Y học

Y học cổ truyền trong dòng chảy 50 năm sau Giải phóng miền Nam

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, ThS.BS.CKI.BSNT Nguyễn Thị Mộng Kha 01/05/2025 - 07:34

Trong dòng chảy 50 năm sau Giải phóng miền Nam - một nửa thế kỷ đầy biến động và phát triển, sự vận động không ngừng của xã hội, khoa học và tư duy, Y học cổ truyền - vốn bị gián đoạn trong thời chiến, đặc biệt ở miền Nam - đã từng bước phục hồi, hội nhập và đóng góp ngày càng rõ nét trong hệ thống y tế nước nhà.

bsckii-huynh-tan-vu.jpg
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ

Y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam là một hệ thống y học lâu đời của dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đây còn là di sản văn hóa đặc sắc, một phương pháp chữa bệnh mang triết lý Đông phương sâu sắc: Điều hòa âm dương, lấy con người làm trung tâm, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phát triển nền YHCT là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy gìn giữ và phát triển một bộ phận di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam.

Cùng nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của YHCT sau ngày thống nhất đất nước, để minh chứng cho khả năng thích nghi, hội nhập và đổi mới trên nền tảng giá trị truyền thống. Đây là một hành trình dài nỗ lực bảo tồn và phát triển YHCT, từng bước vươn lên, hòa nhịp cùng cả nước trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời đại khoa học công nghệ và toàn cầu hóa.

Giai đoạn đầu sau giải phóng (1975 - 1985)

Sau ngày thống nhất đất nước, miền Nam bước vào thời kỳ khôi phục sau chiến tranh với muôn vàn khó khăn: Cơ sở y tế bị tàn phá, thiếu thốn về nhân lực và vật lực, tỷ lệ bệnh tật cao... Trong bối cảnh đó, YHCT đã đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Các phương pháp như châm cứu, xoa bóp - bấm huyệt, dùng thuốc YHCT... được người dân tin tưởng, dễ tiếp cận và mang lại hiệu quả trong nhiều bệnh lý thông thường.

Sau 1975, Đảng và Nhà nước đã triển khai chủ trương thống nhất hệ thống tổ chức y tế toàn quốc, trong đó YHCT là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu.

Nền Đông y Việt Nam được đổi tên là Y học dân tộc Việt Nam và cũng nhanh chóng phát triển tại miền Nam; thành lập Viện Y học dân tộc, tỉnh hội Y học dân tộc. Viện Y học dân tộc TP.HCM thành lập năm 1976, viện trưởng thời đó là Giáo sư lương y Lê Minh Xuân.

Bộ môn Y học dân tộc cũng được thành lập trong các trường Đại học, trung học y tế. Bộ môn Y học dân tộc Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành lập năm 1976. Bộ môn Y học dân tộc Trường ĐH Cần Thơ thành lập năm 1985.

Các trường đào tạo YHCT ở miền Bắc như Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam... bắt đầu tiếp nhận học viên từ các tỉnh phía Nam để đào tạo chuyên sâu.

Nhiều bài thuốc, phương pháp trị liệu quý trong dân gian miền Nam được ghi chép, sưu tầm lại.

Theo Báo cáo tổng kết ngành Y tế năm 1985 (Bộ Y tế):

- Đến năm 1985, hơn 25.000 vườn thuốc nam được xây dựng và đưa vào sử dụng tại khu vực phía Nam.

- Đến cuối năm 1985, có khoảng 35/44 tỉnh thành trên toàn quốc (trong đó phần lớn là các tỉnh phía Nam) đã xây dựng được phòng chẩn trị YHCT thuộc các bệnh viện đa khoa.

- Hơn 65% trạm y tế cấp xã ở vùng nông thôn miền Nam áp dụng phương pháp điều trị bằng YHCT trong khám chữa bệnh.

dao-tao-nhan-luc-y-hoc-co-truyen.jpg
Đào tạo nguồn nhân lực cổ truyền.

Trong điều kiện miền Nam còn thiếu nhân lực chuyên sâu về YHCT, nhiều y bác sĩ từ miền Bắc đã được cử vào hỗ trợ chuyên môn và đào tạo nhân lực YHCT như GS. Đỗ Tất Lợi, GS. Nguyễn Tài Thu. Đồng thời, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về YHCT được tổ chức cho cán bộ y tế địa phương. Năm 1978, lần đầu tiên tổ chức lớp đào tạo châm cứu cho 300 cán bộ y tế tuyến cơ sở tại miền Nam (theo tài liệu lưu trữ của Hội Châm cứu Việt Nam).

Kết nối các trường phái Đông y giữa ba miền, từng bước hình thành hệ thống lý luận, thực hành thống nhất, với những công trình tiêu biểu. Có thể kể đến sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi (xuất bản năm 1973, tái bản nhiều lần đến năm 1985) trở thành giáo trình chính cho các lớp đào tạo YHCT tại miền Nam. Các địa phương như Tây Ninh, An Giang, Bến Tre... tổ chức sưu tầm bài thuốc dân gian của đồng bào Khmer, Chăm, Hoa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng YHCT miền Nam.

Trong thời kỳ này, nền YHCT Việt Nam, cụ thể là châm cứu Việt Nam, được các thầy thuốc Việt Nam phát triển và giới thiệu ra nước ngoài. Vì vậy nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, các nước Đông Âu, nhiều nước ở châu Phi biết đến châm cứu Việt Nam. Nhiều nước đã mời các thầy châm cứu Việt Nam sang nước họ giảng dạy và điều trị bệnh bằng châm cứu, trong đó người có đóng góp nhiều là Giáo sư Nguyễn Tài Thu. Năm 1982, Viện châm cứu Việt Nam được thành lập.

YHCT trong thời kỳ đổi mới và phát triển (1986 - 2000)

Đây là thời kỳ đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của YHCT Việt Nam, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, YHCT đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, duy trì vai trò truyền thống và cùng hòa nhập với các thành tựu khoa học hiện đại, từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống y tế quốc gia.

Khuyến khích phát triển và đầu tư YHCT

Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã thông qua Chính sách Đổi mới toàn diện nền kinh tế và xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế. Chính sách mới đã khuyến khích sự phát triển và đầu tư vào YHCT, với mục tiêu giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống và đồng thời kết hợp các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại.

Năm 1989, Bộ Y tế chính thức thành lập Cục Y học cổ truyền, nhằm tập trung phát triển và tổ chức lại YHCT trong hệ thống y tế quốc gia. Đến năm 1995, hơn 70% bệnh viện đa khoa tại các tỉnh thành đã có các khoa YHCT với đội ngũ bác sĩ được đào tạo chính quy và bài bản.

Nhiều bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh đã được thành lập tại miền Nam như ở Đồng Nai (1991), Tiền Giang (1993), Trà Vinh (1998)…; hình thành các khoa YHCT tại các bệnh viện đa khoa, góp phần lan tỏa mô hình điều trị kết hợp Đông – Tây y.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế (2000), đến cuối năm 2000, cả nước đã có khoảng 2.000 cơ sở y tế sử dụng phương pháp YHCT, trong đó bao gồm các bệnh viện, trung tâm, phòng khám và các trạm y tế xã.

y-hoc-co-truyen.jpg
Khám bệnh bằng y học cổ truyền.

Phát triển đội ngũ chuyên gia và đào tạo YHCT

Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y Dược TP.HCM mở rộng các chuyên ngành đào tạo YHCT, đào tạo hàng nghìn y bác sĩ YHCT. Các trường Đại học Y Dược TP.HCM, Cần Thơ… mở thêm khoa Y học cổ truyền hoặc các bộ môn chuyên sâu. Hệ thống đào tạo trung cấp, cao đẳng, liên thông được mở rộng, thu hút hàng ngàn sinh viên theo học. Theo báo cáo của Trường Đại học Y Dược TP.HCM (2000), chỉ riêng trong năm 2000, trường đã đào tạo hơn 500 bác sĩ YHCT và cấp hơn 1.000 chứng chỉ cho các cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế xã, bệnh viện.

Sự kết hợp giữa YHCT và Y học hiện đại (YHHĐ)

Đã giúp nâng cao hiệu quả điều trị và thu hút sự quan tâm của người dân, đã được triển khai tại các bệnh viện lớn. Cụ thể, Bệnh viện YHCT Trung ương (Hà Nội) thực hiện kết hợp châm cứu với YHHĐ trong điều trị các bệnh lý mạn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, tăng huyết áp. Bệnh viện Quân y 175 tại TP.HCM thực hiện mô hình điều trị tích hợp giữa YHCT và YHHĐ trong việc điều trị các bệnh lý về thần kinh, tim mạch.

Theo Báo cáo tổng kết ngành Y tế năm 2000, số lượt bệnh nhân điều trị bằng YHCT kết hợp với YHHĐ tăng mạnh, đạt tới gần 4 triệu lượt khám chữa bệnh/năm vào năm 2000, trong đó hơn 30% bệnh nhân sử dụng dịch vụ kết hợp YHCT và YHHĐ.

Phát triển dược liệu và sản phẩm YHCT

Các khu vực trồng cây dược liệu ở miền núi, Tây Nguyên, và các vùng Đồng bằng sông Cửu Long được khôi phục và phát triển. Các sản phẩm thuốc YHCT bắt đầu được sản xuất quy mô công nghiệp:

Nhiều công ty dược như Dược phẩm Trung ương 1, Dược phẩm Hà Tây, Dược phẩm Cửu Long đã phát triển các sản phẩm thuốc YHCT có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường.

Theo Báo cáo tổng kết ngành Y tế 2000, số lượng thuốc YHCT sản xuất trong nước chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm thuốc tiêu thụ tại Việt Nam, với gần 500 loại thuốc đã được cấp phép lưu hành.

Y học cổ truyền thời kỳ hội nhập và phát triển sâu rộng (2001 - 2025):

Bước sang thế kỷ 21, YHCT Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công cuộc hội nhập quốc tế, hiện đại hóa hệ thống y tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. YHCT không chỉ được củng cố về tổ chức, đào tạo và nghiên cứu mà còn dần khẳng định vai trò trong mô hình y tế tích hợp, hướng đến phát triển bền vững và toàn diện.

Đẩy mạnh phát triển YHCT trong chăm sóc sức khỏe toàn dân

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định, văn bản hướng dẫn để đẩy mạnh phát triển YHCT trong chăm sóc sức khỏe. Năm 2003, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt QĐ 222/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt chính sách quốc gia về Y dược cổ truyền đến năm 2010, đây là văn bản có tính định hướng phát triển tổng thể nền Y dược cổ truyền Việt Nam.

Ngày 31/11/2010, Thủ tướng chính phủ ký quyết định 2166/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết 20-NG/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Ngày 25/12/2019, Thủ tướng chính phủ đã kí ban hành quyết định 1893/QĐ-TTG về Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp YHCT với Y dược hiện đại đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030: 15% Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng được đầu tư trang thiết bị bào chế, sản xuất các dạng bào chế hiện đại thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chững bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả; 100% bác sĩ YHCT được đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về YHHĐ; xây dựng, chuẩn hóa tài liệu đào tạo, tài liệu chuyên môn về kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại dùng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh, số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có lồng ghép giữa y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Luật Khám chữa bệnh năm 2009 và sửa đổi năm 2023, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò của YHCT và YHCT kết hợp với YHHĐ.

Theo Bộ Y tế, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển YHCT Việt Nam đến 2020:

  • 100% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa YHCT.
  • 92% trạm y tế xã áp dụng phương pháp YHCT trong điều trị (so với chỉ 65% năm 1985).
  • Số lượt khám chữa bệnh bằng YHCT năm 2020 đạt hơn 16 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với năm 2000.
tap-huan-dong-y.jpg
Tập huấn kỹ năng khám chữa bệnh bằng đông y

Chuẩn hóa đào tạo YHCT ở bậc đại học và sau đại học

Các trường y lớn trong cả nước đều có khoa hoặc bộ môn YHCT. Các chương trình đào tạo được cải tiến, lồng ghép tri thức YHCT với thành tựu y học hiện đại, nghiên cứu khoa học.

Tính đến năm 2023, cả nước có 5 trường đại học đào tạo bác sĩ YHCT chính quy, hơn 20 trường trung cấp và cao đẳng đào tạo YHCT. Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam được nâng cấp thành trung tâm hàng đầu đào tạo, nghiên cứu và điều trị YHCT toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, từ 2001 đến 2022, có hơn 15.000 bác sĩ YHCT được đào tạo, cùng hàng chục nghìn cán bộ y tế tuyến xã được tập huấn kỹ thuật YHCT cơ bản.

Mở rộng kết hợp giữa YHCT và YHHĐ

Sự kết hợp giữa YHCT và YHHĐ tiếp tục được mở rộng, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Các bệnh viện YHCT tuyến trung ương và tỉnh đều áp dụng mô hình điều trị "kết hợp Đông - Tây y", đặc biệt trong các bệnh lý mạn tính như: Đái tháo đường, thoái hóa khớp, di chứng tai biến mạch máu não…

Năm 2020, Việt Nam công bố 20 phác đồ điều trị bệnh bằng YHCT có bằng chứng lâm sàng rõ ràng, bao gồm điều trị liệt nửa người, đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống cổ, rối loạn tiền đình…

Phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp dược liệu

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong giai đoạn 2001 - 2025 là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dược liệu và sản xuất thuốc cổ truyền. Việt Nam đã hình thành một số vùng chuyên canh dược liệu lớn tại Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Nam, Kon Tum… với hơn 80.000 ha đất trồng dược liệu (năm 2023). Hơn 1.200 sản phẩm thuốc YHCT đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong nước như Traphaco, Dược Hậu Giang... đã đầu tư bài bản vào sản xuất thuốc YHCT đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.

Việt Nam ngày càng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực YHCT như tham gia Hiệp hội Y học Cổ truyền ASEAN, hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ hợp tác về Y dược cổ truyền với hơn 40 nước.

Nhiều công trình nghiên cứu của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế về y học cổ truyền và y học tích hợp. Tại TP.HCM, tổng số đề tài nghiên cứu khoa học trong 5 năm (2019 - 2024) là hơn 322 đề tài, trong đó bệnh viện tuyến thành phố thực hiện 285 đề tài và bệnh viện tuyến quận, huyện thực hiện 37 đề tài. Số bài báo được đăng tải trên tạp chí trong nước là 51 và 10 bài báo quốc tế. Khoa Y học cổ truyền của Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã làm khá nhiều công trình nghiên cứu, thống kê 296 bài báo trong nước và 141 bài báo quốc tế. Về lĩnh vực công bố quốc tế, thuốc chiếm 41% và châm cứu 38%.

bs-huynh-tan-vu-huong-dan-bac-si-tre-thuc-hanh-giac-hoi-trong-yhct.jpg
BS Huỳnh Tấn Vũ hướng dẫn bác sĩ trẻ thực hành giác hơi trong y học cổ truyền.

Năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có hệ thống YHCT phát triển nhất châu Á, với mô hình điều trị kết hợp Đông – Tây y tiêu biểu.

Sau 50 năm xây dựng và phát triển sau ngày thống nhất đất nước, YHCT Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn. YHCT Việt Nam đang từng bước hội nhập với YHHĐ để khẳng định mình trong hệ thống y tế của một Việt Nam đang phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng khám chữa bệnh, YHCT cũng đối mặt với nhiều thách thức mới, song song với những cơ hội tiềm năng nếu được định hướng đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y học cổ truyền trong dòng chảy 50 năm sau Giải phóng miền Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO