Dòng chảy

TP.HCM: Động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Khởi Nguyên 11/07/2025 - 20:12

TP.HCM mở rộng không gian phát triển, vận hành mô hình đô thị đa trung tâm là cơ hội thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nâng tầm vị thế trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á.

Ngày 11/7, Sở Công thương TP.HCM tổ chức tọa đàm “Không gian phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”.

Tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh: “Thành phố đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi cơ hội và thách thức luôn song hành.

ong-nguyen-van-dung-pho-chu-tich-ubnd-thanh-pho-ho-chi-minh-phat-bieu-tai-toa-dam.jpg
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm “Không gian phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”

Việc mở rộng không gian phát triển, vận hành mô hình đô thị đa trung tâm không chỉ đơn thuần là điều chỉnh cơ học về mặt hành chính, quan trọng hơn, đây chính là cơ hội nâng tầm vị thế của thành phố trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, lãnh đạo thành phố đã chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng, xác lập vai trò trung tâm về tài chính, sản xuất, thương mại, logistics và đổi mới sáng tạo trong khu vực, với mục tiêu xuyên suốt là phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Thực tế, TP.HCM đã và đang giữ vai trò đầu tàu, chiếm hơn 20% tổng mức bán lẻ cả nước, đóng góp lớn cho kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, ngành thương mại - dịch vụ vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn như hạ tầng thương mại phát triển thiếu đồng bộ, còn chênh lệch giữa các khu vực; chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối thiếu liên kết, chưa thích ứng với biến động thị trường, chuyển đổi số còn chậm và thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng thiếu gắn kết thực chất với chuỗi logistics, sản xuất và hệ thống phân phối truyền thống.

Từ đó, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, ngành Công Thương Thành phố đã xác định một số định hướng trọng tâm trong phát triển thương mại - dịch vụ giai đoạn mới như: phát triển quy hoạch không gian thương mại - dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng.

Trong đó, ưu tiên hình thành các cụm trung tâm mua sắm - hậu cần - chợ đầu mối - logistics tại khu vực phía Nam (Nhà Bè, Cần Giờ (cũ)), phía Tây (Bình Chánh, Hóc Môn (cũ)), kết nối với các tuyến vành đai và cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy chợ truyền thống, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm chuyển đổi vận hành, quản trị, thanh toán và kết nối chuỗi cung ứng.

ong-bui-ta-hoang-vu-giam-doc-so-cong-thuong-thanh-pho-ho-chi-minh-phat-bieu-khai-mac-toa-dam..jpg
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, TP.HCM mở rộng không gian phát triển, vận hành mô hình đô thị đa trung tâm chính là cơ hội nâng tầm vị thế của thành phố trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á

Từ đó đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng các ngành hàng chiến lược (nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, điện máy...) theo hướng linh hoạt, chủ động thích ứng với biến động thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo khả năng cung ứng ổn định, bền vững.

Thành phố tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng thương mại - logistics thông minh, đồng bộ. Bao gồm tăng cường đầu tư vào các trung tâm phân phối, kho vận hiện đại, sàn giao dịch điện tử, kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đô thị và cảng biển; phát triển chuỗi logistics cảng biển thông minh.

Tận dụng lợi thế cảng trung chuyển Cần Giờ để tăng cường kết nối vùng và quốc tế, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển các mô hình chuỗi giá trị liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất - phân phối - tiêu dùng.

TP.HCM quy hoạch hệ thống phân phối theo mô hình đô thị đa trung tâm

Tại tọa đàm, 5 tham luận chuyên sâu từ các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu như: Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo, Informa Markets Việt Nam và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.

Các tham luận đã tập trung phân tích sâu các chủ đề: Định vị vai trò thương mại của TP.HCM sau sáp nhập; dữ liệu tiêu dùng và xu hướng bán lẻ tại TP.HCM; tái cấu trúc từ kênh bán lẻ truyền thống; hội chợ triển lãm trong không gian đô thị mới; sàn giao dịch hàng hóa và thương mại hiện đại.

tp.hcm(1).jpg
TP.HCM đã và đang giữ vai trò đầu tàu, chiếm hơn 20% tổng mức bán lẻ cả nước, đóng góp lớn cho kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa

Đặc biệt, phiên thảo luận mở với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức chuyên môn, tập trung đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm xây dựng không gian thương mại hiện đại, đồng bộ và hiệu quả cho TP.HCM trong giai đoạn phát triển mới.

Các vấn đề chính được trao đổi gồm: định hướng quy hoạch hệ thống phân phối theo mô hình đô thị đa trung tâm; giải pháp hiện đại hóa và số hóa chợ truyền thống; tổ chức lại mạng lưới kho vận trung tâm phân phối vùng; phát triển thương mại điện tử; tăng cường liên kết với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp và hoàn thiện chính sách phát triển bán lẻ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới.

Ý kiến thảo luận của các chuyên gia, khách mời cung cấp nhiều gợi ý chính sách, giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch không gian thương mại, phát triển hạ tầng bán lẻ thông minh, hoàn thiện chuỗi cung ứng tích hợp và thúc đẩy mô hình liên kết vùng hiệu quả.

Đến dự và phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trân trọng cảm ơn các diễn giả, doanh nghiệp, nhà khoa học đã góp ý, trao đổi để Sở Công thương TP.HCM ghi nhận, tiếp thu. Từ đó, ngành Công thương thành phố triển khai xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ, góp phần mở rộng không gian phát triển, xây dựng thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO