Lạm dụng tế bào gốc trôi nổi, tổn thương da khó lành
ThS.BS Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 35 tuổi, ngụ tại TP.HCM, bị tai biến bởi một liệu trình truyền tế bào gốc phục hồi cơ thể, làm đẹp da.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân này cho biết cô được nhân viên một cơ sở y tế tư vấn truyền tế bào gốc để phục hồi cơ thể. Người này giới thiệu tế bào gốc xuất xứ nước ngoài, một hộp 10 lọ, giá 550.000 đồng một liệu trình, tác dụng tăng cường sản sinh tế bào, collagen, chống lại lão hóa khiến da nhăn nheo. Ngoài ra, tế bào gốc giúp xóa nám, giảm thâm, tái tạo các tế bào mới nhanh chóng, giúp da trắng sáng, mịn màng.
Qua thăm khám, ThS.BS Tạ Quốc Hưng, cho biết bệnh nhân này tiêm không phải tế bào gốc, mà là một sản phẩm không tinh khiết, dẫn đến viêm da. Thêm vào đó, người thực hiện kỹ thuật tiêm có thể đã không đảm bảo vô trùng nên tăng nguy cơ đưa vi khuẩn vào cơ thể bệnh nhân thông qua vết tiêm.
Sau hai tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh và kháng viêm, vết thương trên mặt chị Lan giảm sưng, đỏ. Tuy nhiên, tổn thương ngay tại các vết tiêm có xu hướng lõm, nguy cơ hình thành sẹo, không thể lành lại như ban đầu.
Theo BS Tạ Quốc Hưng, chị Lan là một trong nhiều nạn nhân của việc tiêm tế bào gốc trôi nổi, không rõ xuất xứ mà bệnh viện tiếp nhận điều trị.
ThS.BS Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đang thăm khám và tư vấn các vấn đề về da
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ, thứ được quảng cáo "tế bào gốc" đựng trong ống có thể chứa chất kích thích tuyến nội tiết (thượng thận, giáp, sinh dục) trong cơ thể hoạt động. Người được tiêm ban đầu có cảm giác hưng phấn, khỏe, trẻ lại nhưng hậu quả lâu dài như thế nào, y học chưa thể xác định.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai biến trầm trọng do tiêm tế bào gốc. Đó là trường hợp bệnh nhân N.T.H. (45 tuổi, TP Thủ Đức) nhập viện trong tình trạng mặt sưng phù với nhiều nốt bầm tím sau khi tiêm tế bào gốc của Hàn Quốc tại một thẩm mỹ viện. Sau tiêm một ngày, mặt chị H. sưng phù, đau nhức và phải nhập viện.
Chi phí điều trị các vấn đề về da với tế bào gốc tương đối cao
Các chuyên gia trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ da, nhiều phương pháp đã được ứng dụng để làm chậm lại quá trình lão hóa da. Trong những năm gần đây, tế bào gốc được trích từ mô mỡ (ADSC), trung mô (MSC), lớp bì (DMSC) hoặc từ tủy xương (BMMSC), cho thấy khả năng thúc đẩy quá trình lành vết thương, và làm chậm lại quá trình lão hóa tự nhiên.
“Các tế bào gốc được trích từ mô mỡ, trung mô hay lớp bì của da cho thấy tính hiệu quả trong điều trị lão hóa da và tái tạo làn da đã bị lão hóa. Trong các nghiên cứu in vitro, tế bào gốc từ da có thể làm giảm nếp nhăn và tăng tính đàn hồi của da bằng cách kích hoạt các dòng thác tín hiệu đặc hiệu, kích hoạt tế bào sợi tiết ra và tổng hợp collagen, elastin”, PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết.
Theo TS.BS Vân Thanh, tế bào gốc được biết là những tế bào đa năng, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng sinh và biệt hóa tế bào. Do đó, tế bào gốc cho thấy là phương pháp đầy hứa hẹn trong thẩm mỹ da. Tế bào gốc có nhiều loại như tế bào gốc từ thực vật, tế bào gốc từ người (tế bào gốc trung mô của cuống rốn hay nhau thai, mỡ…) được sử dụng trong cải thiện lão hóa da hiện nay hay có thể dùng phối hợp với các thủ thuật tái tạo bề mặt da như lăn kim, mesotherapy.
Tuy nhiên, với các quảng cáo chữa bách bệnh nhưng nhiều lọ tế bào gốc được rao bán trên mạng, giá chỉ từ 200.000 đồng, người dùng phải thật thận trọng tránh dẫn đến "tiền mất, tật mang".
“Chi phí điều trị các vấn đề về da với tế bào gốc tương đối cao hơn so với các phương pháp sử dụng các hoạt chất thông thường khác. Bởi lẽ, tế bào gốc cần kỹ thuật chiết xuất phức tạp, công nghệ cao và tính đa năng của tế bào gốc. Đặc biệt điều kiện kỹ thuật bảo quản chế phẩm chứa tế bào gốc không hề đơn giản. Do đó các sản phẩm trên thị trường có liên quan tế bào gốc đang được sử dụng rộng rãi đa số là các chế phẩm chứa dung dịch hay môi trường để nuôi dưỡng tế bào gốc mà thôi,” BS. Vân Thanh chia sẻ.
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20. Gần đây, tế bào gốc trung mô cũng được dùng trong điều trị thoái hóa khớp và sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng liên quan điều trị tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan.
Theo PGS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, tế bào gốc là tế bào có khả năng tự làm mới (tức là có khả năng sinh sản tạo tế bào mới giống thế hệ trước) và có khả năng biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Trên thực tiễn sử dụng tế bào gốc từ nhiều năm qua ở Việt Nam và trên thế giới rất hiệu quả cho các bệnh về máu.
Hiện nay Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD...
Điều trị tế bào gốc từ máu có thể chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo liên quan đến hệ tạo máu như đa u tủy xương, ung thư bạch cầu cấp tính, thalassemia,... Đối với tế bào gốc trung mô, tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau, dựa trên hai cơ chế chủ yếu là khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng thay thế các tế bào bị tổn thương và khả năng điều hòa miễn dịch.
Cục Quản lý Dược hiện chưa cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người.