TP.HCM mong muốn các nhà khoa học nêu giải pháp trước chính sách thuế quan mới của Mỹ
Sáng 9/4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai và Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ chủ trì Hội thảo chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở ngành, các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội ngành nghề và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước: GS.TS Nguyễn Trọng Hoài ĐH Kinh tế TP.HCM; PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân - ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TP.HCM; Tham dự trực tuyến có GS.TS Vũ Minh Khương - ĐH NUS (Singapore), GS.TS Trần Ngọc Anh- ĐH Indiana (Mỹ).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trong tuần qua, thế giới và Việt Nam hết sức ngạc nhiên trước việc Mỹ áp thuế đối với 60 nước, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu thuế cao nhất là 46%. Với vai trò TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến TP và những dự định của TP trong năm 2025, khi đó hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ giảm sức cạnh tranh, giá tăng cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng, việc áp thuế cao từ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% của Chính phủ đặt ra cũng như tốc độ phát triển của Thành phố. Qua Hội thảo này, Thành phố mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận và các nhà quản lý thảo luận để đưa ra các giải pháp cho Thành phố trong bối cảnh này.
“Thành phố rất cần sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đại biểu… đưa ra kịch bản kinh tế để Thành phố vượt qua được thách thức. Thành phố luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu cao nhất các ý kiến của đại biểu để bổ sung cho định hướng phát triển của Thành phố nhằm đạt mục tiêu đề ra", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Trương Minh Huy Vũ nêu một số đánh giá tác động của mức thuế suất đối ứng. Theo đó, với mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của TP.HCM vào thị trường Mỹ; trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%)…
Trong khu vực Đông Nam Á, mức thuế suất đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng theo chiến lược Trung Quốc. Với mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm cho TP.HCM không có lợi thế cạnh tranh trong vị trí là điểm đến cho hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu – đặc biệt là đối với các mặt hàng hướng đến thị trường Mỹ. Chi phí xuất khẩu gia tăng sẽ làm các doanh nghiệp FDI có xu hướng tìm kiếm các quốc gia khác có mối quan hệ thương mại ổn định hơn với Mỹ.
Về dài hạn, dòng vốn FDI dịch chuyển vào lĩnh vực sản xuất sẽ có nguy cơ chững lại. Đồng thời, việc duy trì các khoản đầu tư hiện hữu cũng trở thành thách thức khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ bị thu hẹp. Bên cạnh đó, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này. Một số ngành nghề cũng bị tác động như: ngành dệt may, ngành đồ gỗ và sản phẩm thư gỗ, ngành nông, thủy sản, ngành điện tử và linh kiện,…
GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), phân tích chính sách thương mại hiện tại của Mỹ không còn đặt nặng yếu tố hợp tác hay ngoại giao, mà hướng đến lợi ích tuyệt đối cho nước này trong từng thương vụ. Việc áp thuế cao không đơn thuần là biện pháp bảo hộ mà là chiến thuật đàm phán kiểu “đòn phủ đầu” – đưa ra mức phạt cao để gây sức ép và buộc đối phương nhượng bộ. GS. Trần Ngọc Anh cho rằng, mức thuế 46% không chắc sẽ giữ lâu dài, nhưng là cú đánh ban đầu để Mỹ định vị lại mối quan hệ thương mại. Cú sốc này không chỉ với TP.HCM mà có thể kéo theo khủng hoảng toàn cầu nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận.
Thực tế, thị trường tài chính Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn khi chứng khoán lao dốc gần 10% trong ba tuần qua. GS. Trần Ngọc Anh cảnh báo nguy cơ thế giới rơi vào suy thoái trong thời gian tới, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia như Mexico – nhờ tham gia Hiệp định thương mại Bắc Mỹ– đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi cung ứng mới. Châu Âu cũng lo ngại hàng Việt và hàng Trung Quốc không vào được Mỹ sẽ tràn vào thị trường của họ, khiến họ phải cân nhắc các biện pháp phòng vệ bổ sung.
Mặc dù vậy, GS. Trần Ngọc Anh khẳng định, Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ và tài chính toàn cầu – hai yếu tố mà Việt Nam không thể bỏ qua. Việc duy trì kết nối với thị trường này không chỉ để xuất khẩu, mà còn là cơ hội để tiếp cận vốn, công nghệ và thu hút các chuỗi giá trị cao.
Tại hội thảo, GS.TS Vũ Minh Khương - Đại học NUS Singapore đã cập nhật tình hình các nước Đông Nam Á, Châu Á và các giải pháp của các nước. GS.TS Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana cũng cập nhật tình hình thuế quan của Mỹ sau 1 tuần Mỹ ra thông báo áp thuế đối với các nước. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TP.HCM đã trình bày các biện pháp thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ cho Thành phố trong giai đoạn này....
Từ góc độ giải pháp, các chuyên gia tại hội thảo đề xuất, TP.HCM cần có cách tiếp cận chủ động thay vì chỉ phản ứng thụ động với tình hình. Trước mắt, cần đẩy mạnh đàm phán song phương với Mỹ để giảm thuế, đồng thời kiểm soát nghiêm gian lận xuất xứ – vấn đề có thể làm xói mòn uy tín quốc gia nếu không xử lý triệt để. Song song đó, thành phố cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia có FTA như châu Âu, Canada, Mexico, UAE... nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Về dài hạn, TP.HCM định hướng phát triển nhiều khu thương mại tự do (FTZ) nhằm thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Cải thiện hạ tầng logistics, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và xây dựng thành phố trở thành trung tâm phân phối – mua sắm của khu vực cũng là những trụ cột quan trọng.
Các chuyên gia nhất trí rằng, trong nguy cơ luôn tiềm ẩn cơ hội. Nếu TP.HCM biết tận dụng thời điểm này để tái cơ cấu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh nội lực, thành phố không chỉ vượt qua rào cản thuế quan mà còn định hình được vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hơn, vững vàng hơn và ít phụ thuộc hơn.