Thú chơi xa xỉ
Mới rộ lên đại trà khoảng 3 năm trở lại đây tại nước ta nhưng thực chất shisha đã có mặt rải rác ở nhiều nước từ thập niên cuối thế kỷ trước. Chúng tôi đã có dịp nhìn thấy món “hàng độc” từ một anh bạn lao động ở Iraq trở về sau cuộc chiến vùng Vịnh. Với cách thức “bày binh bố trận” cầu kỳ trước khi thưởng thức: châm hương liệu, gắn chất đốt bọc giấy bạc... để rồi sau khi hút thử nghe như lờm lợm cổ họng nên hầu hết bạn bè quê nhà có mặt trong buổi đón bạn phương xa ấy đều không “hảo” lắm! Thậm chí có người còn cho rằng cái món cầu kỳ, được giới thiệu là thuốc lá Ba Tư hay thuốc lá cung đình Trung Đông xem ra còn thua xa món thuốc lào quốc hồn quốc túy của mình.
Mỗi gói thuốc khoảng 250 g, giá mua khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng tùy “bãi đáp” - tiếng lóng chỉ nơi tụ tập hút hít - cộng thêm tiền mua từ 2 - 3 viên than cho mỗi lần hút (giá khoảng 20.000 - 50.000 đồng/10 viên), xem ra cũng khá mềm so với hầu bao các cậu ấm cô chiêu, lại được “sinh hoạt tập thể ” như kiểu... uống rượu cần Tây Nguyên nên đây là mặt hàng thu hút khá đông giới tuổi teen. Tất nhiên nếu cộng thêm chi phí của các khoản bia lon, rượu ngoại, sơn hào hải vị thì khoản chi ăn chơi nhảy múa của các quý tử cũng nào kém cạnh các đại gia thừa tiền lắm bạc.
Nhiều quan ngại, lúng túng
Ông Nghiêm Sỹ Nam, một người dân ở Gò Vấp trăn trở: “Với kiểu cách châm tẩm hút sao mà giống thuốc phiện quá, không hiểu sao chưa thấy các cơ quan công quyền lên tiếng khi mà phong trào này thu hút lớp trẻ cả trai lẫn gái, lại bày bàn đèn công khai ở nơi công cộng thật kỳ lạ...”. Còn ông Đình Khôi ở Đông Thạnh, Hóc Môn cũng bức xúc: “Tôi thấy phong trào hút shisha rộ lên khá đại trà ở nhiều nơi trên QL 22 với tên gọi Thuốc lào Ả Rập nên tò mò vào mạng xem mới hay cái món ngoại nhập này được chào bán công khai, lạ kỳ, nếu đã là thuốc lá thuốc lào thì ai lại cho phép công khai quảng cáo mua bán nhỉ?”.
Trung tá Trần Thanh Sơn, đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết: “Hiện nay có hơn 200 loại ma túy bị cấm. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện đã được thay đổi hình dáng, màu sắc để trốn tránh pháp luật. Shisha chưa có trong danh mục. Tuy nhiên, chiếc bình hút shisha có hình dáng giống như chiếc bình dùng để hút đập đá (hàng đá), một loại ma túy tổng hợp bị cấm. Nếu phát hiện người nào sử dụng các loại ma túy tổng hợp cùng với shisha thì vẫn tịch thu và xử phạt”.
Như thế có thể hiểu rằng chỉ có thể xử lý khi sử dụng shisha kèm ma túy thì mới cấu thành tội, còn riêng shisha chưa có trong danh mục ma túy bị cấm.
Minh chứng hùng hồn cho nhận định trên là sự xuất hiện công khai rao bán shisha từ bình hút đa mẫu mã cho đến hương liệu El Nakhla với các mùi bạc hà, dâu, táo, cam, xoài, chanh, trái cây tổng hợp, cà phê... hoặc cao cấp hơn với hương liệu Al Fakher và các loại than đốt đa chủng loại... trên mạng Internet. Thậm chí cách thức “thưởng thức” shisha còn được hướng dẫn tỉ mỉ đến từng chi tiết trên mạng, thật trái khoáy!
Có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Thanh Hiền, chủ tịch Hội đông y Q.11, chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Q.11, TP.HCM cho chúng tôi biết: “Chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm này để có thể khẳng định có gây nghiện hay gây tổn hại cho sức khỏe hay không, nhưng ý kiến chủ quan tôi cho rằng bất cứ chất nào qua đốt cháy hút vào cơ thể đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng cho sức khỏe người sử dụng. Nên nhớ ngay cả thịt - thực phẩm chế biến hàng ngày - khi đốt cháy quá cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cao. Đã là chất khói hẳn nhiên khi hút, hít một loại khói nào đó giống như hút thuốc lá, thuốc lào với cường độ cao chắc chắn độc khí CO (oxid carbon) sẽ gây hại cho cơ thể người sử dụng, chưa kể đến người hút thụ động...”.
Lương y Đường Hoàng Biểu, người cao tuổi đã bỏ thuốc lá nói: “Tôi cho rằng dù bất kỳ nguyên liệu nào: lá thuốc, lá xoài, lá mít, lá ổi... khi đốt cháy sẽ tạo ra oxid carbon, gây tổn hại đến sức khỏe của người hút chủ động và thụ động như cảnh báo của Bộ y tế với các chương trình phòng chống thuốc lá, thuốc lào hiện nay. Theo lô-gic khi sử dụng bất cứ loại hình nào một cách thường xuyên, lặp đi lặp lạisẽ gây nghiện, thói quen khó bỏ mà...”.