Dòng chảy

Tháng Bảy với những người 'giữ lửa' ký ức

Võ Liên - Ngọc Duy (Thực hiện) 27/07/2025 - 06:12

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 không chỉ là dấu mốc lịch sử để nhắc nhớ, mà còn là lời nhắn nhủ về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Tạp chí Khoa học phổ thông trong ngày 27/7/2025 xin giới thiệu loạt bài để tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh, đóng góp cho nền hòa bình hôm nay cũng như phản ánh chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.

Những câu chuyện về người cha, người mẹ, về một thời bom đạn vẫn được những người ở lại gìn giữ như cách giữ lửa cho ký ức không lụi tàn, đó cũng chính là mạch nguồn âm thầm nuôi dưỡng lòng biết ơn của thế hệ hôm nay. Trong ký ức của nhiều gia đình, hình ảnh người cha, người anh khoác ba lô ra trận, để lại sau lưng là mẹ già, là người vợ trẻ, là đứa con thơ chưa kịp gọi tròn tiếng "cha" vẫn còn nguyên vẹn.

Sau chiến tranh, đất nước đổi thay từng ngày. Nhưng trong nhịp sống hiện đại, ký ức tháng Bảy vẫn cần được gìn giữ, nhắc nhở mỗi thế hệ hôm nay về trách nhiệm, về lòng biết ơn và về cách sống xứng đáng với những gì cha anh đã đánh đổi.

Dịp này, Tạp chí Khoa học phổ thông vinh dự được lắng nghe những lời kể chân thật và xúc động từ những người con của các thương binh, liệt sĩ. Họ không chỉ là nhân chứng sống của lịch sử, mà còn là những người giữ gìn ký ức thiêng liêng trong gia đình, là điểm tựa tinh thần cho thế hệ kế tiếp.

Gieo vào lòng người trẻ hạt giống biết ơn và trân quý quá khứ

Ký ức về cha tôi là những đêm dài tôi nằm cạnh ông, mùa đông xứ Nghệ lạnh cắt da, hay mùa hè gió Lào rát rừng rực. Tôi ngủ, còn cha thì thức. Cái thức không phải vì thao thức lo nghĩ, mà vì đau di chứng bởi sức ép của bom để lại trên sống lưng, cổ vai gáy đeo bám dai dẳng hàng chục năm sau chiến tranh.

Cha tôi kể, di chứng ấy có từ sau lần bị thương trong một lần bị máy bay địch rải bom khiến ông phải điều trị ở bệnh viện suốt 1 năm. Điều khiến tôi luôn cảm phục và tự hào, là cha tôi sau khi phục viên, chuyển công tác do sức khỏe yếu vẫn luôn nỗ lực góp sức mình vào khôi phục, xây dựng lại thành phố Vinh cũ thuộc tỉnh Nghệ An sau chiến tranh mãi đến lúc nghỉ hưu. Tôi thấu hiểu và tự hào, người lính Bộ đội Cụ Hồ, dù ở hoàn cảnh nào nơi chiến trường khốc liệt hay sau chiến tuyến, trong thời bình cũng đều có cách cống hiến, có trách nhiệm cho quê hương, đất nước.

nha-bao-ba-kien.jpeg
Nhà báo Đặng Trung Kiên (thứ hai từ trái sang) luôn tự hào về cha.

Không chỉ cha mẹ tôi mà cả thế hệ thời đó, thế hệ bừng bừng ra trận theo tiếng gọi non sông, khát vọng giành độc lập, thống nhất nước nhà. Thế hệ ấy như bản thiên hùng ca cùng với biết bao hy sinh mất mát trên chiến trường để bao thế hệ hiện tại và mai sau noi theo, tri ân. Không chỉ là tưởng nhớ, tri ân mà còn là trách nhiệm với chính mình sống và xứng đáng với sự hy sinh, mất mát to lớn không thể nào đong đếm được.

Tôi viết về cha tôi, về những người chiến sĩ trở về với cơ thể còn không lành lặn, còn di chứng dai dẳng nhưng tâm hồn còn nguyên vẹn lòng yêu nước, niềm tự hào về những năm tháng cống hiến vì khát vọng chung của dân tộc.

Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của dân tộc ta, điều đó được các cấp ngành, địa phương thể hiện sinh động, sâu sắc sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi nghĩ lớp trẻ hiện nay vẫn tiếp tục mạch nối ấy, tuy nhiên cách thể hiện của giới trẻ qua nhiều hình thức sinh động, mới mẻ, nhiều cách khác nhau.

Tôi mong xã hội hiện đại biết trân trọng sự hy sinh bằng cách thật sự quan tâm, thấu hiểu, chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, không phải chỉ bằng lời, mà bằng hành động cụ thể, bằng chính sách nhân văn và lâu dài. Tôi cũng mong các nhà trường, tổ chức đoàn thể lan tỏa nhiều hơn nữa những câu chuyện đời thật, người thật. Không phải để ngợi ca sáo rỗng, mà để gieo vào lòng người trẻ một hạt giống biết ơn, trân quý trước quá khứ hào hùng và hy sinh của những thế hệ làm nên trang sử vàng của dân tộc.

Thượng tá, Nhà báo Đặng Trung Kiên - Phó Trưởng ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.HCM


Hy sinh âm thầm, nhưng lý tưởng thì sống mãi

Cha tôi là Huỳnh Văn Bánh, một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy Gia Định thời kháng chiến. Ông tham gia hoạt động từ những năm kháng chiến chống Pháp.

Với tôi, ông là một người cha, nhà lãnh đạo cách mạng ấm áp, nghĩa tình với gia đình, đồng đội nhưng kiên cường, quyết liệt trong công việc. Có thể nói, cha là người dứt khoát trong công việc, chỉ đạo rất sâu sát và tỉ mỉ. Đối với kẻ thù, cha rất kiên quyết nhưng ngược lại rất yêu thương đồng đội, vợ con.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm về cách ông đối xử với những người lính hoạt động từ vùng "xôi đậu" (vùng tranh chấp) trở về. Khi họ về, cha tôi thường hỏi Mấy em ở dưới sống có cơm ăn không? Có thuốc men gì không? Có thiếu thốn cái gì không? để giúp đỡ. Ông luôn dặn các chiến sĩ đi tắm rửa sạch sẽ, ăn no nê rồi mới tính chuyện khác. Sự quan tâm ấy xuất phát từ sự thấu hiểu những gian khổ mà đồng đội phải trải qua. Hồi xưa đói lắm, cứ lo ở trong hầm thì làm sao mà ăn. Thành ra khi họ về, cha cho tắm rửa sạch sẽ, ăn uống no nê rồi mới bắt đầu kêu lên làm việc.

tham-gia-dinh-liet-si-huynh-van-banh.jpeg
Đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh và bà Trịnh Thị Huỳnh Nga - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh, thăm và tặng quà cho bà Huỳnh Thị Tâm - con gái của liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh, tháng 8/2024.

Trong công tác, cha cũng là một người chỉ huy tài ba, quyết đoán, đặc biệt trong các công tác an ninh, tình báo. Cha làm việc tới 2, 3 giờ khuya là chuyện bình thường.

Thành ra cha tôi là một người có trước có sau, rất tình nghĩa. Thế hệ sau này tiếp quản thành phố, không có người nào buồn phiền gì mà rất thương cha. Đó là một điều mà tôi rất tự hào nhất. Mỗi dịp lễ Tết hay đám giỗ, họ vẫn nhớ về thắp cho ông một nén nhang.

Tôi còn nhớ sáng ngày 21/5/1969, cha tôi tham dự hội nghị Khu ủy ở Sở Ông Bồ thuộc ấp Bến Súc, xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát (Bình Dương cũ) thì bị đánh bom B52. Trong đó có 3 đồng chí hy sinh là liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh - cha tôi, Nguyễn Văn Thuật và bảo vệ Nguyễn Văn Ný.

Khi nghe tin tôi sốc lắm nhưng phải tự động viên bản thân, âm thầm chịu đựng để tránh ảnh hưởng đến các đồng đội, gia đình. Lúc đó chúng tôi giấu dữ lắm, chỉ biết âm thầm chịu đựng thôi, không dám kể cho mẹ và các em. Cha là một người lãnh đạo cấp cao nên khi mất phải giữ bí mật tuyệt đối, tránh để địch tuyên truyền gây hoang mang cho các anh em, đồng đội.

tb.jpg
Phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông lắng nghe câu chuyện của con gái liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh

Mãi đến sau ngày giải phóng, tôi mới bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt của cha. Mấy chục năm sau tôi mới đi tìm. Tôi mướn các đội làm mủ cao su rồi mới đào bới trong rừng.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, tôi mong các cháu phải luôn học tập, phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông. Mong rằng thế hệ sau này cũng nhớ những người đi trước đã khổ cực biết bao nhiêu. Và quan trọng nhất, có tài thì phải có đức. Tài với đức luôn song song với nhau.

Bà Huỳnh Minh Trúc (tức Huỳnh Thị Tâm, SN 1951) - con gái của liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh.

Trao lại hồ sơ chứng tích chiến tranh

Ngày 26/7, Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO đã phối hợp với Câu lạc bộ Trái Tim Người Lính Phương Nam tổ chức chương trình "Tri ân người lính - Chăm sóc hôm nay, vững bước tương lai".

Tại đây, ban tổ chức đã trao lại hồ sơ chứng tích chiến tranh của liệt sĩ Trần Văn Riểu, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

ba-tran-thi-dung-con-gai-duy-nhat-cua-liet-si-rieujpg.jpg
Bà Trần Thị Dung - con gái của liệt sĩ Trần Văn Riểu nhận lại kỷ vật của cha sau 60 năm.

Trong số những gia đình được trao trả hồ sơ, chứng tích chiến tranh, câu chuyện của liệt sĩ Trần Văn Riểu với chứng tích gồm 2 cuốn sổ tay, chứa các mục ghi chép viết tay từ ngày 28/12/1965 đến ngày 18/9/1968. Nội dung hồ sơ gồm tiểu sử cá nhân, các nhiệm vụ quân sự, báo cáo quân số đơn vị, danh sách cán bộ chính trị, hướng dẫn huấn luyện và kiểm kê vũ khí…

Đến nhận là bà Trần Thị Dung - con gái duy nhất của liệt sĩ Riểu. Cầm hồ sơ trên tay, bà Dung bồi hồi chia sẻ việc nhận kỷ vật này và sự trở về của cha tôi sau gần 60 năm là niềm an ủi lớn nhất đối với gia đình.

Kỷ vật là một phần máu thịt, là ký ức sống động về người cha đã hy sinh giữa những năm tháng khốc liệt của dân tộc, khiến gia đình vô cùng xúc động và tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Bảy với những người 'giữ lửa' ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO