TP.HCM nỗ lực tiên phong xây dựng y tế thông minh
Trong lĩnh vực y tế, TP.HCM với những nỗ lực tiên phong đã và đang thực hiện nhiều giải pháp công nghệ nhằm xây dựng hệ thống y tế thông minh.
Ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị
Tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, hệ thống máy X-quang kỹ thuật số tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh cho người dân đã được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2022 đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhờ ứng dụng AI và hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh chuyên biệt, sau khi chụp, máy có thể phát hiện đến 95 trường hợp bất thường. Đồng thời, máy sẽ truyền tải hình ảnh và kết quả đến các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh của các bệnh viện tuyến cuối khi bác sĩ trạm y tế cần tư vấn.

Theo BS Luân Thanh Trường - Trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An, việc ứng dụng AI trong chẩn đoán X-quang phổi đã giúp giảm số lượng bệnh nhân có bệnh lý đường hô hấp, lớn tuổi tại xã đảo Thạnh An phải chuyển lên tuyến trên. Đồng thời, lượng người dân đến khám tại trạm y tế cũng tăng lên. Cụ thể, trước khi có máy, hàng tháng có khoảng 400 bệnh nhân đến khám, từ khi có máy là gần 500 bệnh nhân.
Cũng theo BS Trường, trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp có triệu chứng lâm sàng ổn định, họ sẽ được kiểm tra bằng phim tại trạm y tế. Kết quả phim được phân tích bằng AI, nếu cho thấy tình trạng phổi cải thiện tốt, trạm sẽ tổ chức hội chẩn từ xa với bác sĩ tuyến trên. Nếu bác sĩ đánh giá không cần thay đổi phác đồ, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị tại chỗ mà không phải lên tuyến cuối, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và thuận tiện hơn cho người bệnh.
Qua hai năm triển khai, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá kết quả rất khả quan, các chuyên gia y tế nhận định việc cung cấp dịch vụ X-quang có hỗ trợ của AI cải thiện sự hài lòng của người bệnh, giảm chi phí liên quan đến dịch vụ X-quang ngực và tăng số người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, AI được ứng dụng trong xạ trị ung thư, giúp tự động hóa nhiều quy trình trong xạ trị, giảm thời gian lập kế hoạch xạ trị. Cho đến nay, bệnh viện đã ứng dụng thành công phần mềm Raysearch tích hợp AI để lập kế hoạch xạ trị cho khoảng 60 ca bệnh ung thư đầu cổ.
Theo TS.BS Lâm Đức Hoàng - Trưởng Khoa Xạ trị Đầu cổ, Tai mũi họng, Hàm mặt - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, với phần mềm Raysearch, quá trình xác định thể tích cơ quan lành được thực hiện trong vòng 2 - 3 phút, rút ngắn rất nhiều so với thời gian kéo dài 2 - 4 giờ như trước đây. Khi kiểm tra lại, hầu hết AI vẽ có sự tương đồng cao với bác sĩ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bệnh nhân, rút ngắn thời gian chờ đợi lập kế hoạch xạ trị từ 5-10 ngày giảm xuống còn 2-3 ngày.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM dự kiến sẽ sử dụng AI cho việc lập kế hoạch xạ trị ung thư ở các vị trí khác nhau.
Ngoài ra, tại TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương đã ứng dụng AI trong sàng lọc ung thư cổ tử cung (CerviCare AI). Bệnh viện Mắt tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo (EyeDr). Trong khi đó, bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ,…
Đáng chú ý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong siêu âm tim và trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam tiến hành triển khai phương pháp này, với AI sẽ chẩn đoán bổ sung được 20% số ca suy tim phân suất tống máu bảo tồn từng bị bỏ sót.
Hệ thống bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP.HCM cũng đóng góp nhiều ứng dụng kỹ thuật tiên tiến có tích hợp AI như: Bệnh viện Tâm Anh với phẫu thuật robot AI trong mổ não và tuỷ sống, nội soi tiêu hóa có AI giúp phát hiện ung thư, bất thường đường tiêu hóa giai đoạn sớm; Bệnh viện Gia An ứng dụng AI trong điều trị đột quỵ…
Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong y tế
Theo Sở Y tế TP.HCM, dù đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, TP.HCM vẫn đối mặt với một số thách thức trong quá trình xây dựng y tế thông minh. Hạ tầng công nghệ cần được đầu tư nâng cấp để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và bảo mật dữ liệu. Nhân lực y tế cần được đào tạo chuyên sâu để có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ mới. Chính sách và cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cũng cần hoàn thiện để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong y tế.

Đánh giá về xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, PGS. TS Quản Thành Thơ - Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM) - cho rằng AI có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc chẩn đoán, điều trị và dự đoán bệnh. Ở Việt Nam, các bệnh viện và phòng khám đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu cách áp dụng AI để phân tích hình ảnh y khoa, quản lý hồ sơ bệnh nhân và theo dõi các chỉ số sức khỏe. Điều này giúp cải thiện chất lượng điều trị, tiết kiệm thời gian và giảm tải công việc cho các bác sĩ.
Cũng theo PGS.TS Quản Thành Thơ, thách thức chính là các tổ chức y tế, bệnh viện tại Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên sâu để có thể quy hoạch việc ứng dụng AI vào công việc. Tuy nhiên, các bệnh viện không nhất thiết phải đầu tư vào nghiên cứu công nghệ AI mà chỉ cần có khả năng sử dụng tốt các công cụ đã được thiết kế sẵn.