Tập trung điều tra bánh su kem vì liên quan đến 1 trẻ tử vong sau ngộ độc
Tập trung điều tra bánh su kem vì bé gái tử vong nghi ngộ độc thực phẩm chỉ ăn bánh su kem do mẹ mang về sau tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Chiều 5/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp.
Thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người nhập viện, một trẻ tử vong sau đêm tiệc Trung Thu tại chung cư Palm Heights, TP Thủ Đức, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, ngay khi nắm thông tin, Ban đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc, tiến hành điều tra dịch tễ, thanh tra toàn diện cửa hàng phân phối, kiểm tra cơ sở sản xuất bánh su kem được dùng trong bữa tiệc. Đơn vị cũng lấy mẫu tất cả các nguyên liệu đầu vào như sữa, trứng, bơ… và mẫu bánh lưu sản xuất ngày 29/9 để xét nghiệm và đang chờ kết quả.
“Với kết quả thanh tra ban đầu của các đoàn, chúng tôi nhận thấy từ cửa hàng ở Bình Thạnh đến cơ sở sản xuất đều đáp ứng những gì họ đã cam kết khi chúng tôi đến thẩm định để cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để có kết luận sau cùng, cần có kết quả kiểm định và một số kết quả của ngành y tế”, bà cho biết và khẳng định, dù kết quả thế nào thì vụ việc trên cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về việc chỉ tập trung xét nghiệm bánh su kem mà không điều tra nguồn thực phẩm khác trong bữa tiệc như xúc xích, nước ngọt, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thông tin do có vấn đề tử vong của bé gái 6 tuổi. Nạn nhân này không dự tiệc trung thu tại chung cư mà chỉ ăn bánh su kem mà mẹ đem về từ sự kiện. Bánh su kem là điểm chung của bé gái và các trẻ khác đang nhập viện sau khi dự tiệc.
Bà Phong Lan cho biết, ngày 29/9, cửa hàng cung ứng ra thị trường 1.300 sản phẩm nhưng chỉ 230 sản phẩm cung cấp cho bữa tiệc ở chung cư nói trên gặp vấn đề.
Bà Lan cũng thông tin thêm, 2 ngày kể từ thời điểm bữa tiệc trung thu diễn ra, Ban QLATTP mới nắm được thông tin qua kênh riêng. Ngay lập tức, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc. Trước thời điểm này, Công an TP Thủ Đức cũng tiến hành điều tra.
"Nếu trao đổi thông tin diễn ra sớm hơn, chúng ta có thể giải quyết kịp thời. Nếu một số trẻ em trong bữa tiệc đó có thể trạng yếu, có bệnh nền mà ngộ độc kéo dài, không được giải quyết, có thể sẽ nhiều hơn một trẻ tử vong", bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Do việc trao đổi thông tin còn chậm, đến nay, Ban QLATTP TP.HCM chỉ thu được 2 mẫu bánh su kem được sử dụng tại bữa tiệc và 2 mẫu bánh tại cơ sở sản xuất được làm vào ngày 29/9.
Cũng tại họp báo, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam cho biết, sau khi nắm được thông tin vụ việc nêu trên, hội đồng chuyên gia Sở đã họp và xác định nguyên nhân ngộ độc là do nhiễm khuẩn thực phẩm. “Đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm phức tạp và khó nhận biết, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn trước buổi tiệc trung thu”, ông phát biểu.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mẫu kiểm nghiệm đang được Viện Y tế Công cộng TP thực hiện. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm PCR phân của hai trẻ ngộ độc sau khi ăn bánh kẹo phát trong tiệc Trung thu cho thấy có vi khuẩn Salmonella. Ngành y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực điều trị cho các bệnh nhi đang nằm viện, đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế cần thiết.
Tính đến chiều 3/10, 48 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó 19 người phải nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh phát tại sự kiện mừng Trung thu tối 29/9. Trong đó, một trẻ tử vong nghi ngộ độc thực phẩm khi ăn bánh su kem phát tại sự kiện này.
Tại sự kiện này, 230 bánh su kem nhãn hiệu Givral đã được nhà tài trợ mua tại cửa hàng bánh Givral trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 22 (quận Bình Thạnh), có địa chỉ sản xuất tại quận Tân Phú. Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cấp ngày 20/4/2023.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm từ thiện là mảng còn trống và chưa có cách quản lý hiệu quả. Loại hình này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không cần đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ban QLATTP đã có kế hoạch thống kê các cơ sở từ thiện tại các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trước mắt, ban sẽ tập huấn cho người làm công tác từ thiện để chuẩn bị bữa ăn, thực phẩm an toàn cho người dân.