Khoa học

Cải thiện suy giảm nhận thức bằng ứng dụng BrainTrain

Ngọc Duy 06/09/2024 - 16:05

Đây là phương pháp đánh giá sự cải thiện nhận thức của bệnh nhân sau 1 tháng dùng ứng dụng BrainTrain.

Ứng dụng do nhóm sinh viên Khoa Kỹ thuật Y sinh và Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG-HCM) phối hợp với các bác sĩ Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 thực hiện, nhằm ngăn ngừa sa sút trí tuệ từ giai đoạn sớm của bệnh. Ứng dụng có thể được tải miễn phí trên CH Play và Apple Store.

1.jpg
ThS.BS Trần Thị Hoài Thu - Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân Y 175 đang kiểm tra bệnh nhân MCI.

Giải toán trong phòng khám

Không phải phòng khám Nha khoa, nhưng bệnh nhân vẫn được ThS.BS Trần Thị Hoài Thu - Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân Y 175, “kiểm tra miệng” bằng hàng loạt các câu hỏi toán học, nối số, ghi nhớ… Tình trạng của bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ được cải thiện đáng kể sau 1 tháng chơi game trên ứng dụng BrainTrain.

“Cô hãy cho con biết 10+9x5 bằng bao nhiêu? Cô hãy nối các số dưới đây từ bé đến lớn, cô đọc lại theo thứ tự các con số 5 9 10 4 6…”, các câu hỏi lần lượt được bác sĩ Hoài Thu đặt ra cho bệnh nhân.

Sau khoảng 15 phút “trả bài”, bác sĩ cho biết, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể so với tháng trước, kể từ khi bắt đầu chơi game trí tuệ trên ứng dụng BrainTrain. Các câu trả lời về lĩnh vực toán học, ghi nhớ, tập trung và nhớ lại các từ ngữ có tốc độ xử lý nhanh và chính xác hơn.

Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, ứng dụng BrainTrain cũng đã giúp cải thiện nhớ của hơn 50 bệnh nhân khác bị suy giảm nhận thức.

2.jpg
Sau 1 tháng chơi game trí tuệ trên ứng dụng BrainTrain, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể.

Theo bác sĩ Hoài Thu, suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) là tình trạng giảm trí nhớ hoặc các chức năng nhận thức khác (tính toán, ngôn ngữ, tập trung) ở giai đoạn sớm và chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động sống độc lập. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa suy giảm sinh lý bình thường ở người cao tuổi và sa sút trí tuệ.

Ở giai đoạn MCI này, cấu trúc não chưa thay đổi nhiều so với người bình thường và việc rèn luyện nhận thức có thể giúp họ phục hồi hoặc bảo toàn sự kết nối của các tế bào thần kinh. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, người bệnh sẽ tiến rất nhanh đến sa sút trí tuệ. Đây là giai đoạn không thể điều trị được nữa.

Nhưng hiện nay người bệnh MCI ít được quan tâm do các biểu hiện về trí nhớ như của tuổi già, nên không chú trọng can thiệp sớm. Ngoài ra, những buổi luyện tập rèn luyện nhận thức thường diễn ra tại các bệnh viện ở thành phố lớn, hầu như không có tại vùng nông thôn (trong khi tỉ lệ bị MCI ở nông thôn cũng rất cao).

Vì thế, nhóm đã suy nghĩ đến việc phát triển ứng dụng trên thiết bị di động chứa các hoạt động rèn luyện nhận thức, để người bệnh có thể tự rèn luyện tại nhà và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Bằng cách này, nhóm có thể tiếp cận đến số lượng lớn bệnh nhân ở thành phố, cũng như những người ở vùng xa. Hơn nữa, bệnh nhân MCI phần lớn là người lớn tuổi, ứng dụng này giải quyết được vấn đề khó khăn của họ khi di chuyển đến và đợi để khám tại các bệnh viện.

“Đây là một phương pháp chi phí thấp cho các khu vực có bối cảnh kinh tế xã hội đa dạng và mở rộng khả năng can thiệp nhận thức đến với các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa, giảm chi phí điều trị và giảm gánh nặng lên nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước”, bác sĩ Hoài Thu nói.

Không như các ứng dụng rèn luyện trí nhớ chung cho mọi đối tượng và chỉ sử dụng tiếng Anh, BrainTrain được thiết kế nội dung kỹ lượng bởi các nhà nghiên cứu thần kinh học, bác sĩ thần kinh lâm sàng dành riêng cho người bị MCI. Ứng dụng cũng được gửi đến các giáo sư đầu ngành thần kinh học ở nước ngoài có chuyên môn trong việc can thiệp nhận thức để đánh giá ý tưởng về nội dung.

Chơi game ‘rèn’ não bộ

Minh Thư - Học viên cao học Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế (thành viên trong nhóm) cho biết, ứng dụng tập trung vào 4 chức năng nhận thức, gồm trí nhớ, tập trung, ngôn ngữ và toán học. Trong các chức năng đều có những trò chơi cụ thể để chọn, như: Đó là hình nào, Bắt cặp, Nối từ, Tìm tổng… với độ khó tăng dần qua từng vòng chơi.

hinh-3-15.51.32.jpg
Ứng dụng BrainTrain có giao diện dễ sử dụng.

Từ những trò chơi này, ứng dụng có thể thu được độ chính xác, thời gian phản hồi và tổng thời gian chơi để so sánh nhận thức của bệnh nhân trước và sau khi dùng ứng dụng, cũng như làm tham số xây dựng mô hình dự đoán hiệu quả can thiệp.

Để thuận tiện cho người dùng, BrainTrain đã tối ưu hóa hướng dẫn trò chơi thông qua các video hướng dẫn ngắn hoặc hình ảnh mô tả thay cho chữ viết. Cũng như chia sẻ rõ ràng thông tin về ứng dụng, các chức năng nhận thức và nhóm nghiên cứu.

Ngoài ra, các trò chơi có mức độ khó tăng dần tùy thuộc vào hiệu suất luyện tập nhằm đảm bảo người bệnh luôn được thử thách ở mức độ tối đa. Đồng thời đặt ra một số mốc phần thưởng, bảng xếp hạng tổng để thúc đẩy bệnh nhân rèn luyện, thông qua các mục tiêu dài hạn mà họ phải phấn đấu để đạt được.

“Khi thấy các cô chú cải thiện trong mức độ nhận thức, nhóm mình càng có thêm động lực để phát triển ứng dụng thêm các câu hỏi và trò chơi mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài của họ”, Minh Thư cho biết thêm.

4.jpg
Các bác sĩ, sinh viên hướng dẫn bệnh nhân chơi game trên ứng dụng BrainTrain.

TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế (chủ nhiệm dự án) cho biết, một phần lớn những cô chú biết tới dự án và đến thăm khám tại bệnh viện để tham gia đề tài, trên thực tế lại là những người đã khá quan tâm tới sức khoẻ của bản thân. Có những cô chú là tiến sĩ ngành kinh tế, tâm lý có điểm số nhận thức gần như hoàn hảo, nên cũng không quá cần dùng tới BrainTrain.

Trong khi những cô chú rất cần dùng tới ứng dụng do tình trạng suy giảm nhận thức, đôi khi lại chưa biết tới để tham gia dự án. Các cô chú lớn đã quá lớn tuổi, không có điện thoại hoặc không quen dùng điện thoại thông minh.

Đồng quan điểm, bác sĩ Hoài Thu cho rằng, các bệnh nhân thường là người lớn tuổi nên việc sử dụng điện thoại thông minh là một hạn chế lớn, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa. “Không phải cô chú lớn tuổi nào cũng biết dùng hoặc có điện thoại thông minh. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ nhờ người thân tải ứng dụng cho bệnh nhân chơi. Còn nếu bệnh nhân ở một mình hoặc người thân cũng không dùng điện thoại thông minh thì đành sử dụng các phương pháp truyền thống, không thể dùng ứng dụng được”, bác sĩ Hoài Thu giải thích.

Khi nào nên đánh giá chức năng nhận thức?

Theo bác sĩ Hoài Thu, các cô chú từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý huyết áp, tiểu đường; những người có các biểu hiện như quên việc dự tính làm, nói đi nói lại một chuyện, quên chỗ cất đồ, cảm thấy suy nghĩ chậm chạp, khó diễn đạt hơn, thiếu tập trung hay tính tình thay đổi nên đi đánh giá chức năng nhận thức.

“Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ khám, đánh giá chức năng nhận thức bằng các bài kiểm tra chuyên biệt và đề nghị xét nghiệm cần thiết để giúp chẩn đoán và quản lý bệnh tốt hơn”, bác sĩ chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện suy giảm nhận thức bằng ứng dụng BrainTrain
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO