Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia lần thứ 13: Định hình ước mơ, tinh thần nhà khoa học
Những hoạt động này sẽ giúp học sinh hình thành ước mơ, khát vọng, tư duy đổi mới sáng tạo và tinh thần của nhà khoa học ngay từ bậc phổ thông
Chiều 19/3, cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2024-2025 chính thức khai mạc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM). Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện.
Định hình ước mơ, tinh thần nhà khoa học
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
.png)
Bên cạnh đó, cuộc thi còn mang nhiều điểm mới, tổ chức trong thời điểm Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này được ví như "Khoán 10" trong khoa học và công nghệ.
"Khi Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống, ngành giáo dục cần đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào trường học từ những hoạt động nhỏ bé nhất, từ những trí tưởng tượng đơn giản nhất nhưng có thể là táo bạo nhất. Những hoạt động này sẽ giúp học sinh, những công dân tương lai có thể hình thành ước mơ, khát vọng, tư duy đổi mới sáng tạo và tinh thần của nhà khoa học ngay từ bậc phổ thông", ông Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng bộ GD&ĐT, cuộc thi năm nay được tổ chức trên tinh thần kế thừa, vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, vừa khẩn trương triển khai Kết luận 91-KL/TW, trong đó nhấn mạnh việc phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh, sinh viên. Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cùng với việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, là những điểm đột phá trong đổi mới giáo dục trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của các Sở GD&ĐT trong việc tổ chức cuộc thi từ cấp trường, cấp cơ sở để tuyển chọn dự án và học sinh tham gia vòng thi cấp quốc gia. "Việc tổ chức cuộc thi ở cấp cơ sở hết sức quan trọng. Vấn đề không chỉ là học sinh đạt giải cao hay thấp, mà quan trọng hơn cả là tạo nên phong trào đổi mới, nghiên cứu khoa học, khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Chính từ phong trào này, chúng ta sẽ chọn ra những cá nhân, tập thể, những dự án và đề tài xuất sắc tham gia cuộc thi", ông nhấn mạnh.
212 dự án dự thi, với 22 lĩnh vực
Theo ban tổ chức, cuộc thi năm nay có 212 dự án dự thi. Trong đó có 23 dự án cá nhân, 189 dự án tập thể (190 dự án của học sinh cấp THPT và 22 dự án của học sinh cấp THCS). Có tổng số 401 học sinh thuộc 62/63 sở giáo dục và đào tạo, và 12 đơn vị thuộc các viện, đại học có các trường phổ thông tham gia.

Đặc biệt, đây là năm đầu tiên cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức theo quy chế mới (do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 10/4/2024). Theo đó, các đơn vị dự thi là sở giáo dục và đào tạo được đăng ký tối đa 3 dự án; riêng Hà Nội và TP.HCM được đăng ký tối đa 6 dự án.
Đối với các đơn vị dự thi là trường trực thuộc bộ, đại học, trường đại học, viện, học viện, được đăng ký tối đa 2 dự án. Đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng ký tối đa 6 dự án. Nếu đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoặc TP.HCM thì được đăng ký tối đa 12 dự án dự thi.
Từ kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học.
.png)
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, đây là lần thứ ba trong suốt 13 kỳ tổ chức, TP.HCM được Bộ GD&ĐT lựa chọn, tin tưởng giao nhiệm vụ này.
"Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực trong công tác tổ chức để cuộc thi được diễn ra hiệu quả, an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh TP.HCM đang rộn ràng chào đón Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sự có mặt của bạn bè khắp 62 tỉnh thành quy tụ về đây lại càng thêm ý nghĩa.
Nhân dịp này, chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu về con người, văn hóa và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, một thành phố hiện đại, nghĩa tình”, bà Thúy nói.
Được biết, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được Bộ GD&ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi này được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học.
Từ năm 2013 đến năm 2019, cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.
Từ năm 2020 đến năm 2024, cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với Hà Nội, TP.HCM và đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được tham dự 4 dự án).