Kinh doanh

Nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam có mặt trên 180 quốc gia

Hoàng Nguyễn 24/06/2023 - 17:35

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2023 (HCMC FOODEX 2023) sắp diễn ra, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức Hội thảo “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu” ngày 23/6.

Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm trong nước, cập nhật các thông tin mới nhất về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời, giải đáp vướng mắc về các quy định, tiêu chuẩn cũng như các bước thâm nhập vào thị trường xuất khẩu trên thế giới.

hoi-thao-nganh-luong-thuc-3.jpg
Nhiều đại diện doanh nghiệp quan tâm tham dự hội thảo.

Theo ITPC, ngành lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành lương thực thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

xuat-khau-hat-dieu-nhan.jpg
Xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản lượng. (Ảnh minh họa).

Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Để ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam có mặt trên 180 quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO