PGS.TS.NGƯT Trương Thị Hiền: “Nữ trí thức Thành phố tạo dấu ấn đặc biệt trong tham gia xây dựng phát triển đất nước”
Trong thời đại 4.0, vai trò của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ trí thức ở TP.HCM càng được nâng cao. Nhân dịp xuân mới - Giáp Thìn - 2024, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Trương Thị Hiền - Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP.HCM, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM.
- Phóng viên: Với vai trò Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP.HCM, bà đánh giá như thế nào về vai trò của nữ trí thức trong bối cảnh đời sống xã hội ngày nay?
- PGS.TS.NGƯT Trương Thị Hiền: Hội Nữ trí thức là mái nhà chung của cộng đồng nữ trí thức, là nơi gắn kết phát huy tài năng, trí tuệ của nữ trí thức vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Trong hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tập hợp được trên 4.000 hội viên hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và trên mọi miền tổ quốc; nữ trí thức đã và đang tham gia vào quá trình tạo ra những giá trị tri thức cho xã hội, những sản phẩm tinh thần và vật chất có hàm lượng chất xám cao.
Do tuổi thọ bình quân của phụ nữ Việt nam ngày càng tăng (76,1 tuổi) cho nên biên độ tuổi tham gia làm việc của nữ trí thức ngày càng rộng. Thực tế cho thấy có một bộ phận không nhỏ nữ trí thức trên 70 tuổi vẫn tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy, làm tư vấn viên, báo cáo viên, đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này đã góp phần nâng cao vị thế của nữ trí thức Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng lên tầm cao mới, nhất là trong xu thế đổi mới, hội nhập và phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hội nhập gắn với phát triển bền vững, đội ngũ trí thức chính là nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh cho đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lao động nữ trí thức. Họ là những người vừa phải đảm nhận thiên chức làm người mẹ, vừa gánh vác công việc xã hội nên nữ trí thức phải chịu rất nhiều áp lực về thời gian, sức khỏe, khả năng cống hiến...
Chính vì vậy, gia đình, xã hội cần có sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm, động viên, khích lệ để nữ giới đặc biệt là đội ngũ nữ trí thức có thể phát huy tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường sự kết nối đội ngũ nữ trí thức từ mọi miền đất nước, từ miền ngược đến miền xuôi; trong nước và quốc tế; ở mọi ngành, nghề, lĩnh vực tạo điều kiện cho nữ trí thức không chỉ chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong công việc, hoạt động xã hội mà còn bảo vệ quyền lợi và phát triển cho nữ trí thức nói riêng và nữ giới nói chung.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Hội Nữ trí thức cần tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, phản biện xã hội liên quan đến phụ nữ, nữ trí thức, bình đẳng giới, và những vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng và lợi ích của đông đảo các tầng lớp phụ nữ, và gắn vai trò đó với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của địa phương.
- Để từng bước nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng nhằm tập hợp sức mạnh đông đảo của nữ trí thức Thành phố trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tài năng trí tuệ, tạo ra những hiệu quả có ý nghĩa sâu sắc cho sự phát triển Thành phố, trong những năm qua, Hội Nữ trí thức TP đã có những hoạt động cụ thể như thế nào, thưa bà?
Trong năm 2024, Hội Nữ trí thức TP.HCM sẽ tổ chức Đại hội tổng kết nhiệm kỳ hoạt động 2019 – 2024, đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc thời gian 10 năm hình thành và phát triển tổ chức Hội (2014 – 2024). Tròn một thập kỷ ra đời, Hội Nữ trí thức TP.HCM đã định hình tôn chỉ mục đích hoạt động phù hợp với khả năng cống hiến của hội viên và nhu cầu xã hội, từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức Hội từ Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Thành phố đến các Chi hội; số lượng thành phần hội viên phát triển đa dạng trong nhiều ngành nghề. Từ 77 hội viên sáng lập, Hội đến nay đã phát triển trên 300 hội viên, trong đó có trên 60% hội viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo đó, nhiều hoạt động của Hội Nữ trí thức Thành phố đã tạo dấu ấn đặc biệt, có ý nghĩa trong tham gia xây dựng phát triển đất nước, đơn cử như: Hội đã bảo vệ thành công hai đề tài cấp thành phố: “Thực trạng năng lực chuyên môn và quản lý của nữ trí thức trong độ tuổi từ 56 đến 60 tuổi tại TP.HCM” và “Vai trò của Nữ trí thức TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế”; tổ chức trên 20 cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học với nhiều chủ đề gắn với các vấn đề bức thiết của xã hội và thể hiện rõ tính phản biện khoa học, góp ý xây dựng,...
Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài cũng được Hội quan tâm thông qua việc xây dựng quỹ học bổng “Vì nữ sinh viên vượt khó, học giỏi”. Từ năm 2015 đến 2023, Hội đã trao tặng 330 học bổng trị giá 1,051 tỷ đồng. Học bổng Vì nữ sinh viên vượt khó, học giỏi chứa đựng ý nghĩa cổ vũ động viên tinh thần sâu sắc, tạo niềm tin cho các nữ sinh viên yên tâm học tập, tích lũy tri thức, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để hoàn thành tốt chương trình bậc đại học, giúp các em có một hành trang quan trọng vững bước vào đời.
- Vừa phải gánh vác trách nhiệm người phụ nữ trong gia đình – vừa phải phấn đấu trở thành người lao động có tri thức chuyên sâu trong XH, theo bà, có khó khăn và trở ngại như thế nào khi nữ trí thức phải cùng lúc thực hiện vai trò “kép”?
Trong thời đại Công nghiệp 4.0 đội ngũ trí thức chính là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh đất nước. Tuy nhiên, lao động nữ trí thức đang gặp những khó khăn trở ngại trong việc cân bằng giữa chu toàn việc gia đình với phát triển sự nghiệp. Nguyên nhân trước hết là do bản thân chị em tự tạo ra, vì nhiều lý do mà một bộ phận nữ trí thức đã lui về gia đình, an phận với chuyện bếp núc, chăm lo chồng con, không còn dành thời gian, tâm sức để học tập nâng cao chuyên môn,. Điều đó cho thấy hiện tượng khá phổ biến hiện nay là tâm lý “trung bình chủ nghĩa”, ngại phấn đấu của không ít phụ nữ sau khi có gia đình.
Về nguyên nhân khách quan, đó là vấn đề bất bình đẳng giới, trong đó có tuổi nghỉ hưu của nữ giới thấp hơn nam giới nhưng tuổi quy hoạch cán bộ quy định cho nữ và nam lại bằng nhau. Qua đó thể hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, xã hội còn tồn tại định kiến giới, đặc biệt là nữ trí thức. Nhiều phụ nữ học giỏi hơn nam giới, thi tuyển điểm cao hơn nam giới, nhưng vẫn bị hạn chế trong tuyển dụng vào một số ngành khoa học - công nghệ. Ngoài ra, nữ trí thức còn chưa thực sự được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là khoa học tự nhiên và khoa học - kỹ thuật; có sự “phân biệt ngành nghề trong tiềm thức” đối với phụ nữ... Như vậy, có thể nói, việc đầu tư cho đội ngũ nữ trí thức phát triển, cống hiến và hội nhập quốc tế cũng là một nội dung cần được quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước.
- Bà có thể chia sẻ những tâm sự và gửi gắm nhân dịp đầu xuân?
Chúng ta đã đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn thách thức, những hậu quả của đại dịch Covid – 19 vẫn còn tác động không khó lường đến mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy tôi mong muốn điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi gia đình trong năm mới, nhất là nữ giới. Hy vọng năm mới sẽ mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui, hạnh phúc, và thành công trong cuộc sống. Trước thềm năm Giáp Thìn tôi thân ái gửi lời chúc đến toàn thể hội viên Hội Nữ trí thức TP.HCM luôn khỏe, đẹp, tràn đầy năng lượng cống hiến để góp sức cùng Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức thực hiện thắng lợi những mục tiêu trong năm mới.
Xin cám ơn PGS.TS.NGƯT Trương Thị Hiền.