Việt Nam có nhiều điểm mạnh phát triển thị trường AI
Theo các chuyên gia, số lượng người dân tiếp cận Internet, dân số trẻ và khả năng tiếp cận công nghệ nhanh của đội ngũ nhân lực Việt Nam là một trong những điểm mạnh để phát triển thị trường AI.
Ngày 19/4, Trường đại học Công nghệ thông tin (UIT), Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp FISU Việt Nam tổ chức Hội thảo "Đào tạo ICT trong kỷ nguyên AI".
Đây là sự kiện quan trọng quy tụ các chuyên gia, giảng viên và lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm thảo luận về các xu hướng mới nhất trong đào tạo ICT, đặc biệt là ứng dụng AI trong giáo dục.

TS. Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – Phó Hiệu trưởng UIT – đơn vị tổ chức hội thảo cho biết, sự kiện mang đến những nội dung tham luận sâu sắc và bổ ích từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Qua đó, các ý tưởng và kiến thức mới sẽ được chia sẻ, từ đó giúp chúng ta xây dựng và phát triển nền giáo dục công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vững mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, phân tích, cũng như cung cấp cái nhìn toàn diện về các ứng dụng AI trong giáo dục và đào tạo, từ đào tạo gắn với doanh nghiệp đến ứng dụng trong đào tạo ngoại ngữ và quản trị đại học.

Các tham luận được trình bày tại hội thảo: TS. Nguyễn Sơn Hải - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ đề “Chiến lược, kế hoạch, nội dụng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo; GS. Dương Nguyên Vũ - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore với chủ đề "Phương pháp Giáo dục mới tích hợp AI"; TS. Ngô Đức Thành - Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM chia sẻ về "Đào tạo công nghệ thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo"; PGS.TS Phạm Trần Vũ - Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM giới thiệu về "Edu4AI", PGS.TS Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận về "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo tại miền Trung - Tây Nguyên" và một số tham luận từ doanh nghiệp và nhà quản lý giáo dục.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển - Trưởng khoa Khoa học máy tính, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho biết, thị trường AI Việt Nam sẽ tăng từ 470 triệu USD vào năm 2022 lên 1.520 triệu USD vào năm 2030. Năm 2023, tỷ lệ sử dụng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam đạt gần 77 triệu người dùng, chiếm hơn 79% dân số của quốc gia. Số lượng người dân tiếp cận Internet, dân số trẻ và khả năng tiếp cận công nghệ nhanh của đội ngũ nhân lực Việt Nam là một trong những điểm mạnh để phát triển thị trường AI. Dự kiến đến năm 2030, AI tạo sinh sẽ đóng góp cho nền kinh tế số của Việt Nam với giá trị lên đến 14.000 tỷ đồng.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ thông tin Việt Nam (FISU Việt Nam) khẳng định: “Đào tạo ICT cần được định hướng lại để chuẩn bị nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi AI hiệu quả và có trách nhiệm, vì một xã hội nhân văn và phát triển”. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, AI đang làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh của cuộc sống, đòi hỏi ngành ICT phải chuyển mình mạnh mẽ để không chỉ bắt kịp mà còn đóng vai trò dẫn dắt xã hội tiến tới một tương lai ứng dụng AI bền vững.
Hội thảo mở ra cơ hội thảo luận và trao đổi giữa các chuyên gia, học giả và đại biểu tham gia, tạo nền tảng hợp tác để phát triển các giải pháp đào tạo ICT sáng tạo và hiệu quả trong bối cảnh kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; mở rộng cơ hội hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước.