Vượt qua khó khăn, thách thức đẩy lùi Covid-19
BSCKII Đặng Quốc Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn, là một trong ba cá nhân được Sở Y tế TP.HCM đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM xét biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông đã tổ chức chuyển đổi công năng Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn với quy mô 700 giường bệnh; quản lý điều hành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn chuyên tiếp nhận người bệnh Covid-19 vừa, nặng do các cơ sở thu dung, cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố chuyển đến.
Nhiều trường hợp chạy thận nhân tạo mắc Covid-19 kèm nhiều bệnh mạn tính đã được Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn cứu sống.
“Vào thời điểm đó, tháng 7/2021, Hóc Môn đang là điểm nóng lây nhiễm Covid-19. Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn là bệnh viện cửa ngõ Tây Bắc của Thành phố. Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình lên lãnh đạo Thành phố quyết định thành lập Bệnh viện điều trị Covid-19 Hóc Môn. Chỉ trong vòng một tuần sau đó, bệnh viện bắt đầu nhận bệnh. Quy mô điều trị lên đến 700 giường. Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc của bệnh viện có 15 giường điều trị; bệnh nhân thở máy lúc nào cũng kín giường,” ông cho biết.
Để chủ động hơn trong điều trị, BSCKII Đặng Quốc Quân đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại: xe cứu thương, máy siêu âm Doppler, máy X-Quang kỹ thuật số di động, máy thở, máy thở oxy lưu lượng cao HFNC… và nhiều trang thiết bị khác nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác điều trị người bệnh.
“Biệt đội những chiến binh F0” tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn.
“Lúc đó, sau khi vượt qua “ải tử thần” Covid-19, một bệnh nhân nam 31 tuổi ngụ tại địa phương đã tình nguyện ở lại chăm sóc, tiếp sức cho những người bệnh khác. Tôi đã báo cáo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và tổ chức thành lập “Biệt đội những chiến binh F0” tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn. Biệt đội F0 lên đến 6 người. Họ hỗ trợ đội ngũ y tế, tham gia chăm sóc người bệnh như giúp theo dõi tình trạng oxy máu, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân họ và mang đến cho người bệnh những liều thuốc tinh thần,” BSCKII Đặng Quốc Quân kể.
Ông nói rằng, những hình ảnh dũng cảm và dám hy sinh ấy đã tiếp thêm năng lượng cho ông cùng đồng nghiệp càng nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn thể Đảng viên, viên chức, người lao động của Bệnh viện; nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức; chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Khoa Nội thận - Lọc máu của BVĐKKV Hóc Môn được trang bị 20 máy chạy thận nhân tạo. Lúc nào cũng hoạt động hết công suất.
Những điều “cho - nhận” trong thời điểm khốc liệt ấy càng thêm ý nghĩa khi Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hóc Môn tiếp nhận và điều trị Covid-19 cho hơn 30 trẻ mồ côi có vấn đề về não, bại liệt thuộc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ người Bại liệt Thạnh Lộc (Quận 12). Đa phần trẻ được điều trị hết bệnh.
Quyết tâm đưa dịch vụ y tế tiếp cận người dân vùng xa
Trước khi nhận nhiệm vụ Giám đốc tại Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn (hạng II) vào tháng 9/2019, BSCKII Đặng Quốc Quân từng có 5 năm đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Hạng I).
“Ngày được lãnh đạo ngành y tế TP.HCM gọi lên giao nhiệm vụ, tôi nhận lời nhưng rồi nói các anh cho tôi 1 tuần sau trả lời. Các anh bảo đã đồng ý rồi sao lại chờ 7 ngày sau trả lời…,” BSCKII Đặng Quốc Quân nhớ lại.
Điều làm ông băn khoăn không phải quãng đường đi - về gần 60km, mà nơi ấy gần như xa lạ với ông cùng nỗi trăn trở: “Liệu mình có thể hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó hay không? Làm sao phát triển bệnh viện để giúp người bệnh tốt hơn?” Thế rồi, ông khăn gói về Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn với quyết tâm của một người từng khoác màu áo lính và trên hết là tấm lòng của người thầy thuốc.
BSCKI Huỳnh Trung Nghĩa, Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐKKV Hóc Môn đang tiếp nhận và khám bệnh. Khoa Cấp cứu được đầu tư mới các màn hình giám sát monitor, máy X-quang và máy siêu âm tại giường. Mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 100 - 120 bệnh nhân.
“Huyện Hóc Môn, người dân địa phương và dân nhập cư có khoảng 600 ngàn nhân khẩu. Nhiều địa phương vẫn ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều người vẫn làm nông nghiệp, hoàn cảnh khó khăn. Tôi hy vọng mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao để giúp bà con tiếp cận được với các dịch vụ y tế hiện đại tại chỗ một cách nhanh nhất, tốt nhất và an toàn; giảm tải cho các bệnh viện tuyến nội thành,” BSCKII Quốc Quân tâm sự.
Sau khi thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM, chàng thanh niên Đặng Quốc Quân bảo lưu kết quả, nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, thuộc Trung đoàn Công binh 25 (Quân khu 9). Sau khi phục viên, ông tiếp tục quay lại ghế nhà trường để hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Khi được điều động về nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn, điều đặc biệt mà ông cảm nhận trước hết đó là Đài Tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh tại nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn). Ông chia sẻ, tại địa điểm này, năm 1941, nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, nguyên lãnh đạo Xứ ủy Nam kỳ, nguyên lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, các bậc cách mạng tiền bối, đồng bào, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà thương Giếng Nước trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940). Trong đó có Liệt sĩ Hà Huy Tập, Liệt sĩ Võ Văn Tần, Liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến. Chính nơi linh thiêng này càng khiến ông khắc sâu trách nhiệm của người lính, người thầy thuốc vì sức khỏe người dân. |
Ngày ông về, bệnh viện có chừng hơn 50 bác sĩ. Sau gần 5 năm gây dựng, Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn quy mô 550 giường hiện có gần 600 cán bộ công nhân viên, trong đó 131 bác sĩ, phục vụ khám chữa bệnh mỗi ngày gần 1.500 lượt bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị 550 bệnh nhân nội trú. Bệnh viện tập trung phát triển các kỹ thuật mới như hồi sức cấp cứu, lọc máu, thay khớp háng nhân tạo. Đặc biệt khoa Nội thận - Lọc máu rất phát triển, được trang bị 20 máy chạy thận nhân tạo, luôn hoạt động hết công suất.
“Trong thời điểm chống dịch Covid-19, khoa Nội thận - Lọc máu tiếp nhận tất cả bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bị nhiễm Covid-19 ở các bệnh viện trong nội thành. Một trong những ca được cứu sống ngoạn mục tại đây là bệnh nhân Võ Ngọc Th (1963, Quận 12). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, viêm phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận và nhiễm Covid-19 trên thể trạng béo phì,” BSCKI Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn, nhớ lại.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia sẻ, có một nơi các bác sĩ vững chuyên môn, nhiều nhiệt huyết, đủ trang thiết bị y tế thế này thì quá tốt cho bệnh nhân vùng sâu, vùng xa như Hóc Môn. Ảnh: BSCKII Đặng Quốc Quân và BSCKI Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu bên bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Một bệnh nhân 60 tuổi đang chạy thận cho biết: “Hai năm trước tôi được chẩn đoán bệnh và yêu cầu chạy thận. Ban đầu tôi đến một bệnh viện trong nội thành để chạy thận, nhưng đường xá đi lại khó khăn và xa quá nên tôi chuyển đến Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn. Tôi đã chạy thận nhân tạo tại đây được 1 năm rồi. Ở một vùng sâu vùng xa, nhiều người còn khó khăn như Hóc Môn, có một nơi các bác sĩ vững chuyên môn, nhiều nhiệt huyết, đủ trang thiết bị y tế như thế này thì quá tốt cho bệnh nhân chúng tôi.”
Bệnh viện là nhà, người bệnh là người thân
Hóc Môn là vùng ngoại ô, trình độ dân trí không cao lắm, nhưng ngược lại tình cảm cộng đồng, tình nghĩa rất gắn bó; mang theo nét văn hóa làng xã “người ở ấp dưới biết người xóm trên.” Sự kết nối chặt chẽ, biết nhau còn thông qua văn hóa truyền miệng.
“Chính vì vậy, chuyện tốt hay điều xấu, niềm tin vào chuyên môn và y đức của các bác sĩ sẽ được lan tỏa rộng khắp và nhanh chóng. Nên chúng tôi luôn bảo nhau tích cực học tập, nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm phục vụ công tác chữa bệnh cho người bệnh ngày càng tốt hơn. Tôi còn thường xuyên nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ trẻ giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp, tránh gây phiền hà, tạo niềm tin đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân,” Giám đốc Bệnh viện tâm niệm.
BSCKII Đặng Quốc Quân luôn quan tâm và lắng nghe từng tâm tư của người bệnh.
Anh Trần Văn Tín, bảo vệ Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn, cho biết anh đã làm ở bệnh viện này được hơn 10 năm. BSCKII Đặng Quốc Quân là một trong những lãnh đạo bệnh viện thường xuyên thăm hỏi cho bệnh nhân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên y tế và cả người dân đi khám bệnh.
“Cô xem, giám đốc đi xin thêm ghế cho người bệnh ngồi. Bệnh nhân than đi khám bệnh nóng quá vì khu vực này như cái lòng chảo, chung quanh cao, nên ông cho lắp cửa kính cường lực để trang thị thêm máy lạnh cho khoa Khám bệnh. Hiện khu vực bệnh nhân ngồi chờ đã được gắn 8 máy; sắp tới sẽ có thêm 3 máy lạnh nữa,” Anh Tín cho biết.
BSCKII Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn, chăm chút cho từng cây xanh trong bệnh viện như chính những cái cây trồng trong ngôi nhà của mình.
BS Quân còn hãnh diện chỉ cho tôi những hàng rào cây được sửa sang, chỉnh trang lại; trồng thêm 150 cây dầu và nhiều cây lộc vừng, cây sao… Ông chăm chút từng gốc cây của bệnh viện như vườn nhà mình để ngày sau, người bệnh được hưởng bóng mát.
Theo BSCKII Đặng Quốc Quân, UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM và lãnh đạo địa phương, hiện Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn đã được đầu tư, xây mới, nâng cấp bệnh viện quy mô 1.000 giường. Bệnh viện mới được xây dựng với qui mô 2 tầng hầm, 12 tầng lầu. Giai đoạn I, bệnh viện xây dựng 500 giường bệnh đạt chuẩn theo hướng hiện đại; khối phòng khám, các chuyên khoa sâu với thiết bị y tế tiên tiến, trong đó có 20 phòng mổ hiện đại. Bệnh viện mới giai đoạn I dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2024. Khu bệnh viện mới giai đoạn I với 500 giường và có sân đỗ trực thăng đang được hình thành. Dự kiến, khu vực mới này sẽ đi vào hoạt động năm 2024. Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn mới sẽ có bãi đáp trực thăng trên tầng 12 để đáp ứng yêu cầu cấp cứu bằng đường hàng không trong tương lai. Hiện, bệnh viện còn chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt chú ý đến Đơn vị Tim mạch học Can thiệp, để dành lại nhiều cơ hội vàng cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ. Từ đó đáp ứng nhu cầu thực tế khám chữa bệnh của người bệnh trên địa bàn Hóc Môn và các khu vực lân cận như quận 12, huyện Củ Chi, tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh… để tăng năng lực và chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân. |