Công nghệ

Để thu hút nhà đầu tư, các sản phẩm Fintech cần có tính xuyên biên giới

Võ Liên 14/05/2025 - 16:21

Để tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, các sản phẩm công nghệ tài chính (Fintech) cần có tính xuyên biên giới, đồng thời đòi hỏi đội ngũ phát triển am hiểu về pháp lý và chủ động tham gia các chương trình thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Ngày 14/5, tại TP.HCM, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM tổ chức hội thảo "Từ rào cản đến cơ hội - Giải mã những thách thức trong công nghệ tài chính" (Fintech 2025).

Fintech thay đổi mạnh mẽ hành vi người dùng Việt

Thị trường Fintech Việt Nam được định giá khoảng 16,9 tỷ USD vào năm 2024 và được dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,20% trong giai đoạn 2025-2033. Giá trị giao dịch Fintech cũng được dự báo sẽ tăng từ 16,62 tỷ USD vào năm 2024 lên 41,76 tỷ USD vào năm 2029.

dong-sang-lap-momo.jpg
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo

Theo Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Fintech được xác định là lĩnh vực có tiềm năng đột phá mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột trong xây dựng hệ thống tài chính hiện đại.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo - cho rằng Fintech đã và đang thay đổi mạnh mẽ hành vi người dùng Việt. Trong đó, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã tăng từ 31% trong giai đoạn 2015-2017 lên hơn 87% vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 56.8% về khối lượng trong 11 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, giao dịch qua di động (mobile banking/payment) tăng trưởng trung bình 103,3% hàng năm về khối lượng trong giai đoạn 2021-2023. Thanh toán bằng mã QR code cũng tăng trưởng vượt 170% cả về khối lượng và giá trị.

"Fintech không chỉ là xu hướng công nghệ mà quan trọng hơn là một lực lượng có khả năng tạo ra những thay đổi và tác động tích cực sâu sắc trong xã hội", ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ.

Theo ông Diệp, một trong những tác động lớn nhất của Fintech là giải quyết bài toán lớn về phổ cập tài chính. MoMo cung cấp các công cụ hiệu quả giúp hơn 300.000 SMEs và hộ kinh doanh vượt qua các thách thức truyền thống như quản lý dòng tiền, tiếp cận khách hàng. Các giải pháp thanh toán linh hoạt như QR code trực tuyến, trực tiếp ngày càng phổ biến hơn.

Thiếu sandbox riêng cho Fintech

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, start-up đã thảo luận những thách thức, cơ hội trong thị trường Fintech.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Jack Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase - cho rằng TP.HCM có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn nhất nước nhưng thiếu sandbox riêng cho Fintech, chủ yếu phải "mượn hạ tầng ngân hàng".

hoi-thao-fintech.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Từ rào cản đến cơ hội - Giải mã những thách thức trong công nghệ tài chính”

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều chính sách, nghị định hỗ trợ Fintech như: Quyết định 455 về phê duyệt kế hoạch triển khai Regulatory Sandbox cho Fintech giai đoạn 2024–2025. Chuẩn bị mở cổng đăng ký thử nghiệm chính thức vào năm 2025 – Fintech có thể được thí điểm không cần giấy phép đầy đủ; Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi,...

Tuy nhiên, ông Jack Nguyễn cho rằng thực tiễn các chính sách áp dụng còn chậm. Sandbox vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị khung pháp lý, do đó start-up cần chuẩn bị sẵn sàng nhưng không nên kỳ vọng "vào được sandbox là thành công".

"Những rào cản thực tế của start-up Việt Nam, không hiểu hoặc né tránh pháp lý, nhiều start-up không chuẩn bị giấy tờ, không giao tiếp với cơ quan Nhà nước; thiếu tầm nhìn quốc tế hóa sản phẩm; mô hình không có khả năng sinh lời rõ ràng", ông Jack Nguyễn nói.

Theo ông Jack Nguyễn, để tiếp cận nhà đầu tư quốc tế, các sản phẩm Fintech đòi hỏi phải có tính xuyên biên giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ưa chuộng start-up có am hiểu về pháp lý và chủ động tham gia sandbox.

Ông Đàm Thanh Hiệp - CEO công ty cổ phần New World Fintech - cho biết nhà đầu tư hiện nay phải đối mặt với lượng dữ liệu ngày càng khổng lồ, tốc độ biến động thị trường nhanh chóng và sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về các công cụ phân tích, dự báo và tự động hóa giao dịch ngày càng trở nên cấp thiết.

Dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo hỗ trợ lãi suất lên đến 100%

UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Đến nay, TP.HCM đã thành lập 2 Tổ công tác liên ngành để xem xét, các dự án đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ lãi suất.

Ông Nguyễn Khắc Huy - Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Tài chính TP.HCM - cho biết Sở đã tiếp nhận và tham mưu UBND Thành phố phê duyệt 3 dự án tham gia chính sách hỗ trợ lãi suất với tổng mức đầu tư là 423,405 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 221,623 tỷ đồng.

Về điều kiện đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ lãi suất:

+ Đối tượng tham gia chính sách:các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập và có dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM.

+ Mức hỗ trợ lãi suất: 50% hoặc toàn bộ lãi suất (tuỳ theo các lĩnh vực), trong đó các dự án thuộc lĩnh vực chuyển đổi số và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc đối tượng hỗ trợ toàn bộ lãi suất.

+ Mức vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất: không quá 200 tỷ đồng.

+ Thời gian hỗ trợ: không quá 7 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thu hút nhà đầu tư, các sản phẩm Fintech cần có tính xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO