Tài trợ 100 tỷ đồng cho ĐHQG TP.HCM thúc đẩy công nghệ cao và thu hút nhân tài
ĐHQG TP.HCM và CT Group vừa ký kết hợp tác, thỏa thuận tài trợ 100 tỷ đồng phát triển nhân lực và hợp tác về vi mạch bán dẫn, công nghệ lượng tử.
Chiều ngày 22/7, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức chương trình "Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm chiến lược quốc gia và thực hiện Kế hoạch 01-KH/BCĐTW ngày 2/6/2025 nhằm triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW".

Cam kết tài trợ 10 tỷ đồng mỗi năm cho ĐHQG TP.HCM
Tại lễ ký kết, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết sự hợp tác giữa ĐHQG TP.HCM và CT Group nhằm phát triển chip bán dẫn. ĐHQG TP.HCM sở hữu thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành nhóm nghiên cứu gồm các đơn vị, như: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin và đã đăng ký một số sản phẩm chip với Trung ương để triển khai.
Bên cạnh đó, ĐHQG TP.HCM đã được phê duyệt xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia với 4 phòng thí nghiệm nhỏ theo từng quy trình sản xuất chip. Tuy nhiên, quá trình này còn đối mặt nhiều khó khăn và rất cần sự đồng hành từ CT Group trong công đoạn sản xuất chip.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, ĐHQG TP.HCM đang triển khai Chương trình VNU350 thu hút các nhà khoa học đầu ngành về làm việc và nghiên cứu. Tuy nhiên, Chương trình hiện còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn kinh phí chi trả thu nhập cho các chuyên gia.
"Việc hợp tác với CT Group được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực chung giữa hai bên, tạo điều kiện mời gọi các chuyên gia hàng đầu tham gia các dự án chung, đồng thời tạo tiền đề mở rộng liên kết với các doanh nghiệp khác", PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Theo nội dung thỏa thuận tài trợ, CT Group cam kết tài trợ 10 tỷ đồng mỗi năm cho ĐHQG TP.HCM trong giai đoạn 2025-2035. Khoản tài trợ được dành cho các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ người học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cụ thể, gói tài trợ sẽ được sử dụng để chi trả học phí cho học viên sau đại học, hỗ trợ lãi vay tín dụng học đường cho sinh viên, duy trì bếp ăn chia sẻ tại ký túc xá và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chương trình linh hoạt mở rộng hỗ trợ theo nhu cầu thực tiễn được thống nhất giữa hai bên, tạo điều kiện tối đa để người học có thể an tâm học tập và phát triển toàn diện trong môi trường học thuật chuyên sâu.
Hợp tác sâu rộng về vi mạch bán dẫn và công nghệ lượng tử
Trong khuôn khổ thỏa thuận này, hai bên đồng thời triển khai chương trình "VNU350-CT Global Fellowship for Innovation" - chương trình thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành của ĐHQG TP.HCM với sự tài trợ chi phí lương từ CT Group cho các nhà khoa học tham gia các dự án hợp tác chung.
Theo đó, CT Group sẽ bảo đảm mức thu nhập cạnh tranh cho các chuyên gia quốc tế thông qua nguồn tài chính linh hoạt từ các dự án hoặc ngân sách hỗ trợ bổ sung. Phía ĐHQG TP.HCM cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia tham gia sâu vào hệ sinh thái nghiên cứu, giảng dạy và chuyển giao công nghệ của nhà trường.
Song song với hoạt động tài trợ, ĐHQG TP.HCM và CT Group triển khai hợp tác trong hai lĩnh vực công nghệ mũi nhọn: vi mạch bán dẫn và công nghệ lượng tử. Xuyên suốt quá trình hợp tác trong hai lĩnh vực nêu trên, hai bên thống nhất đẩy mạnh, phát huy hợp tác "3 nhà" (nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp), trong đó ĐHQG TP.HCM và CT Group đóng vai trò tiên phong.
Cụ thể, trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn giai đoạn 2025-2030, các dự án hợp tác ưu tiên phát triển chip trí tuệ nhân tạo cận biên, chip khuếch đại công suất lớn, chip điều khiển 32-bit đa dụng và mô-đun truyền thông cho Internet vạn vật (IoT) và thiết bị bay không người lái (UAV). Đầu mối phía ĐHQG TP.HCM do các trường đại học thành viên đảm trách như: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin.
Trong lĩnh vực lượng tử, ĐHQG TP.HCM và CT Group sẽ phối hợp hợp tác tập trung vào bốn hướng chính:
(1) xây dựng hạ tầng công nghệ lượng tử, bao gồm phát triển máy tính lượng tử và mạng truyền thông lượng tử;
(2) phát triển năng lực đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu thông qua các chương trình đào tạo và thúc đẩy nghiên cứu khoa học;
(3) nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn như phát triển thuật toán lượng tử, ứng dụng AI trong tính toán lượng tử và giải quyết các bài toán phức tạp;
(4) phát triển phần mềm lượng tử, mô phỏng lượng tử các hệ phân tử - vật liệu phục vụ thiết kế thuốc, năng lượng sạch, nghiên cứu học máy lượng tử và truyền thông lượng tử. Đầu mối phía ĐHQG TP.HCM do các đơn vị Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Khoa học tự nhiên đảm trách.