ThS. Nguyễn Hiếu Tín: “Thư pháp chữ Việt không mất đi mà ngấm sâu vào hồn Việt”

Hoàng Tả Pháp (thực hiện)| 30/03/2023 21:30

Bên cạnh việc dạy học, đam mê sưu tầm đồ cổ, ThS. Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn ngành Du lịch, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) còn dành một tình yêu lớn đối với thư pháp chữ Việt. Anh vừa tái bản bản sách Thư pháp là gì?“Ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông nhân dịp tái bản ấn phẩm thú vị này.

Tình yêu dành cho Thư pháp

Xuất phát từ cơ duyên nào, anh xuất bản sách: Thư pháp là gì?

- ThS. Nguyễn Hiếu Tín:“Thư pháp là gì?” là cuốn sách đầu tay của tôi, được in lần đầu tiên vào năm 2007, lúc đó người viết vừa tròn 27 tuổi.  May mắn thay, quyển sách được nhiều độc giả thương tình đón đọc, nhất là các bạn trẻ yêu mến nghệ thuật thư pháp. Mặc dù, nhận được nhiều yêu cầu tái bản của bạn đọc yêu thích thư pháp, nhưng vì lý do cá nhân, tôi  cứ trì hoãn, và mãi đến hôm nay, sau 16 năm, mới “đủ duyên” để được ra mắt cùng quý bạn.

Còn nhớ, tháng 5/2006, sau khi tôi bảo vệ luận văn thạc sĩ, chuyên ngành văn hóa học với đề tài “Thư pháp và thư pháp chữ Việt”, vì đam mê và muốn lan tỏa, chia sẻ những tài liệu về thư pháp đến với các bạn trẻ đang yêu thích bộ môn này, nên tôi quyết định in sách.

Sách Thư pháp là gì?

Trong bản in lần này, về cơ bản, người viết vẫn giữ nguyên theo bản in lần đầu. Bên cạnh đó, tôi có sửa chữa một vài chi tiết về kỹ thuật và một ít về nội dung, bổ sung một số trang cho phong phú hơn. Cụ thể như sau: Chương 1: Chữ viết và nghệ thuật viết chữ, bổ sung nội dung ấn chương, để làm rõ hơn vai trò ấn triện/con dấu trong một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh; Chương 2: Sơ lược thư pháp Đông – Tây, bổ sung mục giới thiệu về Thư pháp Tây Tạng, nhằm làm phong phú thêm nghệ thuật thư pháp một số nước trên thế giới; Chương 3: Thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, bổ sung một vài  ý nhỏ và lược đồ hóa về sự phát triển của thư pháp chữ Việt sau khi sử dụng chữ Quốc ngữ, để giúp độc giả dễ hiểu và mang tính hệ thống hơn.

Ngoài ra, tôi có thay đổi tên các chương mục theo hướng nêu bật nét đặc trưng thư pháp ở mỗi quốc gia; cải tiến thêm hình thức, nhằm bày tỏ sự trân trọng với tấm lòng chân thành, đáp lại tấm thịnh tình của quý bạn đọc.

Xem ra anh có một tình yêu rất mãnh liệt dành cho nghệ thuật thư pháp?

- Cái đẹp trong chữ viết, nhằm làm thăng hoa giá trị thẩm mỹ, hệ thống văn tự  của từng dân tộc. Theo cách nói hiện đại, viết chữ nghệ thuật - thư pháp, từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới coi trọng và xem là một loại hình “nghệ thuật cao cấp”, là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc ở một số nước phương Đông. Thư pháp Trung Hoa được xem là “linh hồn của mỹ thuật” sánh ngang với các nền nghệ thuật hội họa, âm nhạc... Ở Nhật Bản thư pháp được nâng lên thành Đạo - Thư Đạo (Shodo) - nó vượt khỏi khả năng thông tri để chuyển tải nội dung tâm pháp. Đối với các quốc gia Hồi giáo, sử dụng chữ Arập, họ xem thư pháp là “nghệ thuật thị giác hàng đầu” và trở thành một phần trang trí chính trong các thánh đường Hồi giáo, lâu đài, trường học, dinh thự,..Còn ở Tây Tạng, thư pháp được trân trọng xem là linh tự của phương Đông, trở thành một pháp môn trong tu tập... Có thể nói, nghệ thuật thư pháp có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.

Đối với nước ta, ngay từ xa xưa, khi ông cha chúng ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm làm chữ viết chính thống thì sự quý chữ, trân trọng chữ và kính chữ đã đạt đến tột đỉnh. Truyền thống tốt đẹp này, đến nay vẫn luôn được kế thừa và phát triển, mặc dù lịch sử chữ viết của dân tộc đã trải qua nhiều lần biến đổi. Trong những năm gần đây, ở nhiều nơi trên khắp đất nước, “thư pháp chữ Việt”/ “thư pháp Quốc ngữ” (chữ Latinh) đã bắt đầu khởi sắc và trở thành phong trào phát triển khá mạnh mẽ. Song, xung quanh “thư pháp chữ Việt” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có người không đồng tình, có người chấp nhận ở mặt này, không tán thành ở mặt khác. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có sự quan tâm và tham gia vào “mổ xẻ” bộ môn nghệ thuật này. Có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, có ý kiến gợi ý dẫn dắt, cũng có ý kiến chê bai. Vì vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện của “thư pháp chữ Việt” đã trở thành một hiện tượng văn hóa, và hơn nữa là cả vấn đề văn hóa trong đời sống xã hội, rất cần thiết để tìm tòi và suy ngẫm. Điều đó, khiến ai yêu thích về nghệ thuật thư pháp nói chung và thư pháp chữ Việt nói riêng đều quan tâm và say mê.

Sbảo tồn giá trị văn hóa sẽ ngày càng quyết liệt hơn

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chat GPT... đe dọa nhiều lĩnh vực, thì thư pháp như quan niệm của anh sẽ tồn tại ra sao?

- Đúng vậy, chúng ta đang sống trong một thời đại mà quá khứ và sự đa dạng của cuộc sống hiện đại đang hòa quyện vào nhau. Đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo rất thông minh, có thể thực hiện các công việc của con người một cách chỉnh chu, hoàn thiện. Điều này, ảnh hưởng ít nhiều đến các loai hình nghệ thuật, trong đó có thư pháp. Tuy vậy, sự phát triển vũ bão của công nghệ, lại kéo theo sự ra sức bảo tồn những giá trị văn hóa cổ xưa ngày càng quyết liệt hơn. Trong xu thế đó, nghệ thuật thư pháp lại có sức sống mãnh liệt hơn. Bởi lẽ, thư pháp đòi hỏi người viết có trí tuệ cảm xúc, khí lực, bút lực, nhân sinh quan, tư tưởng truyền tải.

Hơn nữa, thư pháp đòi hỏi sự sáng tạo cao, sự ngẫu hứng của tinh thần, chiều sâu của vô thức,..những điều này công nghệ, AI khó có thể biểu đạt được. Ở góc độ nào đó, AI sẽ ảnh hưởng đến tính chất “thị trường” của thư pháp (sao chép nhanh) và vô tình làm tôn vinh thêm chất “nghệ thuật” (độc đáo, xúc cảm) của loại hình này.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín (bìa trái) chia sẻ về phong tục tặng chữ đầu năm trong hoạt động viết tặng chữ thư pháp cho văn nghệ sĩ ngày Tết.

Điều mà anh thấy thú vị khi đến với nghệ thuật thư pháp và cần lan tỏa đến công chúng là gì?

- Trên bình diện rộng, thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp, là môn nghệ thuật đi tìm cái đẹp, cái hồn nơi mỗi chữ, mỗi câu. Xét như thế, mỗi dân tộc trên thế giới có chữ viết đều có thể tạo ra thư pháp cho riêng mình. Tuy vậy, sự phát triển của thư pháp cũng như quan niệm về giá trị thẩm mỹ của mỗi nước tùy thuộc vào yếu tố trí tuệ, đời sống tinh thần và văn hóa xã hội ở nước đó. Và vì thế, nghệ thuật thư pháp ở mỗi quốc gia sẽ tạo nên những nét đặc trưng riêng trên nền tảng bản sắc dân tộc của họ.  

Mặt khác, thư pháp chữ Việt đã bước đầu ngấm sâu vào hồn Việt và nếu chúng ta có ý thức trân trọng, tạo được một sức bật mạnh mẽ, biết giữ gìn và phát huy hẳn nó sẽ không thể không trở thành quốc bảo. Do vậy, để góp phần cho đời sống văn hoá tinh thần ngày càng phong phú, thăng hoa, thiết nghĩ song song với công việc chuyên luyện tay nghề, tạo nên tính đột phá về thẩm mỹ của các “thư pháp gia”, cần có nhiều công trình lý luận nghiêm túc cần sớm được hoàn chỉnh để khả dĩ hướng dẫn giới yêu thích thư pháp chữ Việt có điều kiện tiếp cận/đón nhận nó một cách đích thực, chứ không thể mặc cho giới thưởng lãm cảm nhận mơ hồ, hoặc tán đồng một cách miễn cưỡng kiểu...phong trào!

Xin cám ơn anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ThS. Nguyễn Hiếu Tín: “Thư pháp chữ Việt không mất đi mà ngấm sâu vào hồn Việt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO