Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi, tiến đến thi trên máy tính vào 2030

HOÀNG NGUYỄN 31/10/2024 - 18:14

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi, vẫn thi trên giấy nhưng giai đoạn sau 2030, Bộ GD&ĐT từng bước thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện.

Đó là một trong những thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cung cấp trong hội nghị “Tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi từ năm 2025” ngày 31/10 tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được cả xã hội quan tâm vì là kỳ thi đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Do đó, Sở GD&ĐT các địa phương cần quán triệt tổ chức triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc về tăng cường công tác phối hợp tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, tốn kém cho thí sinh và xã hội, đảm bảo độ tin cậy. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao nhận thức từ công tác chuẩn bị trước, trong và sau kỳ thi, đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thí sinh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, đánh giá tác động của từng phương án khi có vấn đề phát sinh xảy ra.

thu-truong-pham-ngoc-thuong.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2025, mục đích tổ chức, đối tượng dự thi, hình thức thi, thời gian tổ chức thi, phân cấp phân quyền kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản tương tự như giai đoạn 2020-2024. Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký trực tuyến, bao gồm thí sinh tự do; Chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi nhưng không quy đổi thành điểm 10 và đặc biệt là vận chuyển đề thi có thêm phương án qua Ban Cơ yếu Chính phủ.

“Dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp. Đối với điểm khuyến khích, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về không cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình giáo dục phổ thông mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ”, ông Chương cho biết.

ong-huynh-van-chuong.jpg
Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT.

Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 và tăng cường độ phân hóa. Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh thi 4 môn thi trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Công nghiệp).

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình 3 năm học và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, dự kiến là 50 -50.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay, lộ trình giai đoạn 2025 – 2030, hình thức thi tốt nghiệp THPT giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi. Giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện và đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện thì sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Từ năm 2024 trở về trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Theo kết quả công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, tỉ lệ tốt nghiệp liên tục tăng trong nhiều năm: năm 2020 tỉ lệ tốt nghiệp đạt 98.34%, năm 2021 là 98.60%, năm 2022 là 98.57%, năm 2023 là 98,88% và năm 2024 là 99. 40%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi, tiến đến thi trên máy tính vào 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO