Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM: “Chúng tôi đã có một năm thành công!”
Sau một năm trúng tuyển vào “ghế nóng”, Thạc sĩ – BS.CKII Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM đã có buổi trò chuyện với tinh thần cởi mở, đầy nhiệt huyết về những gì đã làm được cùng Thời sự Y học – Tạp chí Khoa học phổ thông trong những ngày đầu năm mới.
Thưa bác sĩ, tự dự tuyển, trúng tuyển và nhận nhiệm vụ với mong muốn sẽ ổn định lại mọi thứ tại Bệnh viện Mắt TP.HCM khi bệnh viện đang trong tình trạng muôn vàn khó khăn, những việc ông đã làm được là gì về chính sách, đấu thầu, nhân sự trong “công cuộc phục hồi sự ổn định”? Liệu sự ổn định đã đạt được ở mức nào?
Khi tiếp cận Bệnh viện Mắt với vai trò là giám đốc bệnh viện, tôi phát hiện Bệnh viện Mắt đang gặp rất nhiều khó khăn hơn là tôi tưởng trước đó. Điều đáng lo nhất là niềm tin và tinh thần làm việc của các cán bộ chủ chốt và nhân viên, nhất là những nhân sự đang được phân công tham gia công tác mua sắm, đấu thầu đang xuống ở mức rất thấp sau sự cố nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý bệnh viện vướng vào vòng lao lý. Tôi cảm nhận được nhiều cán bộ, viên chức, người lao động còn hoài nghi về tôi, một người không có chuyên môn về Nhãn khoa nhưng lại được giao nhiệm vụ làm giám đốc bệnh viện Mắt lớn nhất khu vực phía Nam.
Đứng trước những thách thức đó, việc đầu tiên tôi đã làm là bàn bạc và thống nhất với Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện về một quy chế làm việc mới, thực sự dân chủ, công khai, minh bạch hướng tới mục tiêu chung là sớm ổn định hoạt động của bệnh viện, ưu tiên mọi nguồn lực của bệnh viện vì chất lượng điều trị và sự hài lòng của người bệnh. Kế đến, tôi đã cùng tập thể lãnh đạo bệnh viện hoàn thiện, chuẩn hoá các quy chế, quy trình hoạt động trong bệnh viện với sự phân công – phân nhiệm rõ ràng phù hợp với năng lực của các cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện và sớm ổn định tinh thần làm việc trong toàn thể nhân viên – người lao động, nhất là các thành viên tham gia công tác mua sắm, đấu thầu của bệnh viện. Bên cạnh đó, tôi cùng Ban Giám đốc bệnh viện rà soát và củng cố, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong mọi hoạt động của bệnh viện nhưng phải khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tất cả hướng về người bệnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện những hoạt động trên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo Sở Y tế và chính quyền địa phương đã giúp tôi cùng đội ngũ cán bộ viên chức bệnh viện vượt qua những khó khăn và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ:
Thứ nhất, công tác khám chữa bệnh luôn được duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 4.000 – 4500 bệnh nhân đến khám và điều trị trong ngày, thực hiện trung bình 700 – 750 ca phẫu thuật, các chỉ tiêu chuyên môn đều vượt 140 – 200% so với kế hoạch. Đây là điểm son nếu nhìn trong bối cảnh nhiều cơ sở điều trị nhãn khoa trong cả nước, ngay cả bệnh viện chuyên khoa hàng đầu ở Trung ương, phải tạm ngưng thực hiện nhiều phẫu thuật do không đấu thầu, mua sắm được vật tư cần thiết.
Thứ hai, bệnh viện đã tiếp tục phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhất là các kỹ thuật cao, chuyên sâu để luôn xứng tầm là một trung tâm nhãn khoa hàng đầu trong cả nước. Hiện bệnh viện đang đăng ký Cục Quản lý khám chữa bệnh phê duyệt 05 kỹ thuật cao về nhãn khoa lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, trong đó có 02 kỹ thuật đã được Cục thẩm định là “Điều trị tật khúc xạ bằng Lasik – Xtra” và “Điều trị dãn phình giác mạc bằng Cross-Linking”.
Thứ ba, công tác nghiên cứu khoa học – đào tạo liên tục tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm 2023, bệnh viện đã thực hiện 41 đề tài nghiên cứu khoa học, 22 buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật và tổ chức thành công Hội nghị Nhãn khoa TP.HCM mở rộng lần thứ 3 trong dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập Bệnh viện Mắt TP.HCM. Hiện bệnh viện là cơ sở thực hành chính trong lĩnh vực nhãn khoa của trường Đại học Y Dược TP.HCM, trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Thứ tư, công tác chuyển đổi số đã bước đầu triển khai có hiệu quả, trong đó một số sản phẩm nổi bật là “Ứng dụng đặt lịch khám – chữa bệnh từ xa”, “Các giải pháp thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật” và đặc biệt là “Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tầm soát bệnh lý Glaucoma” đã được Giải II Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 3.
Và thứ năm, công tác quản lý chất lượng bệnh viện ngày càng đồng bộ và đi vào chiều sâu. Theo kết quả tự đánh giá chất lượng bệnh viện quý 4 năm 2023, hiện bệnh viện đang ở mức 4,21 trong khi điểm chất lượng của bệnh viện năm 2022 là 4,05. Hiện bệnh viện đang triển khai và phấn đấu đạt ISO 9001:2005 trong quản lý hành chính và ISO 15189 trong lĩnh vực xét ngiệm. Với những thành quả nêu trên, Bệnh viện Mắt đã được Sở Y tế TP.HCM công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Từng khẳng định “về bệnh viện làm giám đốc là ngồi vào ghế nóng”, đến nay, áp lực đó trong ông ra sao? Chiếc ghế đã “bớt nóng”? Sau một năm quản lý, ông có thể chia sẻ đâu là những khó khăn lớn nhất. Ông tiên lượng trước mắt còn những khó khăn gì và dự kiến sẽ giải quyết như thế nào?
Trong bối cảnh ngành y tế hiện nay, khó khăn và áp lực thì bệnh viện nào cũng gặp phải, nên có thể nói tất cả vị trí “Giám đốc bệnh viện” đều là “ghế nóng”. Theo quan điểm cá nhân tôi, so với năm trước đây, hiện ghế “Giám đốc Bệnh viện Mắt” đã “bớt nóng”. Tính dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động đã được nâng cao, trong đó nổi bật vai trò nêu gương của tập thể Đảng ủy - Ban Giám đốc bệnh viện. Các quy chế, quy trình họat động trong bệnh viện đã được hoàn thiện – chuẩn hóa với sự phân công – phân nhiệm rõ ràng, qua đó giúp ổn định tinh thần làm việc trong toàn thể nhân viên – người lao động, nhất là các thành viên đang tham gia công tác mua sắm, đấu thầu của bệnh viện.
Trong năm 2023, công tác đấu thầu, mua sắm cung ứng thuốc, vật tư mặc dù có những lúc gặp khó khăn nhưng về cơ bản đã giúp bệnh viện duy trì tốt được hoạt động chuyên môn. Đây là điểm son nếu nhìn trong bối cảnh nhiều cơ sở điều trị nhãn khoa trong cả nước, ngay cả đơn vị ở cấp Trung ương, phải tạm ngưng thực hiện nhiều phẫu thuật do không đấu thầu, mua sắm được vật tư cần thiết.
Kết quả hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Y tế, quản lý tổ chức tại Bệnh viện Mắt vào cuối năm 2023 đã cho thấy các chức danh nêu trên đều nhận được sự tín nhiệm rất cao. Cụ thể, cả hai đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy Bệnh viện đều nhận được 100% phiếu tín nhiệm cao trong Hội nghị của Ban Chấp hành Đảng ủy với bí thư 05 chi bộ trực thuộc và toàn bộ Ban Giám đốc Bệnh viện đều đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm từ 93 – 100% (trong đó phiếu tín nhiệm cao đạt từ 90 – 97%) trong Hội nghị Cán bộ chủ chốt của Bệnh viện. Bản thân tôi với vai trò Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Bệnh viện Mắt cũng đạt 100% phiếu tín nhiệm cao trong Hội nghị Đảng ủy – Bí thư Chi bộ và 100% phiếu tín nhiệm (97% phiếu tín nhiệm cao) trong Hội nghị Cán bộ chủ chốt. Đây là sự công nhận và đánh giá cao của tập thể đối với các nỗ lực lãnh đạo của tập thể Đảng ủy – Ban Giám đốc Bệnh viện trong suốt thời gian qua và nhất là trong năm vừa qua.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện là tình trạng quá tải do diện tích đất của bệnh viện quá nhỏ so với khối lượng bệnh nhân bệnh viện đang tiếp nhận. Về giải pháp, một mặt bệnh viện đẩy mạnh các hoạt động phòng khám vệ tinh, bệnh viện vệ tinh, đào tạo – chuyển giao kỹ thuật cho tuyến trước, mặt khác bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế TP.HCM đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí quỹ đất cho bệnh viện xây dựng thêm cơ sở 2. Đến nay, Sở Y tế TP.HCM cùng với Ủy ban nhân các quận huyện đã xác định được 01 số vị trí có khả năng bố trí để xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Mắt và đang trong quá trình hoàn thiện đề xuất xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Một năm vẫn còn quá ngắn cho một người quản lý mới, vậy ngoài những gì đã làm được, kế hoạch sắp tới của ông đối với bệnh viện ra sao? Ông sẽ tiếp tục làm những gì trong năm 2024 cho bệnh viện trong cả việc phục hồi sự ổn định và tiếp tục phát triển?
Với vai trò là một trong những trung tâm chuyên sâu hàng đầu về lĩnh vực nhãn khoa của cả nước, Bệnh viện Mắt sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển chuyên môn để trở thành một trung tâm nhãn khoa mang tầm khu vực. Căn cứ theo chiến lược phát triển y tế chuyên sâu do Sở Y tế TP.HCM đề ra, Bệnh viện Mắt sẽ triển khai 07 nhóm giải pháp sau: (1)Hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao trong lĩnh vực nhãn khoa; (2) Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hình thành 3 cơ sở của Bệnh viện Mắt ở 3 cụm y tế chuyên sâu trên địa bàn Thành phố; (3) Không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; (4) Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở theo hướng y tế vùng; (5) Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; (6) Phát triển Bệnh viện Mắt trở thành điểm đến du lịch y tế; (7) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, các chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng tầm quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở vật chất – trang thiết bị hiện đại và đổi mới quản trị tài chính sẽ tiếp tục là các hoạt động trọng tâm của Bệnh viện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Với ông, ngoài chuyên môn, ông mong muốn xây dựng kiểu văn hóa ứng xử của mọi người như thế nào?
Bệnh viện Mắt sẽ tiếp tục hoàn thiện “bộ quy tắc ứng xử của viên chức, người lao động Bệnh viện Mắt TP.HCM” nhằm xây dựng văn hóa ứng xử tại Bệnh viện Mắt TP.HCM theo phong cách ứng xử chuẩn mực, phục vụ chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, luôn lấy người bệnh làm trung tâm. Để có văn hóa ứng xử tốt, mỗi nhân viên bệnh viện đều cần học tập và rèn luyện liên tục để nâng cao y đức, nâng tầm y nghiệp, qua đó và không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn song hành với kỹ năng giao tiếp.
Về nhu cầu khám chữa mắt của bệnh nhân tại bệnh viện được ông nhìn nhận ra sao. Mỗi ngày trung bình có bao nhiêu lượt khám chữa? Mức độ hài lòng của bệnh nhân thế nào?
Hiện tại dù đã hoạt động hết công suất, nhưng có thể khẳng định Bệnh viện Mắt vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu khám, chữa bệnh về mắt của người dân. Trên thực tế, một mình Bệnh viện Mắt sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu này. Vì thế, bệnh viện đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng chống mù lòa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho đến năm 2030 để trình Sở Y tế và Ủy ban nhân dân TP.HCM, trong đó một nội dung quan trọng là nâng cao năng lực của mạng lưới phòng chống mù lòa bao gồm cả các bệnh viện mắt/ khoa mắt trong và ngoài công lập cũng như hệ thống y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, do hạn chế về cơ sở vật chất và tình trạng quá tải, Bệnh viện Mắt hiện chưa thể mở dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, khám chuyên gia cũng như đẩy mạnh du lịch y tế trong lĩnh vực nhãn khoa (dù đã được Sở Y tế công nhận là cơ sở được phép khám chữa bệnh cho người nước ngoài). Trong quý 2 năm 2024, bệnh viện sẽ nghiên cứu mở dịch vụ khám chuyên gia để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, về căn cơ, ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cấp đất xây dựng cơ sở 2, bệnh viện sẽ tích cực triển khai đầu tư và xây dựng một cơ sở mới khang trang, đồng bộ và hiện đại theo chuẩn chất lượng quốc tế để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân trong lĩnh vực nhãn khoa.
Theo kết quả tự đánh giá chất lượng bệnh viện quý 4 năm 2023, mức độ hài lòng của bệnh nhân nội trú và ngoại trú lần lượt là 4,5/5 và 4,4/5.
Giờ đây, nếu được hỏi thế mạnh của bệnh viện, ông sẽ nói về những điều gì?
Bệnh viện Mắt có hai điểm mạnh nổi trội mà nhiều bệnh viện khác khó thể sánh bằng. Thứ nhất, Bệnh viện Mắt có đội ngũ bác sĩ chuyên sâu tay nghề rất cao với gần như toàn bộ có trình độ sau đại học, trong đó trên 50% là tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa 2. Nhờ vào đó, bệnh viện đã có thể triển khai nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực nhãn khoa, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới.
Thứ hai, về tài chính, bệnh viện có nguồn thu rất ổn định, duy trì cán cân chênh lệch thu chi khá tốt, do đó bệnh viện có đủ tài lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên sâu, công nghệ thông tin… Hai yếu tố này là nền tảng vững chắc để bệnh viện có thể sớm quay lại đà phát triển vốn có.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm và cũng là nhu cầu chưa được đáp ứng của nhiều bệnh nhân, đó là ghép giác mạc. Việc xin ý kiến để thành lập ngân hàng giác mạc, hoặc chủ động tìm nguồn giác mạc cho bệnh nhân được bệnh viện tiến hành ra sao? Ông kỳ vọng thế nào về vấn đề này?
Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp có thể mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Mặc dù ở Việt Nam, kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc đạt trình độ tiên tiến. Tại Việt Nam, các bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện được các phẫu thuật ghép giác mạc phức tạp, nhưng do nguồn giác mạc khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế trong thời gian qua. Cho nên, khá nhiều người bệnh phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.
Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có hơn 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc nhưng mới có 936 người hiến giác mạc sau khi qua đời. Trong khi đó, theo ước tính Việt Nam hiện có hơn 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Trong 5 năm gần đây, chủ yếu giác mạc được hiến tặng được tiếp nhận và phẫu thuật tại Ngân hàng Giác mạc – Bệnh viện Mắt Trung Ương (Hà Nội).
Bệnh viện Mắt TP.HCM là tuyến chuyên môn kỹ thuật tuyến cuối của các tỉnh thành phía Nam. Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM được đào tạo trong nước, ngoài nước để có thể tiến hành các kỹ thuật ghép giác mạc: ghép giác mạc xuyên, ghép phiến trước, ghép lớp sâu, ghép nội mô giác mạc, ghép giác mạc nhân tạo… Từ năm 2012 đến 2023, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã ghép giác mạc được 357 trường hợp bằng kỹ thuật ghép giác mạc quang học, chủ yếu nguồn giác mạc được hiến tặng từ các Ngân hàng giác mạc tại nước ngoài (Mỹ, Nepal) chuyển về Việt Nam.
Riêng trong năm 2023, bệnh viện có hơn 5.000 trường hợp điều trị bệnh lý giác mạc tại Khoa Giác mạc, trong đó hơn 200 trường hợp phải phẫu thuật bỏ nhãn cầu, đa số là có thể bảo tồn nhãn cầu nếu có nguồn cung ứng mô giác mạc. Cho đến nay, danh sách người bệnh đăng ký ghép giác mạc là hơn 250 trường hợp.
Hiện bệnh viện đã có tiếp nhận đơn hiến giác mạc của người dân, tuy nhiên do chưa có Ngân hàng Giác mạc để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, điều phối mô giác mạc từ các Ngân hàng mô khác trong và ngoài nước. Cũng vì điều này, bệnh viện chưa được phép tiếp nhận, xử lý mô theo quy định. Riêng việc tiếp nhận và xử lý mô giác mạc hiến tặng có vài khác biệt so với việc tiếp nhận, xử lý ghép tạng (như gan, tim, thận…). Vì mô giác mạc chỉ có thể được lấy ở người hiến đã chết và có thể lấy sau khi người hiến mất 4-6 tiếng. Sau khi được xử lý, bảo quản, có thể lưu trữ để ghép cho người nhận trong vòng 2 tuần. Vì vậy, việc tiếp nhận, xử lý, bảo quản, điều phối sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn ghép tạng đặc.
Việc thiết lập Ngân hàng giác mạc tại TP.HCM là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Mắt đang phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xin phép thành lập đơn vị Ngân hàng Mắt hoạt động lồng ghép trong Ngân hàng Mô TP.HCM nhằm từng bước thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là phát triển thành Trung tâm chuyên khoa sâu về Nhãn khoa ở khu vực phía Nam.
Một câu hỏi hơi riêng tư, với khối công việc quá lớn phải giải quyết, mỗi ngày của ông, nếp làm việc và sinh hoạt cá nhân thường như thế nào? Ông sẽ nói gì khi nhắc đến gia đình, đồng nghiệp và lãnh đạo?
Đúng là có nhiều việc cần phải làm trong lộ trình xây dựng Bệnh viện Mắt trở thành trung tâm nhãn khoa có thể sánh ngang tầm với các cơ sở nhãn khoa của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng ủy – Ban Giám đốc Bệnh viện Mắt là không ôm đồm triển khai đồng loạt nhiều việc một lúc mà cần phải xác định ưu tiên để tập trung nguồn lực. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và cụ thể hóa các quy trình làm việc với sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cùng với tinh thần làm việc tích cực của Đảng ủy – Ban Giám đốc, các cán bộ chủ chốt và toàn thể nhân viên đã giúp gánh nặng công việc được san sẻ trên nhiều đôi vai và nhờ đó nếp làm việc và sinh hoạt cá nhân của tôi vẫn khá ổn định.
Có thể nói năm 2023 là một năm thành công của Bệnh viện Mắt và của bản thân tôi. Để đạt được thành quả trên tôi luôn trân trọng cảm ơn quý lãnh đạo đã luôn tận tình hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, cảm ơn quý đồng nghiệp đã luôn sát cánh cùng tôi vượt qua mọi thách thức và cảm ơn gia đình đã luôn là hậu phương vững chắc của tôi.
Trân trọng cảm ơn ông!