Nghị quyết 57 tạo thế bứt phá, 'cởi trói' tâm lý cho nhà khoa học
Nghị quyết 57 được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo thế bứt phá, đưa khoa học công nghệ lên vị trí quan trọng với những mục tiêu cụ thể và giải pháp quyết liệt, như chấp nhận rủi ro, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm…

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ Nghị quyết 57 có thể thấy, Đảng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Đến 2045 Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50%, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết 57 đã nêu lên những giải pháp mang tính đột phá, cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số. Có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu...
Khắc phục các “điểm nghẽn” của Nghị quyết 20
Theo TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, sau hơn một thập kỷ thực hiện, Nghị quyết 20 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc thể chế hóa còn thiếu đồng bộ, công tác quản lý Nhà nước chậm đổi mới, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, năng lực của một bộ phận cán bộ khoa học và công nghệ còn hạn chế, cùng với tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ quốc gia vẫn còn khoảng cách so với nhóm nước dẫn đầu khu vực. Lĩnh vực này chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, động lực chiến lược để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Do đó, TS Nguyễn Quân cho rằng Nghị quyết 57 được ban hành sẽ khắc phục những “điểm nghẽn” trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 20. Đồng thời, tạo ra động lực mới cũng như mở đường, đặc biệt là về mặt khuôn khổ chính sách để cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển bứt tốc, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của phát triển đất nước hiện nay.
“Tôi mong rằng với Nghị quyết 57, Việt Nam sẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của đất nước mà còn hướng đến một thị trường đi đầu trong lĩnh vực, được các nguồn lực từ nhiều nơi trên thế giới hội tụ về”, ông Quân nói.
“Cởi trói” tâm lý cho nhà khoa học
Ở góc độ nhà khoa học, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), cho rằng nghiên cứu khoa học luôn xuất phát từ thực tiễn và kết quả nghiên cứu phục vụ giải quyết các vấn đề này. Vì vậy, việc thí điểm này phù hợp với bản chất của nghiên cứu khoa học, tạo được thuận lợi cho các nhà khoa học và các tổ chức chủ trì hoạt động nghiên cứu.

Cụ thể, dù bắt đầu từ vấn đề thực tiễn, song khi bắt đầu tiến hành quá trình nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu chỉ mang tính dự đoán. Khi kết thúc quá trình nghiên cứu, kết quả có thể đúng, có thể chưa đúng, thậm chí không có kết quả. Do đó, rủi ro trong nghiên cứu khoa học hoàn toàn có thể xảy ra và được dự tính trước, đặc biệt các nghiên cứu theo hướng thực nghiệm để tìm kết quả giải quyết vấn đề thực tiễn.
"Việc thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học sẽ giúp các nhà khoa học an tâm khi lựa chọn đề tài nghiên cứu, qua đó, thu hút được các nhóm nghiên cứu", PGS.TS Hồng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ThS Phan Văn Hiệp - Giảng viên khoa Kỹ thuật - công nghệ (Trường Đại học Văn Hiến), cũng là giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS, cho rằng với mảng nghiên cứu ứng dụng, để biến một ý tưởng khoa học thành sản phẩm thương mại phục vụ đời sống và sản xuất phải trải qua rất nhiều giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn thử nghiệm thực tế luôn ẩn chứa nhiều rủi ro từ các yếu tố khách quan mà cá nhân, tổ chức chủ trì không thể nào lường trước hết được. Đây là "nút thắt" lớn ngăn cản quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, hàng loạt trách nhiệm dân sự, hình sự sẽ bủa vây các cá nhân và cơ quan chủ trì đề tài nghiên cứu nếu kết quả thử nghiệm thất bại, nhất là các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Việc miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới của Nghị quyết 57 sẽ giúp "cởi trói" về mặt tâm lý cho các nhà khoa học và các tổ chức chủ trì.
Với quy định mang tính đổi mới tư duy này của Nghị quyết 57 sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ khi tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học sẽ yên tâm rằng nếu thất bại sẽ được miễn trừ trách nhiệm, cũng như có được bài học kinh nghiệm để giúp tránh thất bại trong các nhiệm vụ tiếp theo.
“Giải tỏa” nguồn kinh phí
Với Nghị quyết 57, ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Theo TS Nguyễn Quân, tư duy này đã được đề cập tại Nghị quyết 20 năm 2012, nhưng hơn 10 năm qua gần như chưa thực hiện được, bởi quản lý tài chính vẫn duy trì tư duy cũ, chưa quan tâm đến tính đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ, mà đầu tư như lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Ví dụ quy định hiện nay là ngân sách chỉ được cấp cho nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước và thuộc danh mục các nhiệm vụ trong dự toán ngân sách nhà nước năm trước. Vì vậy các nhà khoa học phải chờ đợi hàng năm mới được cấp kinh phí cho nhiệm vụ đã được đề xuất và được phê duyệt.
Trong khi đó, Nghị quyết 57 đã quy định rất cụ thể và nếu có sự chỉ đạo quyết liệt, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi. Bởi cơ chế quỹ là một thông lệ quốc tế, nghĩa là ngân sách nhà nước tài trợ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, đề án, dự án…) sẽ được phân bổ trực tiếp cho các quỹ theo mức vốn điều lệ và khả năng bố trí nguồn ngân sách hằng năm.
Kinh phí từ các quỹ sẽ được cấp kịp thời theo tiến độ phê duyệt nhiệm vụ, được chuyển nguồn tự động và được quyết toán một lần khi kết thúc hợp đồng nghiên cứu. Cách làm này đáp ứng tính thời sự của hoạt động nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học và phù hợp thông lệ quốc tế.
“Việc hình thành các quỹ này là rất cần thiết, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ thực hiện và thực hành nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ thu hút được nhiều nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu, tiến tới làm chủ các công nghệ lõi”, PGS.TS Hồng chia sẻ thêm.

Còn ThS Phan Văn Hiệp cho rằng, với các đề tài, dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước thì chủ sở hữu Nhà nước không có khả năng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, trong khi đơn vị chủ trì lại là đơn vị thương mại hóa kết quả nghiên cứu tốt mà lại không được sở hữu kết quả nghiên cứu. Chính vì sự chồng chéo trách nhiệm này dẫn đến kết quả thương mại hóa các đề tài, dự án nghiên cứu rất kém.
Nghị quyết 57 đã nhìn rõ khiếm khuyết này, cho phép và khuyến khích các tổ chức chủ trì và các nhà khoa học được sử dụng kết quả nghiên cứu để thương mại hóa ra thị trường, giúp tháo gỡ một trong các lực cản lớn nhất đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
"Tôi tin rằng với tinh thần của Nghị quyết 57 sẽ có rất nhiều các đề tài, dự án nghiên cứu được thương mại hóa thành công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách trong nghiên cứu khoa học và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ThS Hiệp nhận định.
Để Nghị quyết 57 thành công
PGS.TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là một bước đi chiến lược nhằm khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cũng theo ông, dù nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do nhiều rào cản, gồm: Quy định tuổi nghỉ hưu khiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm phải rời vị trí khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp; chưa có chiến lược toàn diện để thu hút, giữ chân nhân tài; thủ tục hành chính phức tạp và rườm rà…
Để giải quyết, Việt Nam cần bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu đối với các nhà khoa học, xây dựng cơ chế trọng dụng nhân tài dựa trên năng lực, thành tích và thu hút chuyên gia quốc tế; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo; giảm bớt thủ tục hành chính và tăng quyền tự chủ tài chính cho các tổ chức nghiên cứu; tăng cường vai trò của Hội đồng tư vấn cấp cao…