Giáo dục

Đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác thanh tra nội bộ trong bối cảnh tự chủ đại học

Công Chương 01/12/2023 - 14:04

Đi đôi với việc được trao quyền một các mạnh mẽ, công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng và là một khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của Thủ trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường.

hoi-thao-khoa-hoc-thanh-tra-noi-bo-1.jpg
Chủ tọa đoàn điều hành Hội thảo khoa học “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”.

Ngày 30/11, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, giảng viên, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học tham gia.

Khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng của thế giới và đang diễn ra một cách sâu rộng tại Việt Nam. Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30//12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có những quy định nhằm xác lập rõ ràng về điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ.

ts.-le-truong-son-hieu-truong-nha-truong-phat-bieu.jpg
TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Đứng trước những cơ hội của tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với không ít những thách thức của mặt trái về việc trao quyền tự chủ. Vì lẽ đó, đi đôi với việc được trao quyền một các mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng và là một khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của Thủ trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của Nhà trường.

“Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông và tự chủ đại học. Đặc biệt, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đã chính thức khẳng định sự tồn tại, địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ tại các đơn vị này” – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

ts.-nguyen-duc-cuong-chanh-thanh-tra-bo-giao-duc-va-dao-tao.jpg
TS. Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, đánh giá cao nỗ lực của Ban Tổ chức, Ban chuyên môn của Trường ĐH Luật TP.HCM trong công tác tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Nhà trường đã lựa chọn đúng vấn đề có độ nóng và cũng có thể coi là sáng kiến tổ chức hoạt động không chỉ là khoa học pháp lý mà còn là sáng kiến trong quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học đòi hỏi cao về trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Hội thảo được chia thành 2 phiên với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài trường chuyên nghiên cứu về pháp luật thanh tra, giáo dục, những người làm công tác thực tiễn từ các cơ quan Thanh tra Chính Phủ, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra một số tỉnh, thanh tra Sở, Quận và đặc biệt là các đại diện lãnh đạo Nhà trường và Phòng Thanh tra/Phòng Thanh tra – Pháp chế của nhiều cơ sở giáo dục đại học (công lập và tư thục) trong cả nước…

Đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác thanh tra nội bộ

Với tham luận “Tiếp cận chung về thanh tra, kiểm tra nội bộ và cơ sở pháp lý trong luật thanh tra 2022” của TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở giáo dục công lập nói riêng, về cơ bản chủ yếu thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Qua đó giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị. Các hoạt động thanh tra mang tính chuyên nghiệp hơn, cả về tổ chức chuyên trách, tính nghiệp vụ và tính chất, phạm vi của vụ việc cần thanh tra lớn, quan trọng, phức tạp.

ts.-tran-van-long-pho-vu-truong-vu-phap-che-thanh-tra-chinh-phu-trinh-bay.jpg
TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại sự kiện.

Trong tham luận, TS. Long tiến hành làm rõ những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cơ sở giáo dục công lập. Trên cơ sở các quy định này, có thể xác định cụ thể khuôn khổ pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung hay cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng, cụ thể như: Thành lập tổ chức thanh tra hoặc giao cho bộ phận, đơn vị hoặc bố trí người làm công tác thanh tra nội bộ; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ…

Với tham luận “Hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học và quy định pháp luật mới về thanh tra”, TS. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành - Thanh tra Bộ GD&ĐT, chỉ ra thực trạng hoạt động thanh tra hiện nay, chẳng hạn: Hoạt động thanh tra nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học, một số đơn vị đã quan tâm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; Việc thực hiện công tác thanh tra tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản; Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân chưa được quan tâm, thực hiện đầy đủ, cá biệt có những đơn vị chưa thực hiện theo quy định...

“Có 98 trong số đơn vị được khảo sát đã bố trí phòng tiếp công dân. Tuy nhiên các phòng làm việc chưa đảm bảo diện tích theo quy định, phòng tiếp công dân chưa được bố trí đầy đủ các phương tiện, thiết bị, nội quy theo quy định; các cuộc thanh tra do thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học tiến hành chưa thống nhất và chưa đảm bảo đầy đủ quy trình của một cuộc thanh tra, nhiều cuộc thanh tra chưa ban hành đầy đủ kết luận thanh tra theo quy định…” - TS. Nguyễn Thanh Tùng nêu trong tham luận.

toan-canh-hoi-thao-khoa-hoc-1.jpg
Các đại biểu dự hội thảo chụp hình lưu niệm với Ban tổ chức.

Trên cở sở các thực trạng đang tồn tại, hội thảo đã đề xuất một số giải pháp về công tác thanh tra nội bộ: đổi mới nội dung và hình thức hoạt động thanh tra nội bộ theo yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học; sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức thanh tra nội bộ; chế độ chính sách và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác thanh tra nội bộ trong bối cảnh tự chủ đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO