Nằm trong khuôn khổ đề tài:“Nghiên cứu thành phần loài, sự phát sinh phát triển của côn trùng hại, thiên địch của chúng và một số biện pháp phòng chống sinh học sâu hại rau phục vụ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại một số điểm ở Hà Nội”, PGS.TS. Trương Xuân Lam cùng các cộng sự tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã tiến hành lưu giữ, nhân nuôi và bảo quản hơn 300 thế hệ ong mắt đỏ ký sinh trên trứng sâu hại tại Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật với quy trình nhân nuôi có thể sản xuất đáp ứng đủ số lượng ong thả ra cánh đồng nhằm diệt trừ sâu hại.
Ong mắt đỏ đang được lưu giữ và bảo quản bằng trứng ngài gạo
Quy trình nhân nuôi và bảo quản Ong mắt đỏ tại phòng Côn trùng học thực nghiệm được tóm tắt dưới dạng sơ đồ sau:
Quy trình nhân nuôi Ong mắt đỏ tại phòng Côn trùng học thực nghiệm
Khả năng sinh sản của Ong mắt đỏ
Trong điều kiện nhiệt độ trong phòng nuôi từ 26 -290C, ẩm độ trung bình 80-85% khả năng ký sinh của ong mắt đỏ trên trứng ngài gạo khá cao. Trung bình mỗi ong ký sinh đẻ được 160-240 trứng, tỷ lệ vũ hoá cao trên 80-90%, tỷ lệ ong cái chiếm 60-75%. Ong mắt đỏ Trichogramma spp được nhân nuôi trong phòng thí nghiệm sau đó đem thả ra ruộng bằng ổ túi xi măng ở thế hệ 278- 280, với tỷ lệ ký sinh đạt 97%. Đề tài đã tiến hành nhân quần thể ong mắt đỏ ký sinh trên trứng ngài gạo trong phòng thí nghiệm và tiến hành thả ở 2 khu vực Lĩnh Nam và Tiền Phong. Tại Lĩnh Nam, tổng số ong Trichogramma chilonis thả giao động 114.600-740.000 cá thể/ ha cây trồng. Kết quả cho thấy tỷ lệ trứng sâu tơ bị OMĐ ký sinh 73-83%. Tại Tiền Phong tiến hành thả hỗn hợp 2 loài ong mắt đỏ Trichogramma chilonis và Trichogramma japonicum phòng trừ sâu tơ hại bắp cải với tổng số ong thả 10.250 cá thể ở khu ruộng thí nghiệm (tương đương 854.000 cá thể ong/ ha). Kết quả cho thấy tỷ lệ trứng sâu tơ bị OMĐ ký sinh trung bình 75%. Rõ ràng việc thả OMĐ đã hạn chế số lượng lớn sâu tơ so với ruộng phun thuốc hóa học trừ sâu.
OMĐ (Trichogramma chilonis) ký sinh trứng sâu hại rau
Lưu giữ và bảo quản OMĐ tại Phòng Côn trùng học thực nghiệm
Sử dụng yếu tố nhiệt độ để khống chế sự phát dục của OMĐ là công việc vô cùng quan trọng trong quá trình nhân nuôi và sử dụng chúng. Khi cần nhân nuôi với số lượng OMĐ lớn, quy trình nhân nuôi OMĐ thực hiên trong điều kiện nhiệt độ 29- 33oC. Mỗi đợt nuôi OMĐ thực hiện với vòng đời chỉ kéo dài 6 - 7 ngày.
Để bảo quản ngắn hạn (thời gian bảo quản 30-45 ngày bảo quản), quy trình nhân nuôi ong mắt đỏ phải thực hiện trong điều kiện nhiệt độ 12- 15oC, ở bất kì giai đoạn phát triển của OMĐ. Đối với việc bảo quản dài hạn OMĐ (trên 45 ngày), quy trình nhân nuôi ở vào điều kiện nhiệt độ 12oC, trong giai đoạn trưởng thành và đẻ. Tuy nhiên đối với giai đoạn trứng thì điều kiện nhiệt độ duy trì ở mức 6oC, cần chú ý bảo quản ong đúng thời kỳ phát triển, bao gói đúng kỹ thuật và giữ được nhiệt độ của phương tiện bảo quản ổn định theo từng thời gian bảo quản.
Sau khi tiến hành bảo quản dài hạn OMĐ ở điều kiện nhiệt độ 6oC, hơn 300 thế hệ ong mắt đỏ đã được lưu giữ và bảo quản tại Phòng Côn trùng học thực nghiệm với khả năng ký sinh trong điều kiện giữ lạnh trước khi nhân nuôi ở các thề hệ 201-301 giao động đạt 77,95% - 88,24%.
Sử dụng ong mắt đỏ phòng trừ sâu hại rau
Để phòng trừ sâu tơ hại rau, người nông dân kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu có tốc độ cao, thời gian phân hủy chậm, tần suất phun thuốc cao dẫn đến số lần phun thuốc trừ sâu tăng từ 12- 14 lần trên một vụ rau, cộng thêm khả năng lớn nhiễm độc từ thuốc hóa học trong rau. So với việc sử dụng ong mắt đỏ, số lượng sâu tơ được khống chế thể hiện trên 3 hiệu quả: Giữ được rau sạch 40- 50 ngày tuổi không phải phun thuốc hóa học trừ sâu tơ, giảm từ 5- 6 lần phun thuốc so với ruộng rau bình thường. Do hạn chế phun thuốc trừ sâu nên rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng.
OMĐ là sản phẩm sinh học đã được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho cây trồng. Vì vậy việc bảo quản và phát triển sản phẩm OMĐ và lưu giữ hơn 300 thế hệ ong mắt đỏ tại Phòng Côn trùng học thực nghiệm là việc làm cần thiết. Sử dụng OMĐ không chỉ có giá trị giúp người nông dân phòng trừ sâu hại cây trồng tránh thiệt hại năng xuất mà còn giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tránh gây độc hại cho con người và giảm gây ô nhiễm môi trường sống. Đây còn là một trong những hướng nghiên cứu hứa hẹn khả năng duy trì sự cân bằng sinh thái và vững bước tiến vào nền sản xuất nông nghiệp sạch trong tương lai.