Giáo dục

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: 'Hội nhập quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học là yêu cầu hết sức cần thiết'

HOÀNG NGUYỄN (thực hiện) 30/03/2024 - 21:26

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, hội nhập quốc tế và quốc tế hóa là yêu cầu hết sức cần thiết, là cơ hội để nâng cao năng lực của cả người dạy lẫn người học.

Với bề dày hơn 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo. Hằng năm, Trường thu hút sinh viên và học viên quốc tế đến từ hơn 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, nghiên cứu dài hạn và hàng nghìn lượt học viên đến học tập, nghiên cứu ngắn hạn.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông.

pgs.ts-ngo-thi-phuong-lan.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM.

“Tự chủ vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức

Xin chào PGS.TS Ngô Thị Phương Lan! Tự chủ đại học đang được nhiều trường thực hiện, trong đó Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đã triển khai như thế nào?

Đây là năm thứ ba Trường Đại học KHXH&NV bước vào giai đoạn tự chủ. Thách thức của tự chủ đại học là làm cách nào để cân bằng hài hòa giữa các ngành khoa học cơ bản và các ngành đào tạo có nhu cầu cao. Với sự nỗ lực không ngừng của tập thể nhà trường và sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, nhà trường đã đạt được một số kết quả nhất định như: Công tác chăm sóc hỗ trợ người học được đầu tư đúng mức và vận hành hiệu quả; khẳng định được vị thế của Nhà trường trong hoạt động phục vụ cộng đồng; nâng cao nhận thức về đào tạo và nghiên cứu liên ngành để làm nền tảng cho các hoạt động của Nhà trường trong năm 2024; xây dựng văn hóa Nhân văn trên nền tảng bộ giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục thông qua nhiều hoạt động,…

Trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, nhà trường đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào?

Có thể nói, tự chủ vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức đối với các ngành KHXH&NV. Đây là điều kiện để phát triển tiềm năng của nhà trường trong việc đầu tư nghiên cứu khoa học, thay đổi các chương trình đào tạo theo hướng quốc tế hóa. Bên cạnh cơ hội thì tự chủ đại học cũng phải đối mặt với các thách thức lớn, đó là nhà trường có nhiều ngành khoa học cơ bản, do vậy, khó khăn trong việc đảm bảo duy trì ngành theo quy định hiện hành vốn áp dụng chung cho tất các các ngành đào tạo. Tiếp đến, vấn đề đảm bảo công bằng cho sự tiếp cận giáo dục đối với người học bởi tự chủ đại học kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, nhất là vấn đề tăng học phí. Do đó, một số ngành sẽ có mức học phí khá cao, gây áp lực cho người học.

Việc thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đầu ngành trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay cũng là một thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đào tạo nhóm ngành này. Sự chưa đồng bộ giữa Luật Giáo dục Đại học và các luật liên quan đến cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập là khó khăn lớn nhất mà nhà trường phải đối mặt.

Tuy nhiên, đó chỉ là những khó khăn có tính tạm thời. Nó đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường sẽ phải đoàn kết, kiên trì vượt qua giai đoạn còn những khó khăn, thử thách này. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đang có nhiều nỗ lực để gỡ khó cho giáo dục.

Trong bối cảnh đó, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM có những chính sách nào để thu hút các nhà khoa học đến làm việc?

Nhà trường có chính sách đãi ngộ, tuyển dụng theo dạng chuyên gia; chính sách hỗ trợ công bố quốc tế, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; chính sách khen thưởng cho các bài công bố quốc tế, các giải thưởng nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ĐHQG TP.HCM cũng đã triển khai thực hiện Chương trình VNU350: Thu hút, giữ chân, phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TP. HCM. Chương trình này dành cho các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM, trong đó có Trường ĐH KHXH&NV.

pgs.ts-ngo-thi-phuong-lan-3.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cùng các giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Những ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh

Trong bối cảnh CMCN 4.0, việc nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học cơ bản, cụ thể là ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện nay gặp thách thức nào?

Thực tế, các trường có đào tạo những ngành khoa học cơ bản trên cả nước trong những năm qua đang đối diện với thực trạng tuyển sinh khó khăn vì người học và phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mực do nhu cầu xã hội của các ngành này chưa cao. Ở trường, nhiều ngành, từ năm 2017 đến nay thường không tuyển đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng 1. Trong những năm qua, tuy có nhiều khó khăn vì các ngành khoa học cơ bản (KHCB) tuy không tuyển được nhiều sinh viên ở nguyện vọng 1 và điểm trúng tuyển thấp hơn các ngành có nhu cầu xã hội cao nhưng do uy tín nên Trường đều tuyển đủ chỉ tiêu.

Vậy nhà trường có chính sách gì để tháo gỡ khó khăn đó?

Trong bối cảnh tự chủ khi mà các cơ sở giáo dục phải tự cân đối bài toán thu - chi thì nhà trường đã xác định phải cân bằng giữa các ngành có nhu cầu xã hội cao và các ngành phục vụ cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Do vậy, với sự ủng hộ của ĐHQG TP.HCM, nhà trường đã có các chính sách hỗ trợ kịp thời các ngành KHCN. Các sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản tại trường, ngoài việc được hỗ trợ học phí ưu đãi theo chính sách của ĐHQG-HCM (35%), của nhà trường (20%).

Trường cũng có đề án hỗ trợ đào tạo các ngành KHCB khó tuyển riêng với các hoạt động hỗ trợ tập trung vào hoạt động giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học; tăng cường các hoạt động truyền thông tư vấn tuyển sinh cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về ngành học; tăng cường kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đến với sinh viên và đưa sinh viên đến trực tiếp doanh nghiệp thông qua các hoạt động chia sẻ, trải nghiệm, giúp sinh viên các ngành định hướng rõ nét về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Định kỳ, nhà trường rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội. Ngoài ra, Trường dành nhiều học bổng để khen thưởng, hỗ trợ sinh viên học tập thông qua chương trình Khuyến học – Khuyến tài.

Hội nhập quốc tế và quốc tế hóa là một trong những mục tiêu quan trọng, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đã và đang thực hiện ra sao?

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế và quốc tế hóa là yêu cầu hết sức cần thiết, là cơ hội để nâng cao năng lực của cả người dạy lẫn người học. Về hội nhập quốc tế, với truyền thống và nền tảng lâu đời và uy tín cao trong đào tạo, hiện nay Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM có mối quan hệ hợp tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn thế giới, thành viên của nhiều mạng lưới hợp tác quốc tế về giáo dục đại học với nhiều hình thức hợp tác đa dạng. Đồng thời nhà trường còn có mối quan hệ ngoại giao hết sức tốt đẹp với các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của các quốc gia, các tổ chức giáo dục nước ngoài tại TP.HCM,…

Quốc tế hóa giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ra những công dân toàn cầu đồng thời nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục. Hiện tại, nhà trường đã và đang triển khai các nội dung như tổ chức đào tạo các chương trình liên kết quốc tế, phát triển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (chương trình tăng cường tiếng Anh, chương trình chuẩn quốc tế), trao đổi giảng viên, sinh viên bằng những chương trình trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa; và hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định và công nhận chất lượng bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín.

doan-sv-dh-ritsumeikan-nhat-ban.jpg
Đoàn sinh viên ĐH Ritsumeikan (Nhật Bản) đến tham gia chương trình Tìm hiểu Việt Nam, giao lưu với sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: Lý Nguyên

Theo bà, chiến lược nào để Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM thu hút sinh viên quốc tế?

Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM là đơn vị có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực KHXH&NV; là nơi đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài hàng đầu khu vực phía Nam với đội ngũ giảng viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả, chi phí hợp lý. Trường đã ký kết hợp tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn thế giới, với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, đặc biệt là các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên theo các chương trình ngắn hạn và dài hạn; các chương trình hợp tác nghiên cứu, hội thảo, workshop quốc tế,… Bên cạnh đó, môi trường học tập văn minh, xanh sạch, cơ sở vật chất đảm bảo, dịch vụ hỗ trợ tận tình,… Vì vậy, sinh viên và học viên quốc tế hằng năm đến học tập và nghiên cứu tại trường có tỉ lệ cao.

Trong thời gian tới, trọng tâm của nhà trường là gì?

Trong giai đoạn tiếp theo, quốc tế hóa chương trình đào tạo là trọng tâm phát triển của nhà trường. Nhà trường sẽ tăng cường sự liên thông trong nội bộ và các cơ sở giáo dục đào tạo khác nhau trong và ngoài hệ thống ĐHQG. Sắp tới đây, một trong những chương trình triển khai sớm nhất, có thể kể đến, đó là sự liên thông giữa hai trường: Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội. Đây là hai mục tiêu trọng tâm nhà trường đặt ra trong năm 2024, bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu khác.

Xin cảm ơn PGS.TS Ngô Thị Phương Lan!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: 'Hội nhập quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học là yêu cầu hết sức cần thiết'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO