BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: 'Tri thức là điều kiện tiên quyết để thành công'

HỒNG DUNG| 13/04/2023 18:18

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - 1 trong 51 nữ trí thức tiêu biểu ngành Y vừa được tôn vinh. Nhiều năm giữ chức vụ quản lý, giảng dạy, điều trị…, bà đã có nhiều công trình nghiên cứu, mang lợi ích thiết thực trong cuộc sống và khi về hưu bà tiếp tục mang tri thức của mình cống hiến cho ngành y và cộng đồng, nhất là trong 3 năm phòng chống lại đại dịch Covid-19.

“Tôi chỉ mong góp một phần nhỏ bé, cùng chung vai vượt qua đại dịch”

Trong 3 năm dịch Covid - 19 (2019-2022), TS.BS. Diệp đã tham gia khoảng 60 chương trình, cung cấp kiến thức về dinh dưỡng sức khỏe về phòng chống dịch bệnh thông quá các phương tiện truyền thông đại chúng và một số trường đại học, cơ quan xí nghiệp. Bà cũng tham gia tư vấn cho người bệnh nhiễm Covid-19 thông qua tổng đài 1022 và trực tiếp cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ Diệp còn trực tiếp tham gia xây dựng chế độ ăn, biên soạn tài liệu tư vấn, giảng dạy trong các chương trình tập huấn của ngành y tế thành phố về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Covid-19, hậu Covid-19.

Vị nữ bác sĩ đến tận các cơ sở y tế để đề xuất và vận động, triển khai nhanh các giải pháp hỗ trợ nuôi dưỡng người bệnh, bổ sung dinh dưỡng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hướng dẫn các cơ sở cung cấp suất ăn chế biến, bảo quản và vận chuyển suất ăn cho lực lượng tuyến đầu và người bệnh, người cách ly đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng cơ bản và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà cũng tham gia vận động đóng góp trao tặng thực phẩm cho các bếp ăn phục vụ bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19; vận động hỗ trợ trao tặng thuốc, thực phẩm dinh dưỡng, thuốc bổ sung vi chất dinh dưỡng, vật tư y tế… cho 1 số cơ sở y tế với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. 

Bà còn được mời tham gia báo cáo trong Hội nghị quốc tế của ASEAN về phòng chống Covid-19 của ASEAN… Đóng góp rất nhiều cho công tác phòng chống dịch, nhưng BSCKII Diệp cho rằng: “Các đóng góp trên là rất nhỏ bé so với các đồng nghiệp, tôi chỉ mong góp một phần công sức để cùng nhau vượt qua đại dịch”.

TS.BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp (thứ 2, bên phải) tại Lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành y giai đoạn 2019-2022

Nhiều công trình nghiên cứu mang lợi ích thiết thực

Một trong những đề tài nghiên cứu khoa học của BSCKII Diệp và đồng nghiệp, đã mang lại lợi ích thiết thực trong cuộc sống, đầu tiên phải kể đến 2 đề tài "Bổ sung i-ốt vào hạt nêm, góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng" và “Cải thiện chiều cao cho người dân TP.HCM”.

BS. Diệp cho biết, xuất phát điểm của nghiên cứu là do tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng ở mức cao trong nhiều năm. Thói quen, người dân sử dụng chủ yếu là hạt nêm để chế biến món ăn, trong khi tỷ lệ gia đình sử dụng muối trong nấu ăn ngày càng giảm.

Tác hại của thiếu hụt i-ốt rất lớn: thiếu i-ốt ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động. Phụ nữ mang thai thiếu iốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh thiếu i-ốt sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và tử vong. Trẻ nhỏ thiếu iốt sẽ làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, hạn chế sự phát triển chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng, suy tuyến giáp, bướu cổ.

Trong bối cảnh cuộc sống công nghiệp hiện đại, việc sử dụng hạt nêm bổ sung i-ốt là một giải pháp giúp giảm thiểu gánh nặng chăm sóc gia đình cho phụ nữ vì vừa đơn giản dễ dàng trong chế biến món ăn vừa đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt cần thiết hàng ngày cho cả gia đình.

Theo nghiên cứu, chỉ cần sử dụng là 10g hạt nêm bổ sung i-ốt/ngày/người là đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt khuyến nghị về dinh dưỡng của Bộ Y tế và đồng thời giảm được tiêu thụ quá nhiều natri. Nghiên cứu đã được chuyển giao công nghệ, áp dụng thành công và góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng

Công trình nghiên cứu về tăng trưởng chiều cao cho người dân TP.HCM, là tiếp cận tổng thể với nhiều nghiên cứu từ thói quen ăn uống, vận động, thói quen tĩnh tại, mức đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về các chất dinh dưỡng. Đặc biệt là các chất dinh dưỡng có vai trò trong tăng trưởng chiều cao ở từng lớp tuổi; các khảo sát về mức độ cung cấp dinh dưỡng trong các bữa ăn học đường, các thực phẩm phổ biến và các chính sách liên quan để từ đó đề xuất các giải pháp can thiệp có ưu tiên và trên diện rộng.

“Hệ thống các thực đơn dinh dưỡng theo các lứa tuổi, các tài liệu hướng dẫn, các bộ thực đơn dinh dưỡng chuẩn, các chương trình đào tạo kiến thức, các tài liệu, phần mềm hỗ trợ theo dõi tăng trưởng được xây dựng và triển khai trong khuôn khổ kế hoạch Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, các chương trình mục tiêu về dinh dưỡng sức khỏe tại TP.HCM và nhiều chương trình xã hội hóa đã góp phần tăng nhanh chiều cao trung bình các lớp tuổi của trẻ em và thanh niên TP.HCM”, bà Diệp chia sẻ.

Yêu nghề và đam mê nghề!

Theo BSCKII Diệp, dinh dưỡng là một chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe và y học. Ngành dinh dưỡng mới được quan tâm phát triển thời gian gần đây tại nước ta nhưng kiến thức và vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe đã được nói đến từ hàng nghìn năm trước.

Kết quả điều trị dinh dưỡng đòi hỏi có thời gian can thiệp và phương tiện can thiệp phù hợp với từng cá thể, lực lượng cán bộ chuyên khoa dinh dưỡng còn rất mỏng từ cộng đồng đến bệnh viện nên đòi hỏi sự nỗ lực và chủ động của cán bộ dinh dưỡng rất nhiều.

“Để trở thành một cán bộ dinh dưỡng giỏi không dễ, chúng tôi cần nỗ lực hơn rất nhiều để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ dinh dưỡng giỏi và tâm huyết với nghề nghiệp. Tôi rất yêu nghề và đam mê với nghề nghiệp của mình. Nghề y là một nghề cao quí nhưng nhiều gian lao, có những tiêu chí nghề nghiệp rất khắt khe đòi hỏi người nhân viên y tế phải luôn bền bỉ, sáng tạo, biết trắc ẩn nhưng phải cứng rắn và khoa học trong tư duy hành động”, BS. Diệp nói

Tri thức là điều kiện tiên quyết để thành công

Trong cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra nhanh chóng hiện nay, vai trò phụ nữ càng quan trọng, họ đóng góp vào tiến trình làm giàu cho đất nước, cung cấp tri thức, phát triển tầm vóc sức khỏe cho các thế hệ và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc. Phụ nữ Việt Nam đã có những bước tiến vĩ đại trong bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Phụ nữ đã thể hiện vai trò trong hầu như các lĩnh vực lao động nghề nghiệp.

“Bản thân tôi được tiếp cận với nhiều tấm gương sáng về nhân cách và nghề nghiệp. Tôi hiểu rằng, tri thức là điều kiện tiên quyết để thành công.  Để có được thành công, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp tư duy tiếp cận theo tổng thể và làm chủ khoa học công nghệ. Cần dũng cảm nắm bắt cơ hội học tập để nâng cao trình độ. Bản thân phải luôn sáng tạo để vươn tới cái mới, nếu thiếu đi tính sáng tạo, sẽ rất dễ bị rơi vào những suy nghĩ hạn hẹp. Phải có bản lĩnh vượt qua những thất bại, trở ngại và khó khăn. Hãy học tập làm tri thức vì tri thức là điều kiện tiên quyết để thành công”, BSCKII. Diệp nhận định.

Vừa qua, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành y có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống Covid-19 trong 3 năm (2019-2022). Có 51 nữ trí thức ngành Y tế được tôn vinh, gồm: 1 Giáo sư, 15 Phó Giáo sư, 17 Tiến sỹ, 9 Thạc sỹ, 1 Điều dưỡng.

Các nữ trí thức tiêu biểu ngành y được tôn vinh lần này là kết quả của một quá trình bình chọn chặt chẽ từ cơ sở theo quy chế được thống nhất giữa Bộ Y tế, Công đoàn Y tế và Hội Nữ trí thức Việt Nam, được xét duyệt bởi một Hội đồng gồm các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín của ngành Y và Hội Nữ trí thức Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: 'Tri thức là điều kiện tiên quyết để thành công'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO