từng năm cho cả trường, từng đơn vị và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hệ thống các chỉ tiêu đó cho phù hợp với mục tiêu chính trị của Nhà trường và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong từng giai đoạn.

Từ việc xác định vai trò quyết định của yếu tố con người trong sự phát triển, Nhà trường đang khẩn trương chỉnh sửa các quy định như quy chế chi tiêu nội bộ, thi đua khen thưởng để tạo động lực cho viên chức và người lao động yên tâm công tác và có thể phát huy hết các năng lực của mình vào quá trình phát triển của Nhà trường; xây dựng và ban hành “Quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có học hàm, học vị cao” của Trường Đại học Luật TP.HCM, chú trọng tạo nguồn giảng viên từ các đối tượng là: Sinh viên trong độ tuổi từ đủ 18 đến 30 tuổi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học; Sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo luật trọng điểm tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, có trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 hoặc tương đương trở lên; Người có trình độ tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư, Giáo sư còn trong độ tuổi tuyển dụng vào viên chức.

dh-luat-pgs.ts.-vu-van-nhiem-bi-thu-dang-uy-tang-hoa-ts.ls-do-ngoc-thinh-chu-tich-lien-doan-luat-su-vn-1.jpg
PGS.TS Vũ Văn Nhiêm (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường) tặng hoa TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN) tại một sự kiện.

Lấy chất lượng người học m giá trị cốt lõi

Vậy, đâu là “kim chỉ nam”, giá trị cốt lõi mà Nhà trường lấy làm trọng tâm xây dựng định hướng trong tương lai, thưa ông?

Chất lượng của người học tốt nghiệp từ Trường Đại học Luật TP. HCM luôn là giá trị cốt lõi mà Nhà trường xác định là trọng tâm từ trước đến nay và trong tương lai đây vẫn sẽ làm “kim chỉ nam” xuyên suốt trong các hoạt động của Nhà trường.

Trong giai đoạn tới đây, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong xã hội ngày càng phát triển hiện nay, Trường Đại học Luật TP.HCM phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực trong đó pháp luật là lĩnh vực trọng tâm, tiếp tục khẳng định là một trong hai cơ sở đại học trọng điểm trong cả nước đào tạo cán bộ về pháp luật, chú trọng phát triển đào tạo sau đại học nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý, “cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

dh-luat-sinh-vien-chat-luong-cao-tham-gia-chuong-tinh-asean-tour-tai-singapore.jpg
Sinh viên Chất lượng cao Trường ĐH Luật TP.HCM tham gia chương tình ASEAN tour tại Singapore.

Với những định hướng nêu trên, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày truyền thống của Nhà trường, ông có lời nào muốn nhắn nhủ gửi đến đội ngũ viên chức, người lao động và sinh viên của Nhà trường để cùng đóng góp hoàn thiện những mục tiêu đã đề ra và xây dựng thương hiệu Trường Đại học Luật TP.HCM ngày một vững mạnh và thành công hơn nữa trong tương lai?

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa xã hội mà chúng ta hướng tới là xã hội thượng tôn pháp luật. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần biết cách nắm bắt các cơ hội, đồng thời nhìn nhận đúng các thách thức đối với nghề Luật trong bối cảnh mới. Để đón đầu xu hướng đó, đội ngũ viên chức, người lao động và nhất là sinh viên ngành Luật ngoài việc trang bị tư duy, kiến thức pháp luật, cần chú ý các kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hùng biện; đồng thời rèn luyện các đức tính cần thiết cho nghề Luật như trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật... và điều quan trọng không kém trong giai đoạn hiện nay là các em phải học tập, tự trang bị, nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Xin cám ơn PGS.TS Vũ Văn Nhiêm.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH TRƯỜNG ĐH LUẬT TP.HCM:

dh-luat-ben-mua-hoa-ken-hong-1.jpg
Trường ĐH Luật TP.HCM vào mùa hoa kèn hồng.

Năm 1976 Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định thành lập Trường Cán bộ Tư pháp Trung ương đặt tại TP.HCM (địa chỉ tại khu nhà số 47 đường 30/4).

Đến ngày 15/7/1977, UBND TP.Hồ Chí Minh quyết định giao Tỉnh tâm viện Fatima tại địa chỉ số 328/5 ấp Bình Triệu, xã Hiệp Bình, huyện Thủ Đức cho Trường tạm thời sử dụng làm trụ sở.

Đến năm 1977, Trường được giao cho hai cơ quan quản lý là Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 1978, Trường được tách thành hai trường là Trường Cán bộ Kiểm sát thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Trường Cán bộ Tư pháp thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Trường Cán bộ Tư pháp được giao quản lý và sử dụng Tỉnh tâm viện Fatima.

Năm 1982, Bộ Tư pháp được thành lập, Trường Cán bộ Tư pháp được giao cho Bộ Tư pháp quản lý và đổi tên thành Trường Trung học Pháp lý TP.HCM.

Từ năm 1983, cùng với việc đào tạo cán bộ trung cấp pháp lý, theo nhu cầu đào tạo cán bộ pháp luật có trình độ Đại học ở các tỉnh phía Nam, Trường đã phối hợp với Trường Đại học Pháp lý (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội) mở các khóa Đại học chính quy - Đây là cột mốc quan trọng trong việc hình thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý có trình độ đại học cho các tỉnh phía Nam từ Quảng Bình trở vào.

Đến năm 1987, Trường chính thức trở thành Phân hiệu Đại học Pháp lý TP.HCM theo quyết định số 357/CT ngày 25/12/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đến năm 1991, Phân hiệu Đại học Pháp lý TP.HCM được giao thêm khu đất tại số 2 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 để quản lý và sử dụng.

Ngày 6/7/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký quyết định số 368/QĐ-TC đổi tên Phân hiệu Đại học Pháp lý TP.HCM thành Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM.

Vào cuối năm 1995, trong việc sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học trên phạm vi cả nước, đặc biệt là việc thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM theo Nghị định số 16/CP ngày 27/10/1995 của Chính phủ và Quyết định số1234/GD-ĐT ngày 30/3/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trường Đại học Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Phân hiệu Đại học Luật TP. HCM và Khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Đến năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg về việc thay đổi tổ chức của Đại học Quốc gia TP.HCM, theo đó trường Đại học Luật tách ra khỏi Đại học Quốc gia và trở thành một trường độc lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Vũ Văn Nhiêm: 'Phát triển Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường đại học đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO