Việc ưu tiên cho nhà mặt tiền thuê vỉa hè để sử dụng nhằm mục địch tránh tình trạng lấn chiếm, xung đột lợi ích giữa người nơi khác đến thuê và người dân đang ở.
Ngày 19/9, HĐND TP.HCM chính thức thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ ngày 1/1/2024.
Trong chia sẻ mới đây, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, UBND TP.HCM sẽ sớm ban hành kế hoạch thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.
Theo đó, Sở GTVT và các địa phương đang rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện để cho thuê. Điều kiện ưu tiên nhất khi chọn tuyến đường cho thuê lòng đường, vỉa hè là vỉa hè phải đảm bảo còn đủ 1,5m cho người đi bộ.
Để ban hành danh mục các tuyến đường, cơ quan quản lí phải tổ chức tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư khu vực đó rồi mới triển khai. Mỗi tuyến đường được chọn đều có phương án sử dụng lòng đường, hè phố riêng, cụ thể.
Trong trường hợp vỉa hè được cho thuê để làm bãi giữ xe có thu phí dịch vụ, các địa phương sẽ lên phương án cụ thể, trên cơ sở đó tổ chức đấu giá bài bản, vì đây là tài sản công.
Đặc biệt, ông Ngô Hải Đường cho biết sẽ ưu tiên những hộ gia đình có vỉa hè trước mặt nhà được thuê để kinh doanh. Nếu nhà nào không có nhu cầu sẽ để trống, không để tình trạng lấn chiếm, xung đột lợi ích giữa người khác đến thuê và người dân đang ở.
Đại diện Sở GTVT nhấn mạnh đề án có mục đích chính là quản lí vỉa hè, lòng đường tốt hơn, chứ không đặt nặng mục tiêu thu tiền. Do vậy, các quận, huyện phải lên chi tiết cụ thể từng vị trí, trao đổi với từng hộ dân để có thông tin chính xác.
Theo Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đã được thông qua, mức phí cho thuê được dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Ông Ngô Hải Đường cho biết Sở GTVT đang xây dựng công cụ, phần mềm quản lí và cấp phép cho thuê lòng đường, vỉa hè và người dân có thể giám sát trực tiếp qua ứng dụng để biết những khu vực có phép hay không, phương án sử dụng thế nào, đã đóng phí hay chưa. Hình thức thanh toán được ưu tiên thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Sắp tới, TP.HCM sẽ có hướng dẫn cụ thể quy trình từ khâu đề nghị của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đến bước cấp phép, chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
UBND TP.HCM sẽ giao Sở GTVT và UBND cấp huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra Xây dựng, Đội quản lý trật tự đô thị và UBND cấp xã xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát, xử lí các trường hợp vi phạm.
"Nếu người thuê cố tình vi phạm, lấn chiếm… sẽ nhắc nhở. Trường hợp vi phạm 2 lần sẽ thu hồi giấy phép” – ông Đường nói.
Theo dự tính của Sở GTVT TP.HCM, nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ đạt khoảng gần 800 tỉ đồng. Tiền từ hoạt động thu phí lòng đường, vỉa hè sẽ được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.