Ứng dụng IoT trong nuôi trồng thủy sản

VĂN TÁM| 04/07/2021 13:20

KHPTO - Hiện nay, việc sử dụng các thiết bị thông minh để điều khiển từ xa các hệ thống phun tưới, châm phân, bơm và lọc nước không còn quá xa vời với nhiều hộ nông dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bởi lẽ Internet of Things (IoT) nói chung và công nghệ 4.0 đang từng bước đi vào đời sống sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tại TP.HCM, từ nhiều năm nay, ở thôn Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào nuôi tôm đã được triển khai.

Đây là giải pháp do Phòng Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn (Cenintec) chế tạo, và chuyển giao sử dụng.

Với sự trợ giúp của các giải pháp công nghệ trên nền tảng điện toán đám mây và kết nối vạn vật IoT, người nông dân nuôi có thể chủ động điều chỉnh hoạt động của các hệ thống sục khí, cũng như theo dõi ở chế độ thời gian thực đối các chỉ tiêu về chất lượng nguồn nước được thông qua trên điện thoại thông minh (smartphone).

Một hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước trên nền tảng IoT phục vụ nuôi tôm.Một hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước trên nền tảng IoT phục vụ nuôi tôm.

Về cơ bản, tại mỗi vuông nuôi tôm, mô hình này sử dụng 3 đầu dò cảm biến (sensor) nhiệt độ nước, độ pH và nồng độ oxy trong nước.

Nhờ vậy, khi có bất kỳ sự thay đổi nào về giá trị của ba thông số nói trên, thì các cảm biến sẽ ghi lại dữ liệu và lập tức truyền về các trạm đo thông tin gần đó qua kết nối không dây, rồi dự liệu tiếp tục được gửi về máy chủ thông qua mạng Internet để các chuyên gia tư vấn, cũng như thông báo tức thời đến những người đang trực tiếp vận hành vuông tôm.

Trong một số tình huống cần thiết, với dữ liệu nhận được từ hệ thống, người nông dân có thể đến trực tiếp vuông tôm để xem xét, trước khi đưa ra các quyết định xử lý cần thiết. 

Nhiều lựa chọn giải pháp

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Khoa Học Phổ Thông, các hộ nuôi trồng thủy sản tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hiện sử dụng đa dạng giải pháp này để phục vụ cho việc quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản.

Chẳng hạn, Công ty Eplusi đã nghiên cứu và sản xuất ra thiết bị giám sát chất lượng nước ao nuôi có tên gọi là E-Sensor Aqua, giúp người nuôi có thể giám sát nước ao 24/24 qua điện thoại thông minh. Hệ thống sẽ cảnh báo tức thời diễn biến xấu của môi trường nước ao nuôi qua tin nhắn SMS, giúp người nuôi có những giải pháp xử lý kịp thời để giảm rủi ro, tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.

Hay như Công ty Ngũ Phương cung cấp giải pháp aQuaVision. Đây là hệ thống quan trắc môi trường tự động, ứng dụng IoT có độ chính xác và độ bền cao, chi phí vận hành và bảo trì thấp, đơn giản trong lắp đặt, kết nối,... giúp các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi giám sát và điều khiển môi trường nước một cách dễ dàng và liên tục các thông số của môi trường nước như độ pH, độ mặn, nồng độ oxy hóa (DO), nồng độ oxy hóa khử (ORP) hay nồng độ khí amoni (NH4/NH3).

Giải pháp AquaVision cung cấp nhiều chức năng hỗ trợ đắc lực cho người nuôi tôm.Giải pháp AquaVision cung cấp nhiều tính năng hỗ trợ đắc lực cho người nuôi tôm.


Ôn Dương Hữu Hoàng - giám đốc Công ty Ngũ Phương, cho biết: hệ thống tự động có tủ quan trắc với các đầu đo lắp dưới nước, các thông số đo được sẽ cập nhật liên tục và truyền tín hiệu qua Internet đến điện thoại di động hoặc máy tính của người giám sát. Hệ thống cũng được kết nối không dây với các hệ thống điều khiển máy bơm, quạt nước, máy thổi oxy,… cho phép phát cảnh báo trên điện thoại và kích hoạt các thiết bị xử lý tương ứng, theo cài đặt của người dùng khi phát sinh sự cố (các thông số thấp hoặc cao hơn ngưỡng cho phép).

Nhìn trung, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện nay nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi tôm đã ứng dụng IoT trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng, giúp ngành này tạo ra bước đột phá, từ sản xuất định tính sang sản xuất chính xác dựa vào những số liệu thu thập, tổng hợp và phân tích thống kê.

Hay nói cách khác, từ việc phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thì hiện nay người nuôi trồng thủy sản đã có thể chủ động điều chỉnh các thông số (độ pH, độ mặn, nhiệt độ ao nuôi…) để đạt được hiệu quả như mong muốn. Những hệ thống thiết bị cảm biến, đo đạc sẽ được kết nối với nhau, tích hợp trên nền tảng công nghệ để theo dõi, thu thập dữ liệu, kết nối với hạ tầng đám mây để truy xuất dữ liệu, phân tích đưa ra quyết định tối ưu hóa lượng nước, lượng thức ăn, tự động hóa các hoạt động theo dõi sức khỏe tôm hàng ngày và cung cấp giải pháp theo dõi thời gian thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng IoT trong nuôi trồng thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO