Đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM về thiết kế cảnh quan trước chợ Bến Thành đã được Chủ tịch UBND TPHCM thống nhất.
Công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành đang được dọn dẹp, trả lại mặt bằng
Theo đó, tượng Trần Nguyên Hãn và bệ tượng được phục hồi theo nguyên bản, bằng chất liệu bền vững hơn. Xung quanh tượng cũng sẽ bố trí thêm cây xanh có tán rộng tạo bóng mát, hình dáng đẹp phù hợp với không gian cảnh quan khu vực. Thiết kế chi tiết khu vực, vị trí tiểu đảo cũng như kinh phí đầu tư tiếp tục được hoàn thiện.
Cùng với việc đưa trở lại tượng Trần Nguyên Hãn, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu nghiên cứu đề xuất thêm phương án đặt tượng Quách Thị Trang về trước chợ Bến Thành.
UBND Quận 1 được giao làm chủ đầu tư thực hiện công tác cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và nút giao thông vòng xoay đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Công tác cải tạo dự kiến hoàn thành cùng thời điểm với việc khánh thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM được giao chủ trì hoàn thành việc tái lập phẳng tại khu vực quảng trường trước chợ Bến Thành trước 15/9/2022.
8 năm trước, để phục vụ dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến metro số 1, tượng Trần Nguyên Hãn được di dời về công viên Phú Lâm (Quận 6). Phía trước tượng Trần Nguyên Hãn là tượng bán thân Quách Thị Trang được dời về công viên Bách Tùng Diệp (đường Lý Tự Trọng, Quận 1).
Quang cảnh công trường Quách Thị Trang trước khi được tháo gỡ phục vụ công trình metro số 1. Ảnh minh họa
Khu vực trước chợ Bến Thành được xây dựng vào thời Pháp thuộc, có tên gọi là quảng trường Eugène Cuniac - tên người Pháp đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn.
Đến năm 1955, khu vực này được đổi tên thành quảng trường Diên Hồng. Năm 1964, chính quyền bấy giờ cho đặt tượng bán thân nữ sinh Quách Thị Trang, một liệt nữ hy sinh khi tham gia phong trào học sinh sinh viên. Một năm sau, tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên một bệ cao, rất uy nghi, được xây dựng và đặt tại đây.
Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975, được làm bằng xi măng. Tượng từng được trùng tu, phục chế 2 lần, chân phải từng bị rơi xuống đất vào năm 2013.