Nhà khoa học chọn quay về TP.HCM hiện thực hóa ước mơ
Nhiều nhà khoa học, trí thức Việt Nam sau thời gian dài học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển đã lựa chọn quay trở về TP.HCM - thành phố năng động, nơi đang hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tầm khu vực. Sự trở về của họ không chỉ xuất phát từ khát vọng cống hiến cho quê hương mà còn bởi niềm tin vào tiềm năng chuyển mình của TP.HCM - trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ lớn nhất nước.

Từ mong muốn cải thiện chất lượng sống của người dân đến khát vọng xây dựng những nhóm nghiên cứu liên ngành có tầm ảnh hưởng, các nhà khoa học đang từng bước hiện thực hóa hoài bão khoa học ngay trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, để có thể thu hút và giữ chân được người tài, TP.HCM cần thêm những chính sách đãi ngộ thực chất và môi trường nghiên cứu thuận lợi hơn nữa.
Quay về để góp phần cải thiện cuộc sống người dân
Ông Bùi Xuân Hoàng (Henry Bùi) từng là kỹ sư làm việc gần 30 năm tại Phòng thí nghiệm quốc gia SLAC thuộc Đại học Stanford (Mỹ). Dù có sự nghiệp vững chắc ở nước ngoài, nhưng năm 2007, ông quyết định trở về TP.HCM, thành lập Trung tâm Phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ – một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ cao vào kiểm nghiệm thực phẩm và nông sản.
"Trước đó một năm, tôi tình cờ đọc được một bài báo viết về tình trạng nước đục tại TP.HCM. Từ sự băn khoăn đó, tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao quê hương mình vẫn còn cảnh uống nước đục, ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn? Và tôi quyết định trở về", ông Hoàng chia sẻ.

Ông Hoàng cho rằng không phải ai trong cộng đồng Việt kiều cũng có nền tảng, điều kiện để quay về, nhưng với những người có khả năng và cơ hội, việc góp sức cải thiện chất lượng sống của người dân là trách nhiệm lớn lao. Từ đó, ông chọn TP.HCM là nơi hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Trung tâm Hoàn Vũ mà ông sáng lập không chỉ kiểm định chất lượng sản phẩm mà còn góp phần nâng tầm nông sản Việt, giúp chúng tiếp cận được các thị trường khó tính như châu Âu bằng việc kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế ngay trong nước – điều trước đây phải gửi mẫu sang nước ngoài, tốn kém và mất thời gian.
Hiện tại, trung tâm đã có hơn 20 thiết bị hiện đại, tạo việc làm cho nhiều kỹ sư, chuyên viên trong nước. Sắp tới, Trung tâm Nghiên cứu sinh học phân tử Hoàn Vũ cũng sẽ đi vào hoạt động, tiếp tục đóng góp cho phát triển khoa học ứng dụng tại TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng để TP.HCM trở thành nơi thu hút và giữ chân các nhà khoa học, cần có chính sách cởi mở hơn về hành chính, tạo điều kiện để các ý tưởng khoa học được thực thi nhanh chóng, hiệu quả. "Ngoài ra, nguồn lực kiều bào vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nếu có cơ chế linh hoạt, người Việt ở nước ngoài hoàn toàn có thể về nước làm việc ngắn hạn để giảng dạy, chuyển giao công nghệ… Điều kiện tiên quyết là họ cần một nơi làm việc đạt chuẩn và được hỗ trợ thiết thực", ông nói.
Người giỏi cần được đãi ngộ xứng đáng
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, cũng là một trường hợp tiêu biểu của việc "hồi hương" để cống hiến. Ông từng là thủ khoa toàn quốc được cử sang Pháp học tập, giảng dạy, đỗ kỳ thi quốc gia danh giá về Maitre de conférences (tương đương Phó giáo sư tại Pháp), nhưng ông vẫn quyết định quay về TP.HCM vào năm 2007 để giảng dạy và nghiên cứu.
"Sau gần 20 năm làm việc ở Việt Nam, tôi tin rằng những người được đào tạo bài bản và tâm huyết có nhiều cơ hội để phát triển tại TP.HCM. Tuy nhiên, để người tài có thể 'sống tốt' bằng chuyên môn của mình, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng", ông Đại thẳng thắn chia sẻ.

Theo ông, người giỏi không chỉ cần môi trường học thuật, mà còn cần một cuộc sống ổn định để toàn tâm toàn ý với nghề. "Chúng ta không thể kêu gọi họ về chỉ bằng lời nói, trong khi thu nhập hiện tại và tương lai không đảm bảo. Họ sẽ không thể gắn bó nếu phải làm thêm nghề tay trái để mưu sinh".
Tại Trường Đại học Luật TP.HCM, những năm gần đây, chính sách đãi ngộ được cải thiện rõ rệt. Số lượng nhà khoa học uy tín về công tác tại trường tăng nhanh. "Trường từng chỉ có 1 giáo sư thì nay đã có 4, chỉ trong hơn một năm. Sự thay đổi này đến từ việc điều chỉnh chính sách, từ thu nhập cho đến ghi nhận, tôn trọng năng lực và đóng góp của từng cá nhân", ông Đại cho biết.
Ngoài khoản hỗ trợ ban đầu cho các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư khi nhận công tác tại trường, nhà trường còn tạo cơ hội tăng thu nhập qua các hoạt động gắn với chuyên môn như nghiên cứu, viết sách, tư vấn pháp lý. Đồng thời, chính sách nội bộ cũng được sửa đổi để khuyến khích các hoạt động học thuật có giá trị cao.
"Điều quan trọng là phải xây dựng một văn hóa công tâm, nơi người giỏi cảm thấy được trân trọng và phát huy năng lực. Một câu nói hay một ứng xử không đúng của người lãnh đạo có thể khiến nhà khoa học rời bỏ tổ chức", ông Đại nhấn mạnh.
Kỳ vọng phát triển nhóm nghiên cứu mạnh tại TP.HCM
TS Nguyễn Sỹ Ngọc, giảng viên khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM, là nhà khoa học trẻ mới quay về Việt Nam sau thời gian dài làm việc tại Anh và Hàn Quốc. Trước khi về nước, ông là trợ lý giáo sư tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) – nơi ông có sự nghiệp ổn định và nhiều cơ hội phát triển.
"Tôi trở về không chỉ vì muốn cống hiến mà còn vì tin rằng Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. TP.HCM chính là nơi tôi chọn để hiện thực hóa các ý tưởng nghiên cứu", ông Ngọc chia sẻ.

Dù mới về nước chưa lâu, ông đã cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong môi trường nghiên cứu tại Việt Nam. Sinh viên không còn chỉ học lý thuyết mà được tham gia các dự án thực tế, làm việc trong các nhóm nghiên cứu liên ngành. Điều này giúp phát triển năng lực sáng tạo từ rất sớm.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những khó khăn còn tồn tại: cơ sở vật chất còn thiếu, thủ tục hành chính rườm rà, tài trợ nghiên cứu còn hạn chế. Ông Ngọc chia sẻ: "Điều quan trọng là lãnh đạo cần thấu hiểu nhà khoa học cần gì và hỗ trợ thực chất. Tôi đánh giá cao chương trình VNU350 vì nó thể hiện tầm nhìn dài hạn: xây dựng lộ trình 10 năm cho các nhà khoa học, hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm riêng, tạo điều kiện nộp các dự án nghiên cứu cấp quốc gia".
TS Ngọc đang ấp ủ kế hoạch phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực cơ học tính toán kết cấu và vật liệu tiên tiến – một lĩnh vực ứng dụng cao vào sản xuất, giao thông, xây dựng và quốc phòng. Theo ông, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành trung tâm khoa học tầm khu vực nếu biết đầu tư đúng hướng: "Cần một môi trường nghiên cứu cởi mở, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và có cơ chế tài trợ linh hoạt. Đặc biệt, phải tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu được quyền tự chủ để bứt phá".
TP.HCM điểm đến lý tưởng cho nhà khoa học
TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước, mà còn đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực. Những năm gần đây, Thành phố đã có nhiều chính sách nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt là trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Các mô hình như "Trí thức kiều bào với TP.HCM" do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức; các chương trình tài trợ nghiên cứu của ĐHQG TP.HCM; hay các quỹ đổi mới sáng tạo từ TP đến các trường đại học, viện nghiên cứu đang mở ra nhiều cơ hội để các nhà khoa học yên tâm cống hiến.
Tuy nhiên, như chia sẻ của các nhân vật trong bài viết, ngoài thu hút thì việc giữ chân người tài còn quan trọng hơn. Điều này đòi hỏi sự cải cách sâu hơn về chính sách đãi ngộ, hành chính, đầu tư nghiên cứu và đặc biệt là tạo dựng văn hóa học thuật cởi mở, công bằng.
Từ các phòng thí nghiệm hiện đại như Trung tâm Hoàn Vũ, những giảng đường của Trường Đại học Luật TP.HCM, đến các nhóm nghiên cứu trẻ tại Trường Đại học Bách khoa, TP.HCM đang dần trở thành mảnh đất lành cho các nhà khoa học gieo trồng hoài bão. Với sự đồng hành từ chính quyền, doanh nghiệp và xã hội, họ sẽ là những "người dẫn đường" cho tương lai phát triển bền vững, hiện đại và sáng tạo của TP.HCM.