Khoa học

120 đề tài đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2025

Ngọc Duy 22/03/2025 - 06:04

Theo ban giám khảo, các đề tài đạt giải năm nay đều có hàm lượng khoa học cao, tính sáng tạo, mới mẻ, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Chiều 21/3, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ bế mạc Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS, THPT năm học 2024-2025.

z6429262698342_aa80d003a16ba1a23457af6d47298b3b.jpg
12 đề tài đạt giải nhất của Cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2025.

Theo đó, từ 212 dự án, thuộc 20 lĩnh vực đến từ 74 đơn vị trong số 62/63 tỉnh thành tham gia dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 120 đề tài để trao giải. Trong đó có 12 giải nhất, 36 giải nhì, 36 giải ba và 36 giải tư. Từ các đề tài đạt giải nhất, Bộ GD&ĐT sẽ chọn đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2025, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2025 tại Mỹ.

Riêng đoàn TP.HCM có 12 đề tài dự thi đều đạt giải. Trong đó có 1 giải nhất đến từ nhóm dự án ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ, của nhóm học sinh Nguyễn Đức Tấn, Hà Nhật Bảo, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ngoài ra còn có 3 giải nhì, 6 giải ba và 2 giải triển vọng.

z6429262654790_374e7537291a2e18df051b12a2b896fb.jpg
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban giám khảo chia sẻ tại sự kiện.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban giám khảo, các đề tài nghiên cứu năm nay đa dạng, phản ánh rõ nét sự sáng tạo và tinh thần ham học hỏi của học sinh. Các lĩnh vực được quan tâm bao gồm khoa học sức khỏe, công nghệ, kỹ thuật và khoa học xã hội.

Dưới sự cố vấn của các thầy cô hướng dẫn, các đề tài không chỉ có ý tưởng mới mẻ mà còn thể hiện cách tiếp cận khoa học, tư duy phản biện và sự kiên trì trong nghiên cứu. Ban Giám khảo đánh giá cao những nhóm học sinh đã tự tìm tòi, thử nghiệm và vượt qua thất bại để hoàn thiện đề tài.

z6429262661626_60ad03ab26bc29fd7c73815c1c75df6d.jpg
Năm nay, Cuộc thi chọn ra 120 đề tài để trao giải.

Đặc biệt, những đề tài đoạt giải đều có hàm lượng khoa học cao, tính sáng tạo, mới mẻ nhưng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cũng như có tính ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết trong khoa học, kỹ thuật và môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ quốc tế.

"Cuộc thi không chỉ là sân chơi khoa học mà còn mở ra cơ hội để học sinh phát triển ý tưởng, hoàn thiện nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, thậm chí vươn tầm quốc tế. "Quan trọng hơn, đây là hành trình giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng nghiên cứu khoa học bài bản và tinh thần làm việc nhóm, những yếu tố không thể thiếu trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo", GS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh.

z6429262683702_7f0d93a979406c0c42306a4ac4ce9862.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải nhất cho các thí sinh dự thi.

Phát biểu bế mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi nhận định, cuộc thi năm nay có quy mô lớn hơn về số lượng và chất lượng so với những năm trước. Số lượng dự án dự thi và đoạt giải đều cao hơn năm 2023 - 2024.

"Cuộc thi tiếp tục cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, giáo dục STEM trong các trường phổ thông đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Điều này phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Bộ", ông Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thông tin thêm, Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm sau sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

z6429262652615_5601dbf45c19a5ffd0ca63698dfb3974.jpg
Bên cạnh giải thưởng từ cuộc thi, các thí sinh đạt giải nhất còn nhận được học bổng từ Trường ĐH FPT, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Danh sách 12 đề tài đạt giải nhất tại cuộc thi:

1. Phát triển giải pháp hỗ trợ đánh giá sức khỏe sinh sản nam giới tại nhà (Nguyễn Mai Khuê, Phạm Quang Phúc An, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

2. Nghiên cứu tạo kháng thể trung hòa độc tố Botulinim Type A dựa trên công nghệ nanobody (Mai Tâm Trung, Đặng Trần Bảo Anh, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

3. Nghiên cứu tạo chủng Vibrio Natriegens có khả năng sinh tổng B-Nicotonamide Mononucleotide bằng kỹ thuật trao đổi chất (Trần Vũ Thảo Phương và Phạm Huy Tuấn Đạt, trường THPT Khoa học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

4. Hệ vi hạt chứa nano Zine oxide trong ứng dụng tự làm sạch và kháng khuẩn (Nguyễn Anh Thơ, Chu Đức Thịnh, trường THPT An Dương, Hải Phòng).

5. Vật liệu oxi hóa hiệu năng cao lithium vanadium oxide xử lý môi trường (Đỗ Hà Phương, Nguyễn Đức Thái, trường THPT Việt Đức, Hà Nội)

6. Mũ bảo hiểm tiện ích AT-05 (Nguyễn Lê Minh Khôi, Nguyễn Trịnh Bắc, trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh).

7. Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ (Nguyễn Đức Tấn, Hà Nhật Bảo, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM).

8. Talkie Vbot- Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ (Huỳnh Huy Hưng, Nguyễn Nhật Tuấn Kiệt, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng).

9. Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh (Vũ Ngọc Anh và Vũ Đình Đăng Hiển, trường THPT Nguyễn Siêu, Hưng Yên).

10. Xe lăn tự hành hỗ trợ người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên trong di chuyển và giao tiếp (Cao Trung Quân và Lê Minh Hiếu, trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị).

11. Xác định nhân tố ảnh hưởng và đề xuất bộ tiêu chí tự đánh giá lựa chọn ngành học bậc đại học phù hợp cho học sinh THPT ( Đỗ Mai Hồng Anh và Nguyễn Thị Linh Đan, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa).

12. Yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ bị thao túng tâm lý trong mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa của học sinh THPT tại Hà Nội (Nguyễn Vũ Hồng Phúc và Nguyễn Quốc Khánh, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
120 đề tài đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO