Y học

Người mang lại thế giới âm thanh cho bệnh nhân khiếm thính

Thiên Chương 22/03/2024 08:14

Từ không thể nghe, hàng nghìn bệnh nhân khiếm thính trên cả nước đã tìm lại được âm thanh của cuộc sống nhờ bàn tay vàng của các bác sĩ. Thời sự Y học đã có buổi trò chuyện cùng Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực điều trị này.

ttut-le-tran-quang-minh.jpg
TTƯT.TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM

Hơn 20 năm tận hiến cho bệnh nhân khiếm thính

Thưa bác sĩ, thực trạng khiếm thính tại trên thế giới nói chung và nước ta hiện nay như thế nào. Các nguyên nhân thường do đâu?

Khiếm thính nói chung có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Từ tuổi mới sinh ra cho đến độ tuổi trên 70. Hai loại điếc là hoàn toàn khác nhau. Khiếm thính khi mới chào đời còn gọi là “nghe kém trước ngôn ngữ”, tức mới ra đã bị nghe kém hoặc điếc, còn điếc từ 60 tuổi trở lên gọi là điếc người già hay điếc sau ngôn ngữ, loại điếc này xảy ra từ từ.

“Điếc trước ngôn ngữ” có tỷ lệ mắc giữa nam và nữ tương đương nhau. Tại Việt Nam, thực trạng điếc bẩm sinh chiếm khoảng 1-3% đối với các trẻ được sinh ra đời. Còn đối với những trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ sinh non, trẻ có mẹ bị nhiễm Rubella thai kỳ, có những vấn đề về khuyết tật thì tỷ lệ này khoảng từ 2-5%.

Riêng tình hình khiếm thính, trên thế giới, tỷ lệ người mắc cũng tương đối cao, riêng tại Việt Nam, có 40% trường hợp xuất hiện ở lứa tuổi 60, tức trong 100 người thì có khoảng 40 người bị khiếm thính. Tỷ lệ này gia tăng từ 65-80% ở độ tuổi trên 70, tức càng về lớn tuổi thì khả năng bị khiếm thính càng cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “điếc sau ngôn ngữ”, trong đó có điếc do viêm nhiễm từ lao màng não, điếc đột ngột từ 1 đến 2 bên tai.

Khiếm thính được Bộ Y tế xếp vào loại khuyết tật và do vậy khiếm thính do nghề nghiệp cũng được ghi nhận chung với nhóm khiếm thính. Nhóm bệnh nhân này thường điếc do tiếp xúc với tiếng động cường độ cao và tần suất kéo dài gây tổn thương các tế bào lông trong tai.

Lịch sử điều trị khiếm thính đã phát triển như thế nào thưa bác sĩ? - Phương pháp cấy ốc tai điện tử được Việt Nam tiếp cận ra sao? Riêng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng và cá nhân bác sĩ đã tiếp cận phương pháp này như thế nào?

Khiếm thính được điều trị từ nhẹ đến nặng và có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Với người điếc nhẹ và điếc trung bình, phương pháp điều trị hữu hiệu nhất chính là sau khi chiếc máy trợ thính được khai sinh từ thế kỷ 17, sau đó được nâng cấp dần lên. Cho đến nay, chiếc máy này đã đạt đến nhỏ gọn và có thể giúp lọc tạp âm rất tốt.

Còn với những trường hợp điếc nặng và điếc sâu, phương pháp điều trị cho loại điếc này có từ thế kỷ 18, khi nhà vật lý học người Ý, Alessandro Volta (người phát minh ra pin) đặt một thanh điện cực lên dây thần kinh thính giác của một bệnh nhân thì người bệnh này nghe được một âm thanh lục bục, từ đó, ý tưởng phát triển dần lên, ốc tai điện tử đơn kênh, rồi ốc tai điện tử đa kênh lần lượt ra đời. Năm 1978 ốc tai điện tử đa kênh đầu tiên được cấy bởi phẫu thuật viên Graeme Clark người Úc.

Tại Việt Nam, năm 1998, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện cấy ốc tai điện tử đơn kênh cho 3 trường hợp. Từ thành công đầu tiên, nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của giáo sư từ Mỹ, Úc, Pháp..đến năm 2000, bệnh viện đã có thể thực hiện cấy ốc tai điện tử đa kênh.

Về tính năng, ốc tai điện tử đơn kênh có sự thu thập âm thanh không đầy đủ như đa kênh, tạm gọi là âm thanh mono. Còn với ốc tai điện tử đa kênh, người bệnh sẽ tiếp nhận âm thanh ở nhiều nguồn, nhiều tần số khác khau, chất lượng âm thanh chính vì thế cũng phong phú hơn.

cac-bac-si-benh-vien-tai-mui-hong-tp.hcm-phau-thuat-noi-soi-va-lo-thung-san-so-cho-benh-nhi.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM phẫu thuật nội soi vá lỗ thủng sàn sọ cho bệnh nhi

Bác sĩ có thể kể về ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đầu tiên?

Sau khi bệnh viện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cấy ốc tai điện tử đa kênh, tôi và bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, nay là phó giám đốc bệnh viện tiếp tục được Phó giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Dung lúc đó là giám đốc bệnh viện cử đi học các khóa học ngắn hạn từ các chuyên gia nước ngoài về cấy ốc tai điện tử.

Năm 2002, khi đã chuẩn bị đủ kiến thức từ các thầy, tôi chính thức bắt tay vào thực hiện ca cấy ốc tai điện tử đầu tiên, đó là một bé gái 5 tuổi, tai bên phải. Trước ca mổ, tôi cũng mang cảm giác hồi hộp, tuy nhiên với kinh nghiệm đã có được từ các lần phụ mổ với các thầy, tôi đặt thành công ốc tai điện tử cho bệnh nhi. Ca mổ này thực sự là niềm tự hào bởi đây là lần đầu tiên các bác sĩ trong nước đã có thể tự cấy ốc tai điện tử đa kênh cho bệnh nhân.

Chất lượng thính giác của các bệnh nhân sau điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

Trước tiên phải nói lại một chút về ốc tai điện tử. Nôm na, thiết bị ốc tai điện tử có hai bộ phận, “bộ phận tiếp nhận ngoài” được đặt ở ngoài da và “bộ phận tiếp nhận trong”được phẫu thuật khoan vào xương thái dương và gắn vào xương này.

Hai bộ phận này có cấu tạo giống như chiếc máy vi tính thu nhỏ, nhiệm vụ của chúng là tiếp nhận và xử lý âm thanh thành tín hiệu điện, trước khi chuyển đến não.

“Bộ phận tiếp nhận ngoài” tiếp nhận âm thanh dưới dạng sóng âm từ nhiều nguồn, xử lý âm thanh thành tín hiệu điện rồi chuyển vào trong. “Bộ phận tiếp nhận ngoài” và “bộ phận tiếp nhận trong được hít nhau bằng nam châm. Tín hiệu điện từ “bộ phận tiếp nhận ngoài” sẽ truyền đến “bộ phận tiếp nhận trong”. Các tín hiệu này đi vào dây điện cực được đặt vào ốc tai, sau đó đưa đến cho tế bào hạch xoắn trong ốc tai xử lý thành các tín hiệu thần kinh đi lên não, giúp não hiểu được âm thanh.

Để đánh giá mức độ nghe hiểu của người bệnh, chúng tôi dựa vào thang điểm CAT từ mức độ 1 đến mức độ 7. Điểm 7 là mức tốt nhất, người bệnh có thể nghe được như người bình thường. Với cấy ốc tai điện tử, tùy thuộc vào thời gian cấy sớm hay muộn, bệnh nhân điếc trước hay sau ngôn ngữ, mà khả năng phục hồi sẽ cao hay thấp.

Nói rõ hơn, tình trạng phục hồi thính giác của bệnh nhân sau mổ phụ thuộc vào bệnh nhân thuộc nhóm điếc sơ sinh hay điếc sau ngôn ngữ. Thông thường điếc trước ngôn ngữ sẽ phục hồi thính lực chậm hơn, khoảng 3 năm sau cấy. Nhiều bé cấy xong nghe như người bình thường. Độ tuổi tốt nhất cấy ốc tai điện tử là dưới 2 tuổi, kế đến là từ 2-5 tuổi, càng cao tuổi hơn thì CAT càng không thể tuyệt đối.

Trường hợp điếc từ nhỏ, kéo dài mấy mươi năm thì không thể chữa trị bằng ốc tai điện tử, bởi lúc này, hệ thống dây thần đã bị thoái hóa vĩnh viễn. Trên thế giới, điếc trước ngôn ngữ được khuyến cáo không nên mổ sau 12 tuổi. Riêng điếc sau ngôn ngữ, tức bệnh nhân từng nghe được, việc cấy ốc tai có thể thực hiện trong thời gian kéo dài hơn.

Thuận lợi đầu tiên có thể thấy, chính là việc cấy ốc tai điện tử là phương pháp duy nhất để điều trị điếc bẩm sinh, điếc nặng và sâu. Thuận lợi thứ hai, hiện nay ở những bệnh viện phát triển khoa học kỹ thuật thì việc mổ cấy ốc tai điện tử đã khá dễ dàng. Cụ thể tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cấy ốc tai điện tử đã trở thành phẫu thuật thường quy, có thể thực hiện mỗi ngày.

Về mặt khó khăn, trở ngại đầu tiên đó chính là giá thành. Hiện nay giá mỗi chiếc ốc tai điện tử lên đến 700 triệu đồng, bảo hiểm y tế không chi trả, chính vì thế không phải trường hợp điếc nào cũng có điều kiện để điều trị. Mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện khoảng 60 trường hợp.

Khó khăn kế tiếp là những trường hợp trẻ dị dạng ốc tai, khi đó kỹ thuật đòi hỏi cao hơn, Việt Nam hiện nay chưa thực hiện được do chưa có thiết bị và chưa đảm bảo chuyên môn.

bac-si-minh-ong-but-cua-nhieu-benh-nhi-khiem-thinh.jpg
Bác sĩ Minh, ông bụt của nhiều bệnh nhi khiếm thính

Tiếp tục phát triển kỹ thuật cao, hướng đến Trung tâm Thính học quốc tế

Việc xây dựng phát triển kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện được tiến hành ra sao?

Phẫu thuật tai hiện là một trong những kỹ thuật cao được áp dụng tại bệnh viện. Chúng tôi đã có thể thực hiện chữa trị cho các trường hợp ung thư tai, mổ vào sàn sọ từ cắt xương thái dương đến can thiệp sàn sọ.

Trong điều trị khám thính, ngoài cấy ốc tai điện tử, chúng tôi còn thực hiện kỹ thuật điều trị chỉnh sửa xốp xơ tai (loại bệnh di truyền có liên quan đến cấu trúc có xương) cho các bệnh nhân trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, kỹ thuật phẫu thuật điều trị viêm tai như vá nhĩ cũng được thực hiện.

Về phẫu thuật mũi-xoang, bệnh viện thuận lợi bởi có hệ thống định vị không gian 3 chiều, giúp đánh giá cấu trúc nguy hiểm như mạch máu lớn, hệ thống thần kinh, não…nhằm tránh những tai biến và giải quyết bệnh tính triệt để hơn. Mũi – xoang cũng thực hiện điều trị các ca u sàn sọ, các biến chứng viêm xoang, viêm thần kinh thị, biến chứng ổ mắt…

Chúng tôi cũng ứng dụng kỹ thuật laser trong điều trị thanh quản. Đây là kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ xâm lấn tối thiểu. Trước đây, bệnh nhân ung thư thanh quản phải mổ cắt dây thanh hoặc một phần bằng đường ngoài, còn với kỹ thuật này, việc can thiệp có thể bảo tồn cho thanh quản giúp bệnh nhân nói tốt hơn.

Phẫu thuật lấy các khối u vùng cổ, phẫu thuật nhi để giải quyết các khối u hạ họng cũng là hướng phát triển của bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phát triển về “Thính học”, tuy là cận lâm sàng nhưng cũng góp phần trong chẩn đoán điều trị giúp người bệnh tiếp cận với phẫu thuật sớm hơn.

rao-can-lon-nhat-cua-cay-oc-tai-dien-tu-la-kinh-phi-nguoi-benh-tu-chi-tra-qua-cao.jpg
Rào cản lớn nhất của cấy ốc tai điện tử là kinh phí người bệnh tự chi trả quá cao

Các bệnh viện, nhất là bệnh viện chuyên khoa đang trên đường hướng đến việc trở thành trung tâm điều trị đẳng cấp quốc tế, với Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, quá trình này đang đi đến đâu? Có những thuận lợi và trở ngại gì?

Hiện tại về tầm vóc, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM có thể xứng ngang với các bệnh viện cùng chuyên khoa tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Đặc biệt, theo thống kê của khu vực vào năm 2016 khẳng định, Việt Nam là quốc gia có số lượng bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử cao nhất và bệnh viện là nơi thực hiện nhiều nhất. Chúng ta cũng đã thực hiện được các trường hợp dị dạng ốc tại ở mức độ nhẹ và vừa

Thuận lợi của bệnh viện là tiền nhiệm từ lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng như lãnh đạo bệnh viện đã có những chú trọng đầu tư cho cấy ốc tai điện tử, đồng thời xây dựng và phát triển bệnh viện trở thành Trung tâm Thính học quốc tế duy nhất tại Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất là việc đấu thầu trang thiết bị y tế mất thời gian khiến nhiều bệnh nhân phải chờ đợi. Kế đến, giá thành điều trị của nhiều kỹ thuật còn cao, điển hình là cấy ốc tai điện tử khiến hạn chế việc cứu chữa cho bệnh nhân. Bác sĩ dù có đủ chuyên môn vẫn không thể.

Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Lê Trần Quang Minh sinh năm 1966 tại Huế, công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng từ năm 1994. Ông từng đạt nhiều danh hiệu, phần thưởng trong quá trình công tác như: Thầy thuốc ưu tú (2017); Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân (2014); Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua của thành phố (12/2011); Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục (2014, 2015).

TS.BS Lê Trần Quang Minh từng giữ chức vụ Phó giám đốc tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM từ năm 2011-2020, đồng thời là phẫu thuật viên cấy điện ốc tai, mang lại thế giới âm thanh cho hàng trăm bệnh nhân khiếm thính trên cả nước. Trong quá trình công tác, TS.BS Lê Trần Quang Minh có nhiều đóng góp cho BV và đạt được nhiều thành tích tốt, được sự tín nhiệm của tập thể bệnh viện và Sở Y tế TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mang lại thế giới âm thanh cho bệnh nhân khiếm thính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO