TP.HCM tăng cường kiểm định chất lượng các trường đào tạo nghề
Chiều 15/10, đoàn giám sát HĐND TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành kèm Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ký kết thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông giai đoạn 2023 - 2025.
Hai Sở đã tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở ngay từ lớp 8 nhằm giúp cho học sinh có thể phân biệt, xác định sở trường, sở thích của bản thân để hướng đến nghề nghiệp trong tương lai.
Tổ chức các ngày Hội tuyển sinh, hướng nghiệp dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thành phố...
Nổi bật là ngày Hội Open day cho giáo viên chủ nhiệm và học sinh trung học cơ sở trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu thực tế cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học. Đồng thời, thông tin về các cơ hội việc làm ở từng ngành nghề cũng như tổ chức các hoạt động trắc nghiệm tâm lý, sở trường để giúp cho học sinh xác định chính xác năng lực bản thân, dễ dàng lựa chọn hướng đi thích hợp sau khi tốt nghiệp bậc trung học.
Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. Kết quả này đã dự báo nhiều thách thức lớn trong việc thực hiện Đề án, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp.
Tại buổi làm việc, ông Tăng Hữu Phong - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị UBND Thành phố đánh giá chất lượng của các trường nghề công lập so với các trường ngoài công lập, cũng như các giải pháp phát huy cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề do nhà nước đầu tư, quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, công tác đào tạo nghề trên địa bàn được UBND Thành phố quan tâm trong thời gian qua.
Dù vậy, sự cạnh tranh giữa các trường nghề công lập so với ngoài công lập là rất lớn và có sự chênh lệch. Để nâng cao chất lượng các trường, UBND TP.HCM cần dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cho giảng dạy.
Cũng như triển khai các đề án nâng cao nguồn lực giáo viên, tăng cường thông tin tuyên truyền đến phụ huynh học sinh... Đào tạo nghề, xây dựng TP.HCM thành nơi thu hút học sinh sinh viên đến học nghề, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các đại biểu cũng đưa ra các góp ý để nâng cao chất lượng trường nghề, như: đưa trường nghề vào danh sách nguyện vọng xét tuyển cho học sinh lớp 9 bên cạnh các trường THPT; đánh giá chi tiết, xếp hạng các trường đào tạo nghề tại Thành phố; tăng cường công tác kiểm định...
Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trong thời gian qua.
Các chỉ tiêu về lao động và việc làm, về công tác an toàn vệ sinh lao động, giảm nghèo bền vững tại Thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM đề ra.
Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề nghị UBND Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Quan tâm hơn đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài có uy tín trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập.