Khơi dậy tiềm lực sáng chế, kiến tạo nền kinh tế tri thức
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Hội Sáng chế Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động sáng chế, đổi mới sáng tạo.
Theo TS Bùi Văn Quyền - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam (VIA), Hội luôn ấp ủ những mong muốn lớn lao, hướng tới một tương lai nơi sáng chế trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước.

Để thực hiện hoá những điều trên, TS Quyền bày tỏ đối với các nhà sáng chế, Hội Sáng chế Việt Nam kỳ vọng sẽ xây dựng một môi trường thuận lợi nhất để khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo. "Đó phải là một môi trường nơi mọi ý tưởng đều được tôn trọng, được hỗ trợ cả về tài chính, kỹ thuật, đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa và được vinh danh xứng đáng", TS Quyền nói.
Với cộng đồng khoa học công nghệ, Hội mong muốn cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ ngày càng gắn kết, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và hiệu quả. Các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp sẽ liên kết chặt chẽ hơn, cùng nhau thúc đẩy R&D và chuyển giao công nghệ. Hội Sáng chế Việt Nam kỳ vọng công tác định giá và thương mại hóa sáng chế sẽ trở nên chuyên nghiệp và minh bạch hơn, giúp tài sản trí tuệ thực sự trở thành tài sản có giá trị kinh tế.
Ở tầm quốc gia, Hội xác định rõ mục tiêu dài hạn là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về sáng chế, nơi các sáng kiến không chỉ giải quyết vấn đề trong nước mà còn đủ sức vươn ra thế giới, đóng góp vào vị thế quốc tế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ.
Tạo hành lang vững chắc cho sáng chế
Để hiện thực hóa những mong muốn trên, Hội Sáng chế Việt Nam đã đề xuất một loạt kiến nghị cụ thể, trọng tâm xoay quanh 5 nhóm giải pháp: phát triển sáng chế và đổi mới sáng tạo; định giá sáng chế; chuyển đổi số trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; tôn vinh nhà sáng chế; cơ chế hỗ trợ tài chính.
Về phát triển sáng chế và đổi mới sáng tạo, VIA đề xuất tăng cường đầu tư cho R&D, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao và các ưu tiên quốc gia. Doanh nghiệp cần được khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu thông qua các ưu đãi thuế hấp dẫn hoặc quỹ đối ứng.
Giáo dục sở hữu trí tuệ và tư duy sáng tạo cần được đưa vào nhà trường từ cấp phổ thông đến đại học. Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho các nhà khoa học, kỹ sư, từ tư duy thiết kế, phát triển công nghệ đến quản lý dự án sáng chế.
Một điểm nhấn đáng chú ý là đề xuất xây dựng môi trường ươm tạo thuận lợi như trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ và không gian làm việc chung được trang bị thiết bị hiện đại, nơi ý tưởng có thể được phát triển thành sản phẩm.
Để tăng cường kết nối, Hội đề xuất các chương trình kết nối viện, trường, doanh nghiệp, các sàn giao dịch công nghệ, các hội chợ sáng chế, đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề.
Trong lĩnh vực định giá tài sản trí tuệ, Hội kiến nghị xây dựng khung pháp lý và tiêu chuẩn định giá sáng chế phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhưng vẫn tiệm cận thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần đào tạo chuyên gia định giá, cấp chứng chỉ, và hỗ trợ thành lập các tổ chức định giá độc lập.
Đặc biệt, VIA đề xuất thiết lập cơ chế để các ngân hàng có thể chấp nhận sáng chế đã được định giá làm tài sản đảm bảo vay vốn. "Đây là bước đi đột phá để biến tài sản trí tuệ thành tài sản thật sự có giá trị kinh tế", TS Quyền nhấn mạnh.
Đề xuất xây dựng nền tảng dữ liệu sáng chế quốc gia tích hợp
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là yêu cầu tất yếu. Hội đề xuất xây dựng một nền tảng dữ liệu sáng chế quốc gia tích hợp, nơi cung cấp thông tin từ đăng ký sáng chế, tiến độ xử lý hồ sơ đến xu hướng công nghệ và thị trường.
Không dừng lại ở đó, VIA đề xuất nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích sáng chế, hỗ trợ tra cứu, định hướng phát triển công nghệ. Công nghệ blockchain cũng được kiến nghị sử dụng để tăng minh bạch và truy xuất nguồn gốc giao dịch liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, VIA đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn vinh và truyền thông về sáng chế. Một loạt chương trình được đề xuất: chuỗi "Hành trình Sáng chế Việt", phim tài liệu kể về hành trình của các nhà sáng chế tiêu biểu; xây dựng "Ngân hàng Sáng chế Quốc gia", nơi lưu trữ và giới thiệu các sáng chế nổi bật; tổ chức sự kiện "Gala Sáng chế Việt" để vinh danh những cá nhân xuất sắc.
Theo TS Quyền, một trụ cột không thể thiếu là các chính sách hỗ trợ tài chính, bao gồm tăng ngân sách cho Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công và quỹ hạt giống cho sáng chế khởi nghiệp. Hội cũng đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 200% cho chi phí R&D, miễn thuế thu nhập cho các khoản thu từ thương mại hóa sáng chế và xây dựng gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các dự án sáng chế tiềm năng.
Ngoài ra, nhà sáng chế cần được hỗ trợ chi phí bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt khi đăng ký quốc tế (PCT), đồng thời có cơ chế thưởng nóng kịp thời cho các sáng chế có giá trị cao và tiềm năng ứng dụng. Việc hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước cũng là một đề xuất thiết thực nhằm giúp sáng chế bước ra thị trường.
TS Bùi Văn Quyền khẳng định: "Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, sáng chế sẽ không chỉ dừng lại ở các văn bằng mà sẽ trở thành lực đẩy chiến lược cho sự phát triển nội sinh và bền vững của đất nước".